Conte trở thành HLV đội tuyển Italy: Quá đắt cho một HLV, quá rẻ cho một giấc mơ

16/08/2014 08:29 GMT+7 | Juventus

(Thethaovanhoa.vn) - Rời Juve cho một cú sốc và một tháng sau, nhận lời làm HLV đội tuyển Ý trong một cú sốc khác mang tính truyền thông (và ngay lập tức gây tranh cãi trong dư luận), Antonio Conte đã và câu chuyện của anh đã trở thành một món quà đầy rắc rối cho các tifosi trước ngày Ferragosto (ngày nghỉ lễ giữa tháng 8) về khoản tiền anh nhận được từ hợp đồng dẫn dắt đội tuyển Ý. Người ta đơn giản đã quên mất một điều: Vấn đề không phải là HLV 45 tuổi có xứng đáng với số tiền mà anh được nhận hay không, mà là liệu anh có đem lại niềm tin chiến thắng cho đội Thiên thanh?

4 triệu euro một năm trong vòng 2 năm hợp đồng cho một HLV trẻ trung, đầy tham vọng, cá tính và luôn khát khao chinh phục có phải là quá nhiều và quá đáng trong thời điểm, đất nước của anh đang chìm trong khủng hoảng kinh tế, khiến nhiều người cảm thấy mức thu nhập ấy là một sự "xúc phạm" đến giá trị của lao động?

Câu trả lời không đến một cách đơn giản, bởi câu chuyện về Conte không đơn thuần là những con số. Một tháng trước, người đã đưa Juventus đến 3 Scudetto trong 3 năm liên tiếp (nhưng không thể hiện được sức mạnh ấy trên đất Châu Âu) vừa mới từ chức ở đội bóng thành Turin. Bây giờ, sau một hợp đồng kếch xù mà tập đoàn Puma (đang bảo trợ quần áo đấu của đội tuyển Ý) chi hơn một nửa khoản lương cho anh, Conte đã trở thành HLV được trả lương cao nhất trong lịch sử đội bóng Thiên thanh và là một trong số những nhà cầm quân đội tuyển có thu nhập lớn nhất hiện tại (chỉ sau Capello, 8,4 triệu và Hodgson, 4,4 triệu, gấp rưỡi Low, HLV vừa VĐTG với đội Đức). Đâu là lí do khiến trên các mạng xã hội, người ta chỉ trích Conte và LĐBĐ Ý (FIGC) về hợp đồng ấy, và tại sao một người như Enrico Rossi, chủ tịch vùng Tuscany tuyên bố, với thu nhập ấy, người ta có thể "trả lương cho 200 giáo viên hoặc bác sĩ"? Đúng là cách đây hơn 20 năm, khi Arrigo Sacchi nhận mức lương 1,4 tỉ lira (tiền cũ của Ý, tương đương với hơn 700 nghìn USD), nước Ý đã tranh cãi kịch liệt về con số ấy, nhưng vấn đề của Conte không hẳn đơn thuần ở khía cạnh số tiền là bao nhiêu, mà là như thế nào.

Rủi ro lớn nhất đối với Conte trong mắt công chúng chính là cách anh sẽ phải đối đầu với vấn đề Balotelli

Với việc Puma trả hơn nửa số lương của Conte, họ đã biến anh thành một nhân vật quảng cáo cho sản phẩm của họ. Trong quá khứ, Conte đã từng quảng cáo cho Puma, nhưng với số tiền thấp hơn nhiều cho sản phẩm giày. Giờ đây, với khoản tiền nhiều gấp bội chi thẳng cho Conte từ Puma chứ không từ FIGC, tập đoàn đồ thể thao Đức đã thâm nhập quá sâu vào lãnh địa kinh tế và kĩ thuật của đội tuyển Ý, thậm chí chính họ đã lựa chọn Conte, thương lượng với Conte sau khi được tân chủ tịch FIGC Tavecchio, một nhân vật bị gần nửa số CLB Serie A tẩy chay, bật đèn xanh cho việc tiếp xúc. Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với Conte trong mắt công chúng chính là cách anh sẽ phải đối đầu với vấn đề Balotelli. Thật khó tin, một người mạnh mẽ và đầy nghị lực như Conte, người đã từng loại bỏ Vidal hay Pogba khỏi đội hình ra sân của Juventus chỉ vì họ đến tập muộn 5 phút, lại phải chấp nhận yêu cầu của nhà tài trợ, là phải sử dụng Balotelli trong đội tuyển mới của anh chỉ vì chân sút này là nhân tố quan trọng nhất trong chiến dịch quảng bá thương hiệu của Puma, tập đoàn đồ thể thao lớn thứ 3 thế giới, sau Nike và Adidas.

Balotelli và số tiền quá lớn mà Conte sẽ nhận chính là áp lực cực lớn đối với anh trên con đường mới mà anh đang theo người thầy cũ Marcello Lippi, người cũng như anh, dẫn dắt Juventus và sau đó trở thành HLV đội tuyển Italy (cách đây đúng 10 năm, và 2 năm sau đó, đã trở thành nhà VĐTG). Câu hỏi đặt ra, là Conte, người HLV xuất sắc nhất trong số các HLV Ý ở Serie A có chịu nổi áp lực đó không và liệu có thành công hay không, khi Thiên thanh không phải là Juventus, và các đội tuyển quốc gia đối thủ mạnh hơn nhiều những Galatasaray hay Benfica, những đội bóng đã đá văng Juventus của anh lần lượt ở Champions League và Europa League mùa bóng qua?

Không dễ trả lời những điều ấy, dù có một thực tế, là Conte có thể sử dụng sơ dồ 3-5-2 cho Italy và đặc biệt là dựa vào khối Juventus ở hàng phòng ngự (Buffon trong khung thành, Barzagli, Bonucci và Chiellini ở hàng thủ) cũng như thuyết phục Pirlo trở lại đội tuyển cho hai năm bản lề của anh với Thiên thanh. Một vấn đề nữa, khi ở Juventus, Conte có thể lợi dụng vị thế của Juve để có thể công kích, nạt nộ báo chí hoặc đón cửa với công chúng trong một thời gian dài. Ở đội Thiên thanh, mọi chuyện không đơn giản như thế. Conte không thể đối xử với công chúng như anh đã từng làm khi còn ở Juve. HLV trưởng ĐTQG là hình ảnh của cả một nền bóng đá, và ông ta phải biết cách cư xử.

Antonio Conte không thể đối xử với công chúng như anh đã từng làm khi còn ở Juventus

Ngày ra mắt Juve, Conte tuyên bố: "Những đội bóng của tôi phải chơi tốt, phải kiểm soát được trận đấu, phải biết cầm bóng. Tôi muốn đội bóng chơi ở cự li gần nhau, không biết lui bước, mạnh mẽ và nhanh chóng đoạt lại bóng sau khi để mất bóng". Juve của anh trong ba năm qua là một minh chứng cho thứ bóng đá ấy, chắc chắn, mạnh mẽ và đầy sức tấn công. Đương nhiên, Juve hơn hẳn những đối thủ còn lại ở một Serie A đang khủng hoảng và phân rã giàu nghèo quá mức. Truyền cảm hứng Juve vào đội tuyển càng không đơn giản, bởi dù khối Juve trong đội tuyển vẫn chiếm gần nửa đội hình, nhưng Juve hóa đội tuyển là điều không thể, một khi Italy không có những Vidal, Pogba hay Tevez, và đang thiếu một tinh thần chiến đấu mạnh mẽ đã mất đi kể từ sau thảm họa World Cup Brazil.

Không có nhiều thời gian cho Conte chuẩn bị hành trình mới. Ngày 4-9, đội tuyển của HLV đầu tiên người miền Nam Italy này sẽ ra quân trận đầu tiên với Hà Lan ở Bari, nơi anh đã từng dẫn dắt và là thủ phủ của xứ Puglia, quê hương anh. 5 ngày sau trận giao hữu ấy, sẽ là trận đấu đầu tiên ở vòng loại EURO 2016 trên sân Na Uy, với đội hình không có Marchisio và Balotelli (bị treo giò). Đấy là những cuộc ra mắt không hề đơn giản, và một khi Conte đã rơi vào vòng xoáy chỉ trích của dư luận về mối quan hệ với Puma, một sự khởi đầu không hoàn hảo có thể khiến anh chịu thêm nhiều sức ép nữa, và khi ấy, người ta sẽ quay lại với câu chuyện về mức lương của Conte, để rồi so sánh với Loew, người đã đưa Đức lên đỉnh thế giới sau 24 năm chỉ với một mức lương khiêm tốn hơn nhiều Conte (2,7 triệu euro/năm).

Nhưng hợp đồng hai năm cho đến EURO 2016 đã kí và hành trình của Conte sắp bắt đầu. 4 triệu euro/năm, xét cho cùng, có thể là hơi cao cho Conte trong mắt dư luận, nhưng nếu anh đưa đội tuyển đến chiến thắng (hoặc một vị trí cao) trên đất Pháp hai năm sau nữa, đầu tư trên là quá bình thường cho một giấc mơ. Thời gian sẽ trả lời.

                            Trương Anh Ngọc
(Từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm