Jupp Heynckes: Sacchi thời hiện đại

25/05/2013 07:38 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn cách Bayern Munich khắc chế Barcelona trong hai lượt trận, nhất là trận lượt về, với chiến thuật phòng thủ khu vực, chúng ta nhớ đến Arrigo Sacchi. Milan của Sacchi vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 thế kỷ trước, cũng chơi tương tự như vậy.

1. Nhắc đến Sacchi, tất cả sẽ nhớ đến sơ đồ 4-4-2 đưa Milan giành 2 cúp C1 và 1 Scudetto từ năm 1987 đến 1990. Hệ thống của Milan khi đó gồm một hàng phòng ngự dâng cao, một hàng tiền vệ “nhỏ gọn”, và khoảng cách đội hình theo trục dọc, giữa các trung vệ và tiền đạo, không vượt quá 25 mét.

Trong không gian nhỏ hẹp, Milan-Sacchi bóp nghẹt mọi hướng lên bóng của đối thủ. Các cầu thủ đá gần nhau, nên hỗ trợ cho nhau dễ hơn, và cũng dễ thay đổi trận địa, tùy yêu cầu trận đấu. Jonathan Wilson, tác giả của cuốn sách chiến thuật nổi tiếng “Inverting the Pyramid”, gọi cách đá này là “Pressing cục bộ”: một dạng “giả Pressing toàn sân”: gây áp lực cục bộ, nhưng kinh khủng hơn vì nó “nhốt” đối phương vào không gian chật hẹp.


Heynckes - Sacchi thời hiện đại - Ảnh Getty

Nhưng khi trào lưu sử dụng 4-4-2 của bóng đá thế giới qua đi, ý tưởng của Sacchi rơi vào quên lãng. Chỉ đến khi Pep Guardiola trở thành HLV của Barcelona, và Heynckes trở thành HLV Bayern, công thức bị phủ bụi này mới được đào lên.

Barca của Pep khéo léo hòa quyện giữa khả năng giữ bóng siêu việt của các cầu thủ, với khả năng vây ráp, đưa tiki-taka lên tầm cao mới. Các cầu thủ Barca, cố gắng hạn chế khoảng cách giữa các tuyến như Milan-Sacchi, tạo tiền đề để các cầu thủ hỗ trợ nhau dễ hơn trong việc đánh chặn để giành bóng.

2. Khi Sacchi làm HLV Milan, các đội bóng chỉ chú tâm đến việc phòng ngự, và tấn công chỉ nhờ một “số 10”. Họ thường dùng hàng hậu vệ 3 người, với 1 cầu thủ đá thòng và kèm người kiểu “1 kèm 1”.

Juve của Conte chơi chính xác như vậy: Sử dụng 3 hậu vệ, lên bóng dựa vào Pirlo và sống dựa vào hai cánh. Chiến thuật này đã bị Heynckes khắc chế bằng sơ đồ 4-2-3-1, ép nát hai cánh Juve nhờ việc kéo đôi cánh Ribery-Robben xuống thấp, dâng bộ đôi Thomas Mueller-Mandzukic lên cao, làm hai cầu thủ phòng ngự đầu tiên.

Bayern, vì thế, bắt đầu với sơ đồ 4-2-3-1, nhưng thực chất họ chơi 4-4-1-1 hoặc 4-4-2, như Milan-Sacchi. Chính nhờ hai cánh và bộ đôi “tiền đạo”, Bayern dồn ép Juve vào những khoảng không họ muốn, thoải mái khai thác những khoảng trống còn lại để giành chiến thắng.

Điều tương tự xảy ra trong trận bán kết lượt về với Barcelona: Heynckes dùng Javi Martinez bắt chết Iniesta (theo kiểu phòng ngự “1 kèm 1”). Nhưng toàn đội thì lại thi triển cách đá phòng ngự khu vực của Sacchi: Dùng đôi cánh Ribery-Robben chống lại đôi cánh của Barca, dùng Mueller-Mandzukic uy hiếp Xavi và Song, và dâng cao hàng thủ để cắt các đường chuyền của đối phương.

Có thể khác đôi chút, nhưng trước Juve và Barca, tinh thần của thứ bóng đá phòng ngự khu vực tuyệt vời của Milan-Sacchi hơn 2 thập kỷ trước, đã được Heynckes biến hóa một cách tuyệt diệu với Bayern.

Chính Heynckes đã phản bác những nghi ngờ hướng vào ông: Ai nói HLV lớn tuổi thì không sáng tạo? Heynckes chính xác là một trường hợp của câu tục ngữ: Gừng càng già càng cay.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, đội bóng nào sẽ vô địch Champions League mùa bóng này?


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm