Một người trung gian cho biết Edward Snowden, cựu nhân viên nhà thầu Booz Allen Hamilton làm việc tại một cơ sở của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) ở Hawaii, đang muốn xin tị nạn ở Iceland.
Trong một chuyên mục trên nhật báo Iceland Frettabladid, người phát ngôn WikiLeaks Kristinn Hrafnsson - một nhà báo chuyên về điều tra, viết rằng một người đại diện của Snowden đã tiếp xúc với ông ta.
Edward Snowden đang muốn tị nạn ở Iceland. Ảnh: Reuters
Ông Hrafnsson cho biết: “Ngày 12/6, tôi nhận được thông báo từ Snowden, trong đó anh ta yêu cầu tôi truyền đạt với chính phủ Iceland rằng anh ta muốn xin tị nạn ở nước này”. Tuy nhiên, ông Hrafnsson không tiết lộ tên của người trung gian đó.
Chính phủ Iceland - trước đây từng từ chối khẳng định liệu họ có cho Snowden tị nạn hay không - xác nhận đã nhận được thông báo từ Hrafnsson. Người phát ngôn chính phủ Iceland nói: “Kristinn Hrafnsson đã tiếp xúc một cách không chính thức với 2 bộ nhưng không phải với 2 bộ trưởng. Hiện vẫn chưa có sự tiếp xúc chính thức nào về vấn đề này”.
Đất nước Iceland nổi danh là nơi đề cao tự do Internet. Tuy nhiên, Snowden không chọn đến Iceland ngay lúc rời khỏi Mỹ vì lo ngại đất nước với dân số 320.000 người này có thể bị Washington gây áp lực.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã đưa tin Ecuador có thể cho Snowden tị nạn. Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino được báo chí địa phương dẫn lời nhấn mạnh: “Snowden có thể yêu cầu chính phủ Ecuador cho tị nạn nếu anh ta muốn. Dĩ nhiên là, chúng tôi sẽ xem xét đề nghị của anh ta, như chúng tôi đã làm với ông Julian Assange, nhà sáng lập WikiLeaks”.
Trong khi đó, các quan chức an ninh hàng đầu của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama - bao gồm Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) Keith Alexander, Phó Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Sean Joyce - tiếp tục bảo vệ các chương trình do thám bí mật khi ra điều trần trước Ủy ban Tình báo Hạ viện ngày 18-6.
Tướng Alexander cho biết các chương trình bí mật đã giúp Mỹ phát hiện và ngăn chặn được hơn 50 kế hoạch tấn công khủng bố nhằm vào nước này cũng như các mục tiêu của Mỹ trên thế giới kể từ sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Ông cũng cam kết sẽ cung cấp cho các nghị sĩ chi tiết của hơn 50 vụ trên trong vòng 24 tiếng sau cuộc điều trần.
Còn Phó Giám đốc FBI Joyce cung cấp thông tin về 2 âm mưu khủng bố bị tình báo Mỹ phát hiện và ngăn chặn, gồm kế hoạch đánh bom Sở giao dịch chứng khoán New York năm 2009 và vụ bắt giữ một người Mỹ gốc Pakistan có âm mưu đánh bom hệ thống tàu điện ngầm ở New York cùng năm.
Sau khi nghe điều trần, một số nghị sĩ Mỹ - trong đó có Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers và hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Dutch Ruppersberger - cũng ngả theo hướng bảo vệ các chương trình do thám bí mật của NSA.
Theo Lục San
Người Lao động/Reuters, THX