28/04/2012 10:38 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Săn bắn vốn là chuyện thường tình của các vị vua tại châu Âu. Nhưng tại đất nước Tây Ban Nha đang lâm vào khủng hoảng, với một khoản nợ công lớn chưa có tiền lệ và 1/4 người dân thất nghiệp, việc quốc vương Juan Carlos xách súng đi săn đã khiến ông lâm vào những rắc rối chưa từng thấy.
Tuần trước, vua Juan Carlos, 74 tuổi, đã phải công khai xin lỗi dư luận vì tham gia một chuyến đi săn voi ở Botswana. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Tây Ban Nha, một đức vua phải xin lỗi dư luận.
|
Carlos phải xin lỗi vì trước đó ông từng có các bài phát biểu nói rằng mình đã mất ngủ nhiều đêm bởi tình trạng thất nghiệp trong thanh niên tăng lên chóng mặt - lúc cao nhất tới 50%. Ông cũng nói rằng các chính trị gia phải nêu gương trong thời điểm Tây Ban Nha đang triển khai các chính sách khắc khổ.
Tai nạn của nhà vua đã nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán trên các mạng xã hội như Twitter, nơi người ta gọi ông là "đạo đức giả" và "mất liên hệ với người dân" đang khổ sở vì khủng hoảng.
Chuyến đi, dù được một người bạn của nhà vua là doanh nhân tài trợ, giống như giọt nước tràn ly. Trước sự cố này, dư luận Tây Ban Nha đã tỏ ra thiếu thiện cảm với hoàng gia sau chuyện con rể của đức vua, Inaki Urdangarin, lạm dụng chức quyền để biển thủ công quỹ thông qua một tổ chức từ thiện.
Đầu tháng 4, hoàng gia cũng đối diện với một sự kiện bẽ mặt khác, khi cháu trai 13 tuổi của đức vua là Felipe Juan Froilan vô ý dùng súng bắn vào chân.
Việc cậu bé được sờ vào súng dù chưa đủ tuổi hợp pháp đã gây nên một làn sóng chỉ trích lớn nhằm vào hoàng gia. Đây là điều chưa từng có ở một đất nước nơi người dân có truyền thống kính trọng hoàng gia và luôn tránh săm soi về đời tư của các thành viên hoàng tộc, không giống như cách người Anh đối xử với hoàng gia của họ.
Rúng động hoàng gia
Sự kiện đức vua đi săn đã khiến đảng cánh tả Izquierda Unida nối lại những lời kêu gọi đưa Tây Ban Nha trở thành quốc gia cộng hòa. "Lãnh đạo một quốc gia phải chọn lựa giữa việc thực hiện các nghĩa vụ và bổn phận hoặc ông ta nên nhường ngôi để tận hưởng một cuộc sống hoàn toàn khác" - Tomas Gomez, thủ lĩnh đảng Xã hội khu vực Madrid, cũng có chung lời kêu gọi.
Việc nhiều người đòi đức vua thoái vị và chuyển lại quyền lực cho con trai, thái tử Felipe, khiến giới quan sát ngạc nhiên. "Chưa ai từng nói về việc truyền ngôi trước đó. Yêu cầu nhận trách nhiệm ở quy mô lớn như thế này chưa bao giờ tồn tại trước đó" - Charles Powell, một giáo sư lịch sử tại Đại học CEU-San Pablo ở Madrid nhận xét.
Phe đối lập hiện cũng gây sức ép lên Chính phủ, đòi tiết lộ thêm thông tin về chuyến đi săn. Họ muốn biết Nhà nước đã trả bao nhiêu tiền để đảm bảo an ninh cho đức vua và kêu gọi Chính phủ đưa ra câu trả lời trong vòng 1 tháng.
Trong một cuộc thăm dò do tờ El Mundo tổ chức hồi cuối tuần, 63% những người được hỏi nói rằng Hoàng gia chưa công bố thông tin đầy đủ về vụ tai nạn của đức vua diễn ra thế nào. Khoảng 52% không tin lời xin lỗi của đức vua có thể sửa chữa được những thiệt hại mà hoàng gia gánh chịu sau chuyến đi săn.
Hoàng gia được trọng vọng
Tuy nhiên quan điểm của dư luận Tây Ban Nha có sự phân hóa ở từng nhóm dân số. Những người lớn tuổi vẫn tỏ ra biết ơn đức vua vì đã giúp củng cố nền dân chủ ở Tây Ban Nha trong những ngày đầu, khi nó còn mong manh. Cần biết rằng nhà độc tài Francisco Franco đã đưa Juan Carlos lên làm người kế nhiệm ông ta. Nhưng vị vua trẻ tuổi khi đó đã giúp mở đường cho việc thành lập một chính quyền quân chủ lập hiến sau khi Franco qua đời hồi năm 1975.
Khi các sĩ quan quân đội cánh hữu định tổ chức một cuộc đảo chính hồi tháng 2/1981, đức vua đã có bài phát biểu trên truyền hình bảo vệ nền dân chủ. Hành động này khiến ông nhận được sự tôn trọng của cả cánh tả lẫn cánh hữu ở Tây Ban Nha.
Cho tới trước khi vụ Urdangarin bị phanh phui, hoàng gia vẫn rất được nhân dân yêu mến. Danh tiếng hoàng gia càng tăng lên khi Thái tử Felipe kết hôn với người dẫn chương trình truyền hình được ưa chuộng, Letizia Ortiz, trong một đám cưới cổ tích.
Vì lẽ đó, có nhiều người nói rằng buộc nhà vua truyền ngôi chỉ sau một chuyến đi săn là quá đáng. "Gia đình nhà vua thích săn bắn. Ông ấy đi săn và các con trai ông ấy sẽ săn bắn... Đó không phải là lý do để người dân đòi có nền cộng hòa" - Enrique Hernando, một kỹ sư về hưu nói.
Hồi tháng 10 năm nay, tỉ lệ ủng hộ của Juan Carlos đã lần đầu tụt xuống dưới 5 trên thang điểm 10. Tuy nhiên ít nhà phân tích cho rằng việc ông không được ưa chuộng sẽ đưa Tây Ban Nha tới nền cộng hòa, bởi cả hai đảng lớn nhất ở Tây Ban Nha đều ủng hộ nền quân chủ.
"Người dân chỉ muốn hoàng gia đồng điệu hơn với công chúng mà thôi" - Powell đánh giá.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất