Chelsea: Triết lý 'an toàn là trên hết' của Jose Mourinho đã sụp đổ

13/03/2015 15:48 GMT+7 | Chelsea

(Thethaovanhoa.vn) - Thật kỳ lạ khi một đội bóng nổi tiếng vững vàng về tâm lý như Chelsea lại bị một đối thủ chơi với 10 người trong 90 phút hạ gục bởi 2 tình huống cố định.

Đội đầu bảng Premier League, cũng là những kẻ lỳ lợm, hiệu quả và tàn nhẫn hơn trong hầu hết các trận đấu của họ mùa giải này, lại bị một Paris Saint-Germain bị cho là thất thường, thiếu bản lĩnh và thiếu người đánh bại. Nhưng cũng có lỗi không kém của các trung vệ Gary Cahill và John Terry hay các cầu thủ tấn công tài hoa đắt giá của Jose Mourinho, và cả chính HLV người Bồ Đào Nha.



Chelsea của Mourinho (áo xanh) đề cao triết lý triệt hạ lối chơi của đối phương

Tư duy thận trọng quen thuộc

Trước PSG, đội bóng của ông đã không đặt lòng tin ở thực lực của mình để thắng trận. Trong những trận cầu đỉnh cao, đã trở thành một thói quen khó bỏ, Mourinho luôn tiếp cận với tư duy thận trọng và ưu tiên đầu tiên của ông là không để thủng lưới. Trong hầu hết các trường hợp, triết lý đó mang lại chiến thắng, hoặc một trận hòa như mong đợi, cho Chelsea. Nhưng không phải trước PSG hồi giữa tuần.

Những dấu hiệu cảnh báo đã xuất hiện từ khá sớm, như thời khắc mà Thiago Silva có pha đánh đầu bị Thibaut Courtois đẩy ra, chứ chưa cần tới một quả đánh đầu khác của trung vệ người Brazil kết liễu trận đấu ở Stamford Bridge. Trong một cuộc đối thoại thú vị giữa Mourinho và thiên tài Diego Maradona khi ông còn ở Real Madrid, HLV người BĐN từng tuyên bố, như thể Rene Descartes: “Tôi ghi bàn, nên tôi chiến thắng”.

Nhưng mùa giải này, triết lý của ông đã không còn đúng: Trận hòa PSG 2-2 vừa qua là lần thứ 10 ở mùa này, Chelsea là đội mở tỉ số nhưng không phải là đội chiến thắng, trong đó có 6 trận lớn. Đáng nói hơn nữa, đây là lần đầu tiên trong mùa giải Chelsea 2 lần để đối phương gỡ hòa.



Chelsea của Mourinho (phải) một lần nữa sụp đổ trong một trận đấu lớn

Điểm lại những trận lớn nhất của Chelsea mùa này, trước các đối thủ cạnh tranh cho chức vô địch ở trong nước như Manchester City, Man United và Arsenal, Mourinho đều vào cuộc với tư duy “an toàn trên hết”. Điều đó chẳng có gì mới nếu bạn theo dõi các đội bóng của Mourinho. Ở Real Madrid, ông từng chỉ đạo cho các cầu thủ: “Bóng càng luẩn quẩn ở giữa sân, thì càng có khả năng chúng ta sẽ bị mất bóng”. Tức là với ông, điều quan trọng không phải là tìm đường vào khung thành, mà là triệt hạ lối chơi của đối phương.

Tư duy đó không liên quan gì tới sự hấp dẫn của bóng đá trên sân. Một lối chơi phòng ngự - phản công ở tốc độ cao vẫn có thể rất ngoạn mục. Thật ra, không ít đội bóng của Mourinho từng khiến tất cả phải ngả mũ thán phục, nếu không phải vì bóng đá đẹp, thì cũng vì sự thông minh chiến thuật và khả năng tận dụng tối đa nguồn lực để đánh bại những đối thủ mạnh hơn: Chelsea trước Barcelona ở Champions League 2004-05 hay Inter Milan vô địch năm 2010.

Hình ảnh Cesc Fabregas

Vấn đề nằm ở chỗ để cách tiếp cận như thế hiệu quả và chiến thắng trong các trận đấu lớn, bạn phải có một hàng thủ không thể xuyên thủng và phản công đủ sắc sảo phía trên. Lúc này thì Chelsea không làm được cả hai điều đó. Như thế, họ phải dựa vào vận may và những tình huống cố định. Khi cả hai điều đó được chuyển cho đối thủ, một thất bại trở nên không thể tránh khỏi.



Fabregas (phải) mờ nhạt trước Verratti

Để so sánh, trái ngược với Mourinho, kình địch của ông là Pep Guardiola (hay ở một mức độ thấp hơn là Arsene Wenger) luôn tìm cách giúp cho đội bóng của mình trở thành đội chủ động nắm giữ thế trận, tin tưởng ở sự sáng tạo nơi các cầu thủ tấn công để dứt điểm đối thủ. Mourinho không bao giờ như thế. Các đội bóng của ông đều có thể chơi tấn công rất đa dạng, nhưng bí quyết để chiến thắng là chờ đợi đối thủ phạm sai lầm.

Thật trớ trêu, một trong những học trò ưng ý nhất của Guardiola và Wenger, Cesc Fabregas, hiện đang là người của Mourinho, và tiền vệ người TBN là biểu trưng cho nghịch lý tại Stamford Bridge. Fabregas đang có phong độ tuyệt vời, nhưng anh hiếm khi nào được đóng vai chính trong những trận đấu lớn của Chelsea. Trong các cuộc đọ sức quan trọng, như trước PSG, vai trò của Cesc bị giảm xuống chỉ là thứ yếu và ở Stamford Bridge vừa qua, không có gì ngạc nhiên khi anh hoàn toàn mờ nhạt ở tuyến giữa so với Marco Verratti.



Mourinho thiếu niềm tin nơi những cầu thủ tấn công

Phong độ của Diego Costa cũng đã sa sút. Anh không ghi được bàn nào trong 7 trận gần nhất và chưa “mở tài khoản” ở Champions League cả mùa này. Một lý do đơn giản, thay vì được tự do săn lùng bàn thắng, Costa cũng phải tuân theo chỉ dẫn của Mourinho: Uu tiên cho việc kiềm chế, phong tỏa và phá lối chơi của đối thủ.

Khả năng lớn là Chelsea sẽ vô địch Premier League mùa này, và Mourinho rõ ràng vẫn là một HLV đẳng cấp bậc nhất ở châu Âu, nhưng cũng rõ ràng là đội bóng của ông lẽ ra phải làm được tốt hơn tại Champions League, nếu “Người đặc biệt” dám đặt lòng tin nơi những cầu thủ tấn công. Tất nhiên, điều đó có thể không bao giờ xảy ra với Mourinho.

Trần Trọng
Theo ESPN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm