Simeone vs. Mourinho: Một đại ca và một bố già

21/04/2014 20:26 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn)- Jose Mourinho giống một “bố già”, thích thao túng các đối thủ để chiến thắng. Diego Simeone giống một “đại ca”, muốn thổi bùng lửa chiến binh trong mỗi cầu thủ đội nhà.

Họ giống nhau về tư duy bóng đá, nhưng rất khác ở cách tiếp cận thành công. Khi Atletico và Chelsea đối đầu nhau ở Bán kết Champions League mùa này, “đại ca” hay “bố già” sẽ chiến thắng?

“Đại ca” Simeone

“Con không quan tâm mình sẽ học ở đâu. Con chỉ cần biết bọn con trai sẽ đá bóng chỗ nào”. Diego Simeone, 5 tuổi, nói với cha xứ Martin Bracht của trường San Jose ngày đầu cậu vào trường học tập. Cậu chạy lăng xăng khắp nơi, rồi tiến tới đức cha hỏi như thế. Cậu đá bóng ở bất cứ nơi đâu có thể, thậm chí còn hướng dẫn chúng bạn cùng chơi.

Năm lên 9 tuổi, trường San Jose của Diego đá giao hữu với trường St. Francis Xavier và cha Bracht nhớ lại: “Nó rất thông minh. Simeone đưa bóng đá thoát khỏi những điều cơ bản lũ trẻ vẫn được học. Trong trận này, nó kéo 2 cậu bạn lùi xuống chơi quanh khung thành, vì nó bảo: Bóng đá cần hậu vệ. Nó chỉ đạo các bạn thi đấu, thậm chí có lúc nó đứng một chỗ chỉ huy. Trận đấu kết thúc với chiến thắng cho đội bạn, và Simeone ngồi trên sân khóc rất lâu”.


Simeone là người kéo các cầu thủ sát lại gần nhau

Tư chất thủ lĩnh của Simeone đã sớm bộc lộ như vậy, từ năm 5 tuổi, với những trận bóng trên sân trường, vẫn được duy trì cho đến năm 9 tuổi, với những giọt nước mắt thất bại ngây thơ, đến khi làm cầu thủ và bây giờ, một HLV. Simeone là đội trưởng Atletico Madrid vô địch La Liga năm 1996, dưới thời “Nhà hiền triết” Luis Aragones, và xem anh chơi bóng tại Inter Milan cũng như tuyển Argentina, chúng ta thấy rõ khí chất giang hồ của một đại ca.

Anh láu cá, thể hiện rõ trong màn ăn vạ nổi tiếng năm 1998 khiến David Beckham bị đuổi. Anh sục sôi khí chất chiến binh, thể hiện trong cú đúp giúp Inter hạ Milan trong trận derby Milano năm 1998. Các đồng đội tại Atletico kể rằng, mùa 1995-96, họ rất bất ngờ khi Simeone nói muốn vô địch ở vòng… áp chót, khác với họ, cứ nghĩ vô địch thôi là tốt rồi. Simeone ghét một chức vô địch nhạt nhẽo: Vô địch mà không chơi bóng. Vô địch mà không chiến đấu. Vô địch mà không cạnh tranh. Atletico Madrid giành cú đúp mùa giải đó, mùa thành công nhất của họ cho đến tận bây giờ, theo cách như vậy. Simeone là một kẻ tàn nhẫn.

Tiền đạo Kiko, một đồng đội cũ của của Simeone kể rằng, anh thậm chí không cho cầu thủ nghỉ ngơi trước khi thi đấu, vì anh bảo “chả hiểu sao lúc đó bọn mày có thể ngủ được”. Một trợ lý của Simeone ở Atletico Madrid bây giờ nhận xét rằng: “Diego-cầu thủ giống Diego-HLV, một người kết nối cả đội, một người khích bác trong các buổi họp kể cả khi có người không ưa. Anh luôn muốn truyền năng lượng cạnh tranh đến toàn đội. Anh là một cầu thủ, một HLV cứng rắn với các đồng đội. Anh yêu cầu đội phải thắng, không bàn cãi. Khi làm HLV, anh thâm trầm hơn và mềm dẻo hơn”.

“Bố già” Mourinho

Đấy là điểm khác nhất của Simeone với Jose Mourinho. Cùng là lên dây cót tinh thần cho đội bóng, nhưng Jose Mourinho không là một người anh kéo các cầu thủ đứng sát nhau, mà muốn là một “bố già”. Ông muốn là người chỉ huy, và tất cả phải răm rắp nghe theo mệnh lệnh.


Còn Mourinho muốn thổi bùng lòng thù hận nơi các cầu thủ

Vừa đến Chelsea năm 2004, Mourinho phát cho mỗi cầu thủ một mảnh giấy ghi rõ ông là ai, ông muốn gì, và ông muốn các cầu thủ cùng hợp tác thế nào để chiến thắng. Ông không tập trung vào đội nhà nhiều như Simeone, mà phóng tầm mắt đến các đối thủ nhiều hơn, chỉ trích, miệt thị, chọc ghẹo khiến họ nổi điên, như mùa này đã tấn công cả Rodgers, Pellegrini lẫn Wenger, ba đối thủ cạnh tranh ngôi vô địch Premier League. Mourinho đã chỉ trích trọng tài Chris Foy thậm tệ, như đã gây hấn với mọi trọng tài để biến họ thành tấm khiên hứng tên bắn từ truyền thông, sau mỗi trận thua.

Simeone tàn nhẫn với các cầu thủ bằng cách bắt họ khổ hạnh. Mourinho tàn nhẫn với quân địch, chỉ nhằm một mục đích thổi bùng lòng thủ hận nơi các cầu thủ của ông, để họ đặt mình vào vị trí nạn nhân của những bất công, phải đứng thẳng lưng lên mà chiến đấu. Mou thành công tại Inter Milan, đội bóng bị người Italy rẻ rúng. Thành công tại Porto, Chelsea, từ thế yếu. Nhưng ông thất bại ở Real Madrid, nơi có nhiều cái tôi bất tuân. 

Giỏi xoay xở như nhau

So với Jose Mourinho, Diego Simeone thích ra chiến trận nhiều hơn. Nửa giờ trước mỗi trận đấu, anh thường gọi 3 cuộc điện thoại cho mỗi đứa. Các cuộc nói chuyện rất ngắn, hiếm khi dài quá 2 phút, nhưng đấy là cách để Simeone bĩnh tĩnh trước cơn bão. “Trong 4 đến 5 phút, tôi là người bình thường”, anh bảo. Thế rồi sau 5 phút ấy, anh lao vào trận đánh hò hét đến khản giọng, khoa chân múa tay, giơ hai tay lên trời liên hồi, ra hiệu CĐV nhà hãy cổ vũ nhiệt tình hơn. Một rocker, một chiến binh, một vị tướng, một gã điên, như biệt danh của ông, El Cholo.

Jose Mourinho, một kẻ thích đặt bẫy từ khâu thăm dò đối thủ, đặt bẫy ở phòng họp báo, phóng ra những mũi dao găm từ miệng lưỡi, không bày tỏ cảm xúc trên sân nhiều như Diego Simeone. Ông trầm ngâm hơn, có lẽ để suy tính điều gì đó.


Cả hai nhà cầm quân đều giỏi xoay sở

Trận thắng Barcelona ở Tứ kết lượt về Champions League cho thấy tư duy bóng đá của Simeone rất giống Jose Mourinho. Atletico mạnh mẽ và nhanh nhẹn, khiến người xem có cảm giác Messi không còn muốn đá nữa. Bốn năm trước, Inter của Jose Mourinho cũng hạ Barca của Pep Guardiola ở Bán kết Champions League với cách gần giống thế. Atletico của Simeone  đá sòng phẳng hơn, cũng bởi Barca thời hậu Pep đã suy yếu ít nhiều.

Nhiều người cho rằng Jose Mourinho chỉ thành công khi được nắm một đội bóng toàn ngôi sao đắt giá, nhưng thật ra không phải vậy. Mùa này, chúng ta đã thấy Mourinho xoay xở giỏi thế nào, điển hình ở hàng tiền đạo. Mourinho không có một máy làm bàn, nhưng ông đã dùng Eto’o, Torres và Demba Ba rất hiệu quả. Demba Ba vừa ghi 2 bàn sau 2 trận, đưa Chelsea vào Bán kết Champions League dù trước đó hầu như không được đá. Giống hệt cách Simeone dùng Adrian. Tiền đạo ấy đá dự bị mùa này, nhưng đã thay thế cực tốt vị trí Diego Costa để lại khi đánh đầu trúng khung gỗ Barca để Koke đá bồi, ghi bàn duy nhất đưa Atletico vào Bán kết.

Với đối thủ là Chelsea, của Jose Mourinho.

Atletico Madrid: Đội bóng áo vải

Atletico Madrid là đội nghèo nhất vòng Bán kết Champions League. Ngân sách hoạt động của họ chỉ là 120 triệu euro/năm, so với 580 triệu euro của kình địch Real Madrid. Cầu thủ đắt nhất của họ là Filipe Luis, giá 12 triệu euro, mua về từ 4 năm trước. Ngôi sao hàng thủ Joao Miranda là bản hợp đồng miễn phí với Sao Paolo. Ngôi sao hàng tiền vệ Gabi đến từ Real Zaragoza vừa xuống hạng. Adrian cũng phải xuống hạng với Deportivo trước khi đến Atletico, còn Diego Costa chết chìm cùng Valladolid, nhưng hãy nhớ rằng anh đã ghi 34 bàn mùa này.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm