27/02/2013 16:44 GMT+7 | Phim
Cảnh khói lửa trong phim “Những người viết huyền thoại" |
Trong lịch sử 60 năm Điện ảnh Việt Nam, trên 500 bộ phim nhựa được sản xuất có liên quan đến khói lửa, quả nổ, đạn bắn nhưng thực tế những tai nạn là rất ít và vụ nổ tại nhà ông Phương “khói lửa” tại TP.HCM vừa qua là tai nạn nghiêm trọng đầu tiên mà tôi biết.
Hiện nay hiện tượng "nhà nhà làm phim, người người làm phim" dẫn đến các quy trình kỹ thuật làm phim bị phá bỏ. Ai cũng có thể làm đạo diễn, cũng có thể làm diễn viên, cũng có thể làm phục trang, cũng có thể làm hóa trang, cũng có thể làm họa sĩ và đặc biệt cũng có thể làm chuyên viên khói lửa. Tai nạn là không tránh khỏi.
Bởi thế, cần phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây ra tai nạn này vì thật ra không phải dễ gây ra cháy nổ đối với việc tạo ra các quả nổ trong điện ảnh, nhất là người gây ra lại là người chuyên nghiệp lâu năm trong ngành. Những tai nạn thường có trong điện ảnh là gây thương tích nhẹ cho các diễn viên mà phần lớn nguyên nhân là các diễn viên không tập trung ghi nhớ các thông báo của chuyên viên khói lửa trước khi diễn xuất như phim Điện Biên Phủ, Người đàn bà mộng du…
Cảnh khói lửa trong phim “Mùi cỏ cháy”
Tính mạng con người bị coi nhẹ trong quá trình làm phim
Đạo diễn Lê Cung Bắc: Trước nay, việc tạo hiệu ứng khỏi lửa, cháy, nổ trong các phim chiến tranh, phim lịch sử đều được thực hiện theo kiểu “tiểu thủ” và người thực hiện phần lớn là bộ đội xuất ngũ, tự học, vừa làm vừa... rút kinh nghiệm, vấn đề an toàn dường như không được đảm bảo.
Mặc dù là những cảnh quay ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của diễn viên nói riêng và cả đoàn phim nói chung nhưng chưa bao giờ vấn đề khói lửa được coi trọng để đầu tư đúng mức. Vì bị coi nhẹ nên đương nhiên các đoàn phim cũng đầu tư sơ sài do kinh phí có hạn. Thế nên, dù đã có 60 năm trưởng thành và phát triển, điện ảnh Việt Nam vẫn chưa có công nghệ về khói lửa.
Một lĩnh vực đòi hỏi sự chuyên nghiệp cao, lại đang tồn tại những vấn đề không hề... chuyên nghiệp. Bởi thế, trong những cảnh diễn có “bom rơi, đạn nổ”... cả đoàn làm phim luôn chịu áp lực nặng nề về sự an toàn. Giải pháp duy nhất là đạo diễn luôn phải nhắc nhở chuyên gia khói lửa phải cẩn thận; tận mắt mục sở thị quá trình làm việc của chuyên gia khói lửa cũng để nhắc nhở... cẩn thận. Chỉ thế thôi, chứ không dám chắc... 100% tai nạn sẽ không xảy ra nếu người làm khói lửa bất cẩn.
Sợ quá rồi
Đạo diễn Phan Hoàng: Trong quá trình làm phim Anh hùng Nguyễn Trung Trực, mặc dù rất cẩn thận nhưng cũng đã có 1 quả nổ không mong muốn xảy ra khiến chuyên viên khói lửa bị thương nhẹ... Từ những trải nghiệm về việc thực hiện các cảnh khói lửa... mang tính thủ công có độ an toàn không cao, như cảnh ngôi nhà bị nổ tung vì pháo bắn, các diễn viên đóng thế núp sẵn trong nhà, lao ra ngoài cửa sổ trước khi tất cả tan thành tro bụi... tôi nổi gai vì... lo lắng.
Nói chính xác là quá sợ... cho sự an toàn của đoàn phim nên sau Anh hùng Nguyễn Trung Trực, tôi quyết định sử dụng hiệu ứng 3D trong các cảnh cần cháy, nổ, khói lửa ở phim Bình Tây Đại Nguyên soái. So với việc mời chuyên viên khói lửa, hiệu ứng 3D đội kinh phí lên gấp đôi... nhưng đoàn phim không bị áp lực đe dọa tính mạng.
Khi vụ nổ tại căn nhà số 384/7 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM xảy ra, người phụ trách lồng tiếng phim Bình Tây Đại Nguyên soái đang ở trong ngôi nhà cách nơi phát nổ... 3 số nhà. Đó là địa điểm lồng tiếng của chúng tôi. Điều này càng khiến tôi... sợ hơn về công tác giám sát, kiểm tra và thực hiện cảnh cháy, nổ trong sản xuất phim hiện nay.
Như cầm sẵn chìa khoá vào... nhà tù!
Đạo diễn Trần Vịnh: Làm phim chiến tranh là cầm sẵn chìa khóa vào... nhà tù nếu cẩu thả, không tuân thủ các nguyên tắc liên quan đến “cháy, nổ”, coi thường tính mạng của ê kíp làm phim và những người xung quanh.
Ý thức điều này, nên cho dù đã làm tới hơn 400 tập phim chiến tranh nhưng tôi chưa hề để xảy ra một sự cố liên quan đến cháy, nổ ngoài ý muốn. Bí quyết tạo ra sự an toàn luôn là: cẩn thận.
Khi làm phim chiến tranh, tôi phải tính toán kỹ số lượng thuốc nổ, kíp nổ cần thiết mà bộ phim cần dùng, sau đó làm công văn xin (hoặc) mua của quân đội.
Người của quân đội sẽ giữ số vũ khí, thuốc nổ, kíp nổ này; đồng thời cũng là người thực hiện (công binh) những cảnh đánh kíp nổ phối hợp cùng với các chuyên viên khói nổ dưới sự kiểm tra, giám sát trực tiếp của đạo diễn. Sau mỗi cảnh quay, người của quân đội sẽ kiểm tra vũ khí, lượng thuốc nổ, kíp nổ chưa dùng hết đưa về kho của quân đội cất giữ...
Phim chiến tranh phải có nổ thật!
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Tôi xuất thân trong một gia đình toàn lính nên có sự hiểu biết khá sâu về tính năng của từng loại vũ khí, chất nổ và các vật liệu phụ gia cho cháy nổ. Tôi cũng được tham gia một khóa học về hiệu ứng đặc biệt ở nước ngoài và thực hành ở nhiều phim chiến tranh lớn nên cũng có chút trải nghiệm. Đối với hai bộ phim chiến tranh, tôi làm việc với ê kíp khói lửa của hãng, những người đã có kinh nghiệm cả chục phim chiến tranh trước đó.
Chúng tôi có kế hoạch ở mỗi cảnh quay trên kịch bản phân cảnh. Tôi thường bàn rất kĩ đối với kĩ thuật viên phụ trách khói lửa. Chúng tôi có phác thảo, sơ đồ chi tiết, giác độ nổ, hướng gió, góc máy, hiệu ứng tạo ra... Nói chung, tôi nắm chắc những gì tôi sẽ làm và điều đó quyết định việc thành hay bại ở mỗi cảnh quay.
Cũng vì thế, tuy đã quay vài ngàn cảnh cháy nổ, súng đạn, thuốc nổ sử dụng rất nhiều nhưng cho đến nay chưa có hậu quả gì. Phim chiến tranh không có súng đạn và thuốc nổ thì không làm được.
Việc thay thế bằng hiệu ứng 3D hoàn toàn chỉ dùng cho hoạt hình hoặc những phim kinh phí khổng lồ như Avatar. Và dù có bao nhiêu tiền thì phim chiến tranh vẫn phải có nổ thật nếu không muốn biến bộ phim truyện thành hoạt hình 3D. Cũng bởi thế, nếu không muốn xảy ra tai nạn thương tâm... điện ảnh rất cần những ê kíp tạo hiệu ứng khỏi lửa biết việc và trách nhiệm.
Nghiêm khắc nhìn lại việc sử dụng chất nổ trên trường quay
Ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: Trước nay, các nhà làm phim điện ảnh và truyền hình Việt Nam vẫn sử dụng thuốc nổ thật để tạo hiệu ứng cháy, nổ trong các phim có bối cảnh chiến tranh. Tuy nhiên, việc quản lý thuốc nổ, kíp nổ... được nhiều đoàn phim (chủ yếu là các phim do các hãng nhà nước sản xuất) quản lý khá nghiêm ngặt. Người ta không bao giờ để thuốc nổ và kíp nổ trên cùng 1 xe; càng không bao giờ mang thuốc nổ vào các khu dân cư.
Việc Giám đốc Hãng phim Lạc Việt để thuốc nổ và kíp nổ trong nhà gây ra vụ nổ khiến 11 người thiệt mạng là việc làm vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc bảo quản vũ khí, thuốc nổ, chất nổ theo quy định của Nhà nước.
Sau vụ việc này, ngành Điện ảnh cần nghiêm khắc nhìn nhận lại việc sử dụng thuốc nổ thật trên trường quay. Việc quản lý vũ khí, thuốc nổ phải được các cơ quan có chức năng như quân đội, công an quản lý chặt chẽ. Cần thiết phải có quy định chỉ cho phép các nhà làm phim sử dụng chất nổ chuyên dùng trong điện ảnh. Loại thuốc nổ này được đặt hàng sản xuất tại các cơ sở riêng và không có tính chất gây sát thương.
* Trong quá trình làm phim, tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu từng xảy ra vụ phát nổ khiến một chuyên viên bị thương và một người tử vong. |
Theo Nguyệt Nhi
Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất