Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn nói về tên tiếng Anh 'Chinatown' của 'Bụi đời Chợ Lớn'

18/04/2013 16:35 GMT+7 | Phim

Gặp rắc rối trong việc kiểm duyệt nội dung, mới đây bộ phim Bụi đời Chợ Lớn của đạo diễn Charlie Nguyễn lại tiếp tục gây xôn xao dư luận khi rò rỉ hình ảnh kịch bản phim lấy tựa tiếng Anh là Chinatown.

Trong một bức ảnh chụp lại kịch bản phim, bên dưới cái tên Bụi đời Chợ Lớn là tựa tiếng Anh mang tên Chinatown. Điều này đã khiến nhiều người lấy làm khó hiểu.

Một số người đã đặt ra câu hỏi tại sao Bụi đời Chợ Lớn lại có tên tiếng Anh như vậy, tại sao Chợ Lớn là một địa danh ở Việt Nam, lại đặt tựa tiếng Anh "có liên quan đến Trung Quốc" (!?). Nhất là trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay.

Ngoài ra, còn có thông tin khi nhà sản xuất gửi kịch bản lên Cục Điện ảnh để giám định thì ngay cả Cục cũng đề nghị không nên lấy tên tiếng Anh của bộ phim là Chinatown vì không có địa danh như vậy ở Việt Nam.


Một cảnh trong Bụi đời Chợ Lớn. Ảnh: Hãng phim cung cấp.

Tuy nhiên, nói về tựa đề Chinatown, Johnny Trí Nguyễn - diễn viên nam chính trong phim, cho rằng thực chất nhiều người đã hiểu lầm ngữ nghĩa của nó.

Johnny Trí Nguyễn giải thích: "Từ Chinatown trong tiếng Anh có nghĩa là khu phố có nhiều người gốc Hoa làm kinh doanh. Trên thế giới gần như thành phố lớn nào cũng có. Những nơi đây cũng là điểm du lịch đa văn hóa cho khách tới tham quan thành phố. Chinatown không có nghĩa là "làng của Trung Quốc - Chinese Town". Còn nếu ghi là "China Town" thì cũng sai ngữ pháp hoàn toàn. Tóm lại, người nước ngoài cũng thường gọi khu Chợ Lớn của thành phố mình là Chinatown".

Nam diễn viên này cho biết: "Có thể khi anh Charlie Nguyễn (tác giả, đạo diễn - PV) bàn về đề cương phim này với anh Vincent Ngô (nhà biên kịch của phim Hancock - PV) thì anh Vincent thường dùng từ "Chinatown" khi nói đến dự án, anh Vincent không sỏi tiếng Việt. Vì lúc đó còn chưa có kịch bản cũng như chưa có tựa đề chính thức. Và có thể vì vậy mà khi kịch bản được viết xong thì một em nào đó trong hãng phim gắn cái mác "Chinatown" là tựa đề tiếng Anh cho Bụi đời Chợ Lớn khi đi in ra kịch bản để gửi trình lên Cục Điện ảnh xin góp ý kiến... Hơn nữa, đã có phim kinh điển Chinatown thắng giải Oscar 1974, khờ sao mà đi lấy lại tựa này?".


Diễn viên Johnny Trí Nguyễn (trái) và đạo diễn Charlie Nguyễn. Ảnh: Hãng phim cung cấp.

Trao đổi với phóng viên sáng 18/4, đạo diễn Charlie Nguyễn cũng khẳng định "Chinatown" không có nghĩa là "làng của Trung Quốc" mà ở Los Angeles, New York (Mỹ) hay Úc, đâu đâu cũng có thể có Chinatown, nơi có nhiều người gốc Hoa sinh sống, kinh doanh.

Anh chia sẻ: "Khi kịch bản gửi cho Cục Điện ảnh duyệt thì bộ phim phải có tựa tiếng Anh và tiếng Việt. Lúc đó, đoàn làm phim cũng chưa thống nhất tên tiếng Anh chính thức cho phim nên mình dùng cái tên Chinatown, vốn là từ mà anh em trong đoàn thường dùng để nói về dự án này. Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi đầu tiên sau khi giám định kịch bản phim Bụi đời Chợ Lớn, Cục Điện ảnh cho rằng không được lấy cái tên Chinatown vì có chữ "China" rất nhạy cảm".

"Thực tế, một bộ phim không quan trọng phải có tên tiếng Anh. Mãi sau này khi phim quay gần xong, một số nhà báo ngoại quốc hỏi thăm, chúng tôi mới thấy cần thiết phải đặt tên tiếng Anh chính thức cho phim để có thể nói chuyện với họ dễ dàng. Lúc đó thì tôi giao công việc này cho anh Vincent Ngô, một biên kịch giàu kinh nghiệm. Anh ấy tìm mãi cuối cùng quyết định chọn cái tên Cho Lon. Hiện các trang web nước ngoài vẫn gọi phim của chúng tôi là Cho Lon chứ không phải là Chinatown", đạo diễn Charlie Nguyễn giải thích.

Diễn viên Johnny Trí Nguyễn cũng dẫn chứng ra rất nhiều trang nước ngoài như trang IMDB, Twitchfilm, Moviebuzzers... nhắc về phim Bụi đời Chợ Lớn với cái tên Cho Lon chứ không phải là Chinatown.

Theo Thiên Hương
Báo Thanh niên

Trong văn bản Giám định kịch bản phim truyện Bụi đời Chợ Lớn do bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh ký ngày 26/10/2012 gửi Hãng phim Chánh Phương) nêu rõ: Không nên lấy tên tiếng Anh của bộ phim là “ChinaTown” vì không có địa danh như vậy ở Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm