Joachim Loew: Thời thế tạo anh hùng?

25/06/2008 13:25 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Trước EURO 2004, phần lớn người Đức không biết Joachim Loew là ai. Khi Juergen Klinsmann trở thành HLV đội tuyển Đức, cái tên này mới được ít nhiều nhắc đến.

Sau World Cup 2006, Loew trở thành “thuyền trưởng” của “Mannschaft” và đến EURO 2008, chiến lược gia 48 tuổi sắp vào vai người hùng của bóng đá Đức. Nhưng liệu Loew thực sự có tài hay chỉ là một kẻ gặp thời?

Gặp thời

Phải khẳng định ngay một điều rằng đóng góp của Joachim Loew cho đội tuyển Đức trong vòng 4 năm qua, từ vai trò trợ lý cho Klinsmann đến cương vị HLV trưởng, là không nhỏ và không phải bàn cãi. Tuy nhiên, việc ông có thực sự xứng đáng với những lời tán dương trước thềm EURO 2008 hay không là điều vẫn còn phải bàn, dù dưới sự chèo lái của ông, “Mannschaft” trở thành đội đầu tiên cán đích ở vòng loại.

Trong vai trò trợ lý cho Klinsmann, Loew đã góp một phần công sức trong cuộc cách mạng mới của bóng đá Đức, trẻ hóa đội cũng cũng như thay đổi tư duy lối chơi. Cuộc cách mạng ấy đã gần đi đến thành công ở World Cup 2006 khi Đức trở thành đệ tam anh hào của bóng đá thế giới. Được thừa hưởng một đội bóng đang chơi tốt mà bản thân lại hiểu quá rõ, việc Loew không vấp phải quá nhiều khó khăn trên cương vị mới ở vòng loại EURO 2008 là chuyện dĩ nhiên. Nhưng suy cho cùng, Đức cũng chỉ cán đích ở vị trí thứ hai tại bảng đấu chỉ có Czech là đối trọng thực sự, còn lại là những cái tên “nhược tiểu” như San Marino hay Cyprus. Nói cách khác, những thử thách trên con đường đưa Đức đến với Áo và Thụy Sĩ chưa thể phơi bày hết phẩm chất của HLV trưởng Loew.

Phải đến những trận giao hữu khởi động trước thềm EURO 2008, người Đức mới lo sốt vó khi nhìn đội tuyển bị Belarus cầm chân 2-2 và chỉ thắng chật vật Serbia 2-1. Lo lắng ấy đã trở thành sự thật khi “Mannschaft” bị Croatia hạ đo ván ở vòng bảng và chỉ thắng nhọc nhằn chủ nhà Áo ở loạt trận cuối mới giành được chiếc vé vào tứ kết. Được cảnh báo từ trước nhưng Loew vẫn không thể giải quyết dứt điểm những vấn đề ở hàng thủ, từ vị trí của thủ môn Jens Lehmann (tại sao lại không có một cuộc cách mạng trẻ hóa trong khung thành sau World Cup 2006?) đến cặp trung vệ (Metzelder liên tục dính chấn thương, sa sút phong độ thậm tệ nhưng vẫn có suất đá chính). Những sự việc khác, như tin dùng tiền vệ chơi kém thông minh Clemens Fritz và tiền đạo vụng vệ Mario Gomez một cách thái quá càng khiến người ta nghi ngờ về năng lực thự sự của Loew.

Phải đến khi Đức gặp Bồ Đào Nha trong trận tứ kết mà Frings không thể tham dự vì chấn thương, ông mới có sự điều chỉnh về nhân sự và chiến thuật, dùng cặp tiền vệ phòng ngự Hitzlsperger – Rolfes, trả lại vai trò hộ công thực sự cho đội trưởng Ballack đồng thời trao cơ hội cho Schweinsteiger. Câu hỏi được đặt ra là liệu những thay đổi đó nằm trong toan tính thực sự của Loew hay chỉ là do hoàn cảnh xô đẩy vì Frings không thể xung trận. Nếu còn Frings, liệu “Mannschaft” có chuyển từ sơ đồ 4-4-2 sang 4-2-3-1 không? Thật khó trả lời nhưng chỉ biết rằng, khi Loew bị cấm chỉ đạo ở tứ kết thì Đức mới chơi một trận “xem được” tại EURO 2008. Đã có không ít lời bình luận hài hước rằng sự vắng mặt của Loew chính là bí quyết giúp Đức vượt qua Bồ Đào Nha. Hài thật, nhưng có khi lại là sự thật!

Ký ức Thổ Nhĩ Kỳ

Trước khi được mời làm trợ lý cho Juergen Klinsmann, tiếng tăm của Loew hết sức hạn chế. Ông đã lang thang qua một loạt đội bóng ở cả trong và ngoài nước Đức. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi Loew đã hai lần dừng chân, dẫn dắt Fenerbahce mùa 1998-1999 và Adanaspor mùa 2000-2001. Bây giờ, Loew có thể thao thao bất tuyệt về những ký ức cũng như kinh nghiệm đã trải qua cùng bóng đá Thổ Nhĩ Kỳ nhưng có một thực tế là quãng thời gian Loew làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ tương đối ngắn: Một mùa ở Fenerbahce và vẻn vẹn 3 tháng tại Adanaspor.

Loew được mời về làm trở lý ở đội tuyển Đức là một quyết định gây ngạc nhiên bởi trước đó, ông vừa bị đội bóng thủ đô Áo Austria Vienna đuổi việc do thành tích kém. Càng bất ngờ hơn khi Loew lại đánh bại một ứng viên nặng ký là Ralf Rangnick – người được mệnh danh “Giáo sư” trong làng HLV Đức và từng nổi tiếng rất lâu trước đó. Nhưng mọi chuyện đã được quyết định và Loew biết tận dụng thời cơ để đi lên từ đó.

Trong thời gian dẫn dắt Fenerbahce, Loew từng 2 lần đối đầu với Fatih Terim trong các trận derby Istanbul. Khi đó, Terim đang là HLV của “người khổng lồ” Galatasaray. Ở trận lượt đi mùa 1998-1998 tại Fenerbahce, đội bóng của Loew bị cầm chân 2-2 trên sân nhà. Trong trận lượt về, Terim là người chiến thắng với tỷ số 2-0. Trong đội hình của Thổ Nhĩ Kỳ tại EURO 2008, có một người quen của Loew. Thủ môn 35 tuổi Rustu Recber chính là học trò cũ của HLV đội tuyển Đức.

Loew có tài hay chỉ gặp thời, một câu hỏi không dễ trả lời. Tuy nhiên, dù có là gì đi nữa thì nếu như đội tuyển Đức đăng quang tại EURO 2008, lịch sử sẽ vẫn ghi tên ông như một người hùng. Người ta vẫn bảo, thời thế tạo anh hùng đấy thôi.
 
Hà Minh Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm