Jeka Saragih: Chiến binh người Indonesia sẵn sàng tạo ra lịch sử cho võ thuật Đông Nam Á

01/02/2023 17:39 GMT+7 | Thể thao 360

Cuối tuần này, những trận chung kết của sự kiện Road to UFC tại châu Á sẽ chính thức diễn ra. Đây được coi là cuộc đấu đổi đời của nhiều võ sĩ bởi chỉ cần chiến thắng, họ sẽ nhận được bản hợp đồng chính thức tới từ UFC, giải MMA lớn nhất thế giới.

Jeka Saragih (13 thắng - 2 thua) cũng không phải ngoại lệ. Võ sĩ đến từ Indonesia hiểu rằng bản thân không được phép gục ngã trước đối thủ Anshul Jubli (6 thắng - 0 thua).

"Tôi phải thượng đài bởi đó là con đường duy nhất", Saragih chia sẻ. "Tôi muốn giúp gia đình đổi đời đồng thời truyền cảm hứng để những đứa trẻ tránh xa cám dỗ và tiến lên phía trước".

Jeka Saragih: Chiến binh người Indonesia sẵn sàng tạo ra lịch sử cho võ thuật Đông Nam Á - Ảnh 1.

Võ sĩ Jeka Saragih

Không chỉ chiến đấu vì bản thân và gia đình, Saragih còn mang trong mình niềm hy vọng của cả dân tộc. Vượt qua Jubli, Saragih sẽ tạo ra lịch sử khi trở thành tay đấm đến từ Indonesia đầu tiên gia nhập UFC. Một cột mốc đáng nhớ cho võ thuật Indonesia cũng như Đông Nam Á.

Lúc này, võ sĩ 28 tuổi đã có mặt tại San Diego và sẽ sớm di chuyển tới Las Vegas để tranh tài. Dự kiến, anh sẽ tham gia buổi cân trọng lượng, thực hiện một vài bài phỏng vấn ngắn trước khi bước vào cuộc đối đầu lớn nhất sự nghiệp.

Vài năm trước, Saragih có lẽ cũng chẳng thể ngờ bản thân có thể tiến xa được như hiện tại. Từ một tay đấm vô danh, anh bước ra thế giới.

"Điều tôi cảm thấy tuyệt nhất khi trở thành võ sĩ MMA là có thể giúp ngôi làng của mình được mọi người biết đến rộng rãi. Hy vọng tôi có thể khiến ngôi làng của mình trở nên nổi tiếng. Chẳng có gì đặc biệt với việc thượng đài ở Las Vegas. Điều quan trọng là tôi có thể giúp những người xung quanh mình hay không mà thôi.

Tôi muốn thế giới biết về nơi mình sinh ra. Ngôi làng đó còn chẳng có đường, không có sóng điện thoại. Tôi mong rằng thực trạng này sẽ không còn trong tương lai".

Jeka Saragih: Chiến binh người Indonesia sẵn sàng tạo ra lịch sử cho võ thuật Đông Nam Á - Ảnh 2.

Saragih sinh ra trong một ngôi làng nhỏ trên ngọn núi cách khoảng 1.300 km so với Bắc Sumatra. Nơi chỉ có vỏn vẹn khoảng 120 hộ gia đình và mọi người sống chủ yếu bằng nghề nông. Như Saragih đã chia sẻ, cuộc sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất cũng thiếu thốn.

Mỗi khi không phải tập luyện MMA, Saragih cố gắng trở về nhà để phụ giúp gia đình cũng như những người hàng xóm. Võ sĩ sinh năm 1994 quen biết gần như tất cả các gia đình trong vùng.

Thực tế, võ thuật đến với Saragih cũng là một cái duyên. Khi xuống thị trấn học cấp 3, tay đấm đang chơi ở hạng nhẹ cùng một số người khác thường xuyên bị trêu chọc. "Đó là lý do vì sao tôi học võ. Tôi muốn bảo vệ bản thân cũng như những học sinh khác rơi vào hoàn cảnh tương tự như tôi".

Ban đầu, Saragih học kung fu rồi tán thủ và lên ngôi ở một số giải trẻ. Sau đó, Saragih đến với MMA. May mắn vào thời điểm đó, xứ vạn đảo xuất hiện không ít giải võ tự do. Nhờ đó, võ sĩ người Indonesia có cơ hội thể hiện bản thân.

Bỏ túi thành tích 11 thắng - 2 thua, Saragih được chọn tham dự Road to UFC. Cơ hội mở ra trước mắt, võ sĩ 28 tuổi quyết tâm không bỏ lỡ.

Ở vòng đầu tiên, Saragih đánh bại võ sĩ người Ấn Độ Pawan Maan Singh (7-3-1) bằng một cú đấm xoay đẹp mắt ở hiệp 3. Tới tháng 10, Saragih vợt qua Ki Won-bin (17-8) chỉ sau chưa đầy 3 phút. Thành tích này giúp Saragih bước vào trận chung kết để so tài với một đối thủ người Ấn Độ khác là Jubli.

Jeka Saragih: Chiến binh người Indonesia sẵn sàng tạo ra lịch sử cho võ thuật Đông Nam Á - Ảnh 3.

Đòn tay giúp Saragih đánh bại Maan Singh

Đất nước đông dân thứ 2 thế giới cũng chưa có võ sĩ "cây nhà lá vườn" nào gia nhập UFC. Vì thế, Jubli có quyết tâm giành chiến thắng lớn không kém Saragih. Tuy nhiên, võ sĩ người Idonesia cho biết đã chuẩn bị sẵn cho mọi kịch bản.

"Bước lên sàn đấu, tôi không chỉ đặt mục tiêu giành chiến thắng mà còn muốn thắng thuyết phục", Saragih nói thêm.

Saragih tự tin sẽ đánh bại Jubli vào cuối tuần này. Sau đó, anh sẽ trở lại quê nhà để ăn mừng cùng những người thân.

"Mỗi khi trở về, tôi không coi mình là một VĐV. Tôi lúc đó chỉ như một người bình thường muốn giúp đỡ mọi người. Tôi mong muốn những đứa trẻ xung quanh có thể nhìn vào tấm gương của tôi để tránh xa thói hư tật xấu".

Nguồn: SCMP

AB

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm