Jazz vàng (Bài 1) : Jazz có vàng ở Việt Nam?

16/08/2010 07:47 GMT+7 | Âm nhạc

 Jazz vàng

Bị cho là có nguồn gốc “ngoại tộc”, một thứ “con lai” khó có đất sống ở Việt Nam, nhưng jazz vẫn bền bỉ đến không ngờ...

Jazz vàng như một cách chơi chữ kết hợp giữa màu da người của Á châu và thể loại nhạc họ chơi: Jazz, như một thứ hòa quyện tuyệt đẹp. Jazz vàng, có lúc Jazz của người châu Á khiến thế giới ngả mũ kính phục. Tiếng hát của Tuyết Loan làm ngả lòng những người đồng điệu ở Singapore và họ đã mời bà sang thu đĩa kỉ niệm cũng là một kiểu huy chương Jazz vàng cho người Việt. Trần Mạnh Tuấn, Quyền Văn Minh, Quyền Thiện Đắc cũng vậy. Nhưng Jazz vàng Việt có thật sự vàng hay chỉ là những tia lóe hi vọng rồi bị mờ tắt, chập chờn như biển đêm? Nhìn từ Việt Nam, nhìn sang những nước châu Á xung quanh, Jazz của họ vẫn đang phát triển và rộng mở và thậm chí có những màu da vàng người Việt thành công rất lớn trên thế giới. Jazz vàng, là một câu hỏi cũng có thể là một tự vấn về Jazz Việt như những gì đang diễn ra.

Tổ chức chuyên đề: NGUYỄN VIỆT CƯỜNG



(TT&VH Cuối tuần) - 20h30, trời mưa lất phất, một cặp vợ chồng đã ngoài lục tuần chở nhau trên chiếc Future cũ kĩ đi hát tại quán Ân Nam (TP.HCM). Người vợ vào hát 4 bài vốn nổi tiếng gần nửa thế kỷ trước. Sau những tiếng vỗ tay, họ lại lên đường thẳng tiến quận 1 để đến Sax’n art nơi Trần Mạnh Tuấn khi chờ họ, đang thổi Hạ Trắng. Người phụ nữ lại hát tiếp 4 bài đặc jazz, đáp lại là tiếng vỗ tay của những người ngoại quốc. Gần nửa đêm, một cuộc hành trình âm nhạc của đam mê kết thúc. Hai vợ chồng đi vào màn đêm về nhà, để lại một thoáng vấn vương như hơi kèn Miles Davis.

Đam mê

Người phụ nữ đó là Tuyết Loan, năm nay đã bước qua tuổi 62, người vốn được mệnh danh Nữ hoàng Jazz Việt, là Dinah Washington Việt Nam. Hơn 20 năm nay bà cùng chồng mình, Trần Đại Lễ, vẫn đều đặn làm công việc đón đưa nhau để nuôi một tình yêu jazz chưa bao giờ dứt.

“Trước tôi không có ai, sau tôi cũng chẳng ai theo vậy làm ơn đừng gọi tôi là number one, chẳng có ai là giỏi nhất nếu không có những cạnh tranh”, hút một hơi thuốc, “Jazz vocal” Tuyết Loan nhẹ nhàng tâm sự. Sẽ rất mâu thuẫn nếu đem nhận xét ấy nhìn ở mặt bằng xung quanh khi những Singapore, Thái Lan, Philippines thậm chí cả Myanmar, những quốc gia Đông Nam Á đều đang có những bước phát triển jazz rất tốt và họ thậm chí mỗi năm còn mở một liên hoan jazz toàn quốc. Đó còn chưa kể đến Nhật, Thượng Hải…, những tên tuổi jazz đang được thật sự ngưỡng mộ khắp châu Á và thế giới. Mỗi quốc gia phát triển đều có những giọng ca (vocal) tiêu biểu, có lực lượng kế thừa, có công chúng riêng, sống được với nghề và những đĩa nhạc của họ được xuất khẩu thành công ra ngoài biên giới. Nhưng ở Việt Nam điều này lại hoàn toàn chưa xảy ra. Jazz Việt nói một cách công tâm, là đã hình thành không phải sớm sủa, có những cái tên đã định hình rõ ràng trong làng, có công chúng, có sản phẩm là những băng đĩa phát hành. Nhưng công chúng không nhiều và băng đĩa tiêu thụ chẳng mấy khả quan.


Nghệ sĩ jazz Tuyết Loan
Thật ra trước Tuyết Loan cũng đã từng có những Kim Bằng, Ngọc Mỹ, những người đã bỏ cuộc vui quá sớm, “giang hồ” biệt tăm. Sau Tuyết Loan dường như chẳng còn ai. “Theo nghề này chỉ có đam mê thì mới tới cùng được”, nghệ sĩ Tuyết Loan tâm sự. Hiện nay, tính trung bình, mỗi tháng Tuyết Loan thu nhập từ 5-7 triệu đồng, một tuần hát 4 buổi, mỗi buổi 2 nơi, vị chi trung bình mỗi đêm bà được nhận thù lao chỉ hơn 400.000 đồng, thua gần 20 lần so với một ca sĩ bậc trung chứ chưa nói đến những tên tuổi lớn dòng pop xứ Việt. Nếu hoàn cảnh gia đình gần đây không khá lên, liệu bà sẽ vẫn nuôi tiếp nghề này? “Tôi sẽ vẫn hát đến tàn hơi nhưng nếu tôi giải nghệ ai sẽ thay thế và tương lai nữa sẽ còn ai?”, Tuyết Loan trả lời. Nếu bỏ qua những yếu tố gia đình, điều kiện vật chất thì mức sống 5-7 triệu liệu có nuôi nổi một “jazz vocal”? Tuyết Loan vẫn luôn nhớ những tháng ngày vất vả dù bây giờ bà đã để mọi thứ sau lưng, những ngày chạy cơm từng bữa, tiền hát hôm nay dành cho việc đi chợ ngày mai… Ở tuổi 62, bà vẫn trau chuốt với nghề, vẫn lắng nghe những giọng ca mới, con đường bà đi chưa bao giờ bà bỏ cuộc “vì can đảm mà hát, can đảm mà sống”.

Trong khi đó, saxophonist Trần Mạnh Tuấn cho rằng phong trào jazz im ắng bởi không có thị trường, jazz vocal hay những nhạc công, nghệ sĩ không có nhiều nơi để kiếm sống và tồn tại. TP.HCM chỉ có mỗi Sax’n art của Trần Mạnh Tuấn và một một hội quán ở khách sạn Sheraton. Hà Nội có mỗi Jazz club của Quyền Văn Minh. Cả hai, người trước kẻ sau, ra đời hơn chục năm nhưng vẫn gồng mình mà sống và khách đa phần vẫn là dân du lịch. “Muốn chơi jazz tôi chỉ còn cách lập ra quán này, để chơi cùng đam mê và bạn bè, không có nó chắc tôi cũng chết”, Trần Mạnh Tuấn tâm sự.

Thiếu đầu ra, đầu vào hay đủ thứ?

Trần Mạnh Tuấn cho rằng thiếu đủ cả, đầu ra gian nan, đầu vào thì khó khăn, thiếu sân chơi chính thống, thiếu khán giả, thiếu những đại hội jazz (điều rất cần thiết để cọ xát và phát triển), thiếu phòng thu tốt và thiếu sự quan tâm của thông tin đại chúng. “Mở tivi lên bạn sẽ thấy có không ít hơn 20 chương trình nhạc hàng ngày. Nhưng với jazz, một năm được lên tivi 1, 2 lần đã là sự may mắn lớn. Tôi sẵn sàng tham dự các cuộc hội thảo, sẵn sàng lên radio để trò chuyện cùng các bạn trẻ về jazz, về vẻ đẹp và giá trị của nó nhưng hầu như chẳng ai quan tâm và tôi nhận được rất ít những lời mời như vậy”, saxophonist này trầm ngâm.

Trường hợp của hai cha con Quyền Văn Minh và Quyền Thiện Đắc cũng chẳng khá hơn. Cách đây vài năm khi mở cuộc du tiến Sài Gòn, đêm nhạc của họ dù rất hay vẫn không nhiều người đến xem. Người ta có thể bàn luận về jazz ở nhiều nơi, có thể bỏ cả tháng lương chỉ mua một vài đĩa jazz đang gây sốt, có thể chỉ ra hàng tá lỗi mà jazz Việt đang vấp phải… Nhưng trong những đêm đầy ắp tinh thần jazz như vậy, thường thì họ lại không có mặt. Điều này thể hiện sự không gắn bó hay vì jazz không thích hợp ở chốn công cộng?


Nghệ sĩ Quyền Văn Minh - Chẳng ai muốn jazz vắng khán giả
Hai cha con nhà họ Quyền chơi một thứ mang tính standard như cách người Mỹ vẫn thể hiện từ thuở sơ khai jazz thập niên 20, 30 thế kỉ trước và xoay theo tâm tưởng phương Đông. Nó khác với đa phần jazzist ở Sài thành đang chuộng fusion với những lối biến tấu mang nhiều hơi thở đương đại. Và cách chơi ấy cũng là một sự đối sánh cần tham khảo thêm bởi hiện nay mặt bằng jazz Việt đang tồn tại nhiều trường phái và những phân khúc khác biệt đang làm jazz Việt vốn mỏng manh lại càng thêm yếu ớt. Đất Sài Gòn với jazz vốn đã có mặt từ lâu, bao nhiêu năm nay không phát triển được cũng là một phần vì thế. Nó trở thành ước mơ của những người mê jazz đến cuồng tín, họ từng hi vọng jazz sẽ phát triển, nhưng bao thập niên trôi qua, jazz chỉ len lỏi trong các ngõ hẻm, còn mặt tiền nơi công cộng, không thể nào cạnh tranh cùng những đại gia dòng nhạc khác.

Jazz luôn cần một sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau. Không khó để nhận thấy có những lời che bôi nhau trên mặt báo, dù rất nhẹ nhàng. Họ gọi thứ người kia chơi là cafe bắp, người kia bảo người này mang tính lai căng… Đã vắng công chúng, càng chê bai nhau, jazz Việt lại càng xa rời thêm công chúng.

“Không có công chúng anh đừng mơ phát triển và dòng nhạc jazz hiện nay ở Việt Nam không thể gọi là jazz Việt bởi nó thiểu hẳn tinh thần Việt”, Jazz club ở phố Lương Văn Can của Quyền Văn Minh vẫn đặt tiêu chí “hòa vốn là thắng”.

Có thể đất Sài thành mưa nắng thất thường, ít nhiều khiến người ta ngại ra đường. Vin vào ấy để còn tin rằng jazz sẽ còn đất sống ở đây cho hiện nay jazz vẫn hết sức lẻ loi và cô độc.

Để có được jazz vàng, cần thiết phải có một thế hệ vàng, điều ấy bao giờ mới lấp lánh?

Bài 2: Sự "khác thường" của Jazz Việt

Cung Tuy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm