Nhạc sĩ Dương Thụ: Sự xuất hiện của Phạm Duy là một tất nhiên

09/02/2013 12:29 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Là một người yêu âm nhạc Phạm Duy từ những ngày còn nhỏ, nhạc sĩ Dương Thụ có cái nhìn riêng với thế giới âm nhạc Phạm Duy.

* Xin phép được hỏi ông biết đến âm nhạc của Phạm Duy từ khi nào và thế hệ của ông lúc ấy nghĩ gì về âm nhạc của người nhạc sĩ tài hoa này?

- Từ thuở bé, những năm 50 thế kỷ trước, khi còn học tiểu học, tôi rất mê những bài hát của ông thời kỳ ấy. Sống ở thành phố, và vì còn quá nhỏ tuổi không có điều kiện để nghe dân ca, tôi chỉ biết nhạc Việt Nam qua Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Đặng Thế Phong và một vài nhạc sĩ tiền chiến khác, trong số đó nhạc Phạm Duy đã đưa tôi về với dân ca chứ không phải ngược lại. Không rõ bạn bè cùng thế hệ như thế nào, còn tôi coi nhạc của ông là dân ca Việt Nam hiện đại, và đến ông, bài hát Việt (tân nhạc) mới thực sự định hình.

* Suy nghĩ của ông ở thời còn trẻ ấy về nhạc Phạm Duy cũng như bây giờ, khi đã trải qua thời gian, trải nghiệm có khác gì không?

- Nhận xét trên chính là ý kiến của tôi bây giờ đấy. Khi mình còn trẻ chỉ hiểu lờ mờ thế thôi, đâu có thể rõ ràng chắc chắn như khi mình đã trải nghiệm.

* Có ý kiến cho rằng sự xuất hiện của Phạm Duy là một sự xuất hiện đúng lúc của tân nhạc Việt, ông có nghĩ thế không?

- Lịch sử tân nhạc chứng tỏ rằng sự xuất hiện của Phạm Duy là một tất nhiên. Không Phạm Duy này thì cũng Phạm Duy khác thôi.

* Văn Cao (1995), Trịnh Công Sơn (2001) và nay là Phạm Duy (2013) - 3 người nhạc sĩ lừng danh với hàng loạt tác phẩm vượt thời gian được ví von là 3 cây đại thụ của nền tân nhạc đều đã vĩnh biệt nơi cõi tạm. Ở mỗi thời điểm ra đi, họ để lại nhiều tiếc nuối vô bờ trong lòng công chúng. Theo ông sự ra đi này nói chung và gần nhất là với trường hợp của Phạm Duy, ảnh hưởng thế nào đến nhạc Việt, với giới làm nghề và cả công chúng mộ điệu?

- Văn Cao và Phạm Duy khác Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn là một người “hát thơ”, một nghệ sĩ tuyệt vời, ông là con người của đại chúng, được người dân thành thị hâm mộ nhất. Còn Văn Cao và Phạm Duy là con người của âm nhạc, người sáng tạo âm nhạc và cùng với một số bậc tiền bối khác đặt nền móng cho âm nhạc Việt Nam buổi đầu. Những người ấy ra đi nhưng âm nhạc của họ còn sống mãi. Nghệ thuật không chỉ có giá trị xã hội mà cái giá trị chính yếu của nó là giá trị văn hóa. Với văn hóa âm nhạc của ta, và cũng không chỉ với âm nhạc, các ông ấy là những người mở đường. Giá trị của họ cao hơn sự nổi tiếng rất nhiều. Chúng tôi và những người trẻ hơn đang kế thừa những giá trị đó.

* Tôi nghĩ con người Phạm Duy và những sáng tác của ông có một phần nào đó ảnh hưởng đến các nhạc sĩ thế hệ sau, cả những nhạc sĩ trẻ sau này. Cá nhân ông có cảm thấy mình “bị ảnh hưởng” bởi âm nhạc và ca từ Phạm Duy không?

- Tôi không có tư cách để trả lời thay cho các nhạc sĩ thế hệ sau và các nhạc sĩ trẻ. Bạn nên hỏi họ. Với riêng tôi, khi còn nhỏ tôi coi ông là một thần tượng. Chịu ảnh hưởng của ông nhiều đến mức tôi phải tìm cách “chống lại” để mình khỏi trở thành “Phạm Duy phẩy”. Tôi cảm thấy mình đồng điệu với những gì ông viết, giống như khi đọc văn Thạch Lam hay thơ Nguyễn Bính vậy. Khi chưa có ngôn ngữ riêng thì giống là điều đương nhiên. Từ năm 1963, khi gặp anh Nguyễn Xinh (cố Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam), tôi hiểu ra điều này và đã tìm con đường cho mình. Bây giờ tôi là Dương Thụ như các bạn biết.

* Ắt hẳn ông đã có nhiều dịp tiếp xúc với Phạm Duy, vậy điều gì về con người này làm ông ấn tượng nhất, cũng như trong âm nhạc của Phạm Duy ông thích thú nhất về điều gì?

- Tôi tiếp xúc không nhiều đâu. Ông quá nổi tiếng nên tôi giữ khoảng cách. Lần đầu là vào năm 1953, 1954 gì đó (tôi không nhớ rõ) khi ông đưa Đoàn hợp ca Thăng Long ra Bắc, tôi đã tìm cách chui vào sau cánh gà Nhà hát Lớn để được nhìn thấy thần tượng của mình. Lúc ấy, tôi nhớ ông mặc chiếc áo sơ-mi cộc tay may bằng vải lanh xanh, đeo kính râm, người to lớn, oai lắm.

Lần gặp trực tiếp đầu tiên là khi ông từ Mỹ trở về sau nhiều năm xa cách (những năm trước khi còn định cư ở Mỹ, thỉnh thoảng ông có gọi điện thoại về cho tôi). Ông nhắn tôi xuống gặp ông tại khách sạn Meritus trên đầu dốc Thanh Niên, Hồ Tây. Con người ấy có tướng mạo đẹp và một vẻ tự tin hiếm có. Ông hỏi tôi nhiều chuyện vì ông muốn hồi hương. Ông không hiểu nhiều về tôi và chắc ông cũng không coi tôi là bạn trẻ như nhiều người khác, ông chỉ biết tôi qua dư luận bạn bè, nhưng có lẽ ông tin. Rồi còn một vài lần khác nữa trong lần ông ra mắt tại khách sạn..., và lần sinh nhật ông tại nhà ngài Tổng lãnh sự Hoa Kỳ. Năm 2009, 2010, tôi có mời ông tham dự buổi Gặp gỡ cuối năm tại Cà phê Thứ Bảy. Và lần nào cũng “Thụ, mở cho mình cái CD này, có mấy sáng tác mới đấy, cho mọi người nghe”. Đúng là điều kỳ diệu của một người đang bước sang tuổi 90. Ông vẫn luôn cho ta cảm giác về sự khỏe mạnh, sức sống và sức sáng tạo mặc dù tôi biết ông đã già rồi, việc viết lách không còn được như xưa nữa.

Còn về âm nhạc, điều tôi thích thú nhất là những bài hát của ông thời kỳ đầu (1943-1951) hoàn toàn đạt tới mức tinh túy của dân ca.

* Trong tất cả các mảng tình ca quê hương, đất nước; tình ca đôi lứa, những sáng tác mang âm hưởng dân ca, tâm ca, đạo ca, tục ca, bé ca… (tạm phân ra một cách bình dân như thế) ông thích nhất phần nào và vì sao?

- Tôi không phân loại nhạc Phạm Duy theo đề tài như bạn, mà là theo thời kỳ. Những gì đã cho ta cái tên Phạm Duy chính là những bài hát viết trong vòng 8 năm đầu của sự nghiệp mà tôi nói ở trên. Về sau này có thể chọn thêm một số bài nữa, nhưng để có Phạm Duy thì đã đủ rồi.

Có lẽ ông coi mình là “Thượng đế sáng tạo” nên ông viết tất cả những gì mà con người có thể. Cái này thuộc về tính cách của ông hơn là thuộc về nghệ thuật. Và chính tính cách này đã gây chia rẽ trong cách đánh giá về ông. Thực ra tôi không nghĩ ông phức tạp như thế, chẳng qua chỉ là cái máu “avant garde” (tiên phong) bản năng thôi thúc ông làm những chuyện lúc ấy là rất nghiêm trọng nhưng bây giờ thì cũng bình thường. Nghệ thuật “hậu hiện đại” và lối sống của các bạn trẻ hiện tại còn “khủng khiếp” hơn thế nhiều.

* Với ngũ cung Việt Nam, có thể nói rằng Phạm Duy là người vận dụng một cách tài tình vào tân nhạc nhất không, thưa ông?

- Phạm Duy không vận dụng, mà đó là điệu tâm hồn của ông. Những ai Việt Nam thực sự thì nhạc của họ cũng đều cho ta cái cảm giác ấy.

Khánh Nguyễn (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm