Totti: Người con vĩ đại của thành Rome

06/05/2016 19:15 GMT+7 | Bóng đá Italy

(Thethaovanhoa.vn) - Anh đã chơi cho Roma 20 năm, ghi 300 bàn, và giành World Cup, nhưng Francesco Totti vẫn không nhận được sự yêu mến mà anh xứng đáng.

“Totti là đồ đàn bà, tôi chẳng thấy có gì phải xoắn lên về anh ta”. Đó chắc chắn không phải là điều tồi tệ nhất mà cựu HLV người Anh Ron Atkinson từng nói, nhưng có lẽ phải là điều thiếu suy nghĩ nhất. Ông nhận xét như thế ở World Cup 2002, cũng là giải cuối cùng mà ông làm BLV cho ITV.

Nhưng cựu HLV của Man United và Aston Villa không phải là người Anh duy nhất không thấy hứng thú với Totti. Hơn một thập kỷ sau và Terry Venables, Glenn Hoddle lẫn Graeme Souness đều công khai thể hiện sự coi thường Totti ra mặt. “Anh ta chưa bao giờ là một cầu thủ thật sự nỗ lực”, Souness nói. “Phải, anh ta có tài, nhưng quý vị biết tôi nghĩ gì về anh ta rồi đấy”. Hoddle: “Anh ta không hề ở đẳng cấp cao nhất”. “Glenn có lý”, Venables kết luận. “Anh ta chỉ là một thứ đồ trang sức xa xỉ”.

Nói chung, trong mắt người Anh, những cầu thủ như Totti rất khó được coi là vĩ đại, không đủ sự cứng rắn và không chạy đủ nhiều như họ, chưa kể số lượng danh hiệu khiêm tốn của anh (một Serie A, 2 Cúp Quốc gia Italy và 1 World Cup). Người ta biết tới huyền thoại 39 tuổi này bởi sự nghiệp kéo dài của anh và suốt 26 năm chỉ chơi cho một đội bóng là Roma (từ khi anh 13 tuổi năm 1989), nhưng cũng bởi thế, không bao giờ qua nổi vòng 8 đội Champions League hay xếp cao hơn hạng 5 trong cuộc bình chọn Quả bóng vàng.


Totti là một tượng đài không thể tranh cãi

Tuy nhiên, ở châu Âu lục địa, Totti là một tượng đài không thể tranh cãi. Khi Roma gặp Barcelona ở một trận giao hữu đầu mùa này, Lionel Messi đã hỏi xin cả 2 chiếc áo của Totti và chụp ảnh cùng anh, rồi đăng nó trên Instagram với chú thích: “Một người vĩ đại! Một hiện tượng!” Bức ảnh nhận được 1,8 triệu lượt thích.

Thống kê thuần túy ủng hộ châu Âu lục địa trong cuộc tranh luận này. Chỉ Silvio Piola, ở một thời đại xa xăm lắm rồi, ghi được nhiều bàn ở Serie A hơn so với Totti. Totti còn 5 lần giành danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Italy, Chiếc giày vàng châu Âu 2007 và tất nhiên, World Cup 2006.

Totti sẽ gần 40 tuổi vào cuối mùa này. Khi Il Re di Roma (Vị vua của thành Rome) bước vào những ngày cuối sự nghiệp, thật đáng để nhìn lại những gì anh đã trải qua.

“Tôi chỉ chạm bóng vài lần, tôi quá phấn khích”

“Đưa cậu nhóc đó vào đi”, Vujadin Boskov quay từ Sinisa Mihajlovic, tiền vệ của ông đang tư vấn cho ông về những quyết định thay người, sang một cậu nhóc 16 tuổi đang ngồi mở mắt trừng trừng trên ghế dự bị của Rome cách đó vài chỗ. Giallorossi đang dẫn 2-0 khi còn 5 phút nữa là hết giờ ở trận gặp Brescia, một mùa giải thất vọng sắp kết thúc vào tháng 3/1993.

“Khởi động đi để vào sân luôn”, Boskov nói với cậu nhóc, ngồi cạnh tiền đạo 22 tuổi nhiều hứa hẹn Roberto Muzzi. Nhưng Totti chẳng làm gì. “Này”, Muzzi nhắc. “Ông ấy nói cậu đấy. Vào sân đi”. Sau này, Totti nhớ lại: “Tôi bước lên, khởi động 10 giây và vào sân. Tôi chỉ chạm bóng vài lần, tôi quá phấn khích và hạnh phúc”.

Anh vừa biến giấc mơ thời thơ ấu của mình thành hiện thực, điều anh sẽ còn làm hơn 750 lần nữa cho Roma. Hãy tưởng tượng khoảnh khắc đó một thập kỷ trước, Totti đang hoàn thiện kỹ năng đi bóng của anh ở Via Vetulonia, một đường phố chật hẹp nằm ở phía nam những giáo đường, đấu trường, và nhà hát rải rác ở trung tâm thành Rome, một khu lao động pha trộn những bức tường Latin màu đỏ với những khối nhà màu vàng của thời hậu chiến, nơi mà mọi người trong khu phố đều biết nhau.

Có bố là nhân viên ngân hàng, ông Lorenzo, và mẹ làm nội trợ, bà Fiorella, Totti luôn nổi bật. 9 tháng anh đã biết đi. 4 tuổi đã bộc lộ tài năng bóng đá. Một lần, gia đình đi nghỉ ở thị trấn ven biển Torvaianica, cách Rome nửa giờ lái xe, cậu bé Totti 4 tuổi đi ra bãi biển cùng bố. Enzo hỏi một nhóm các chú nhóc 8 tuổi đang đá bóng xem con ông tham gia được không. “Nó nhỏ quá chú”, mấy đứa trẻ đều nói. “Nó sẽ bị đau đấy”. Nhưng ông bố vẫn muốn và cậu bé nhỏ xíu mặc chiếc quần soóc đỏ và chiếc áo số 4 đã nhảy múa trên sân bóng trong sự ngạc nhiên của những đối thủ và đồng đội gấp đôi tuổi cậu.

Không ai định hình cuộc đời Totti nhiều như mẹ anh Fiorella, người sống với châm ngôn: “Bên trong bạn phải là người chân thành và trong sạch”. Thường được so sánh với những nhân vật trong tầng lớp lao động do nữ diễn viên người Italy Anna Magnani thủ vai, bà đã nuôi dạy Francesco và anh trai cậu Riccardo với đạo đức Công giáo lâu đời. Có lúc bà còn nhận nuôi cả đồng đội tương lai của Francesco ở Roma và ĐT Italy Antonio Cassano, trong một nỗ lực kềm hãm bớt tính tình ngổ ngáo và bất trị của Cassano.


Totti là một người Roma từ trong máu

“Lúc còn nhỏ tôi là một đứa trẻ khá tắt mắt”, Totti nhớ lại. “Tôi hay ăn trộm bóng ở trường, và chất đống ở nhà. Nhưng rồi tôi dần học được cách cư xử sao cho đúng, nhờ có mẹ”. Bà Fiorella đã đảm bảo mọi việc diễn ra như dự kiến. Bà đưa cậu con đến những sân tập bóng đá mỗi ngày, đầu tiên là Fortitudo, rồi Smit Trastevere và cuối cùng là Lodigiani, trong những năm Totti từ 10-13 tuổi. Ngày Chủ nhật dứt khoát phải đi lễ nhà thờ, chăm sóc ông bà đã già yếu, và ăn tối với gia đình.

“Gia đình cậu ấy là yếu tố có vai trò quyết định”, HLV của Totti ở Lodigiani, Emidio Neroni, nói. “Enzo và Fiorella truyền cho các con sự khiêm tốn và nghiêm túc rất nền tảng. Năm 10 tuổi, Francesco nhỏ xíu nhưng rất nhanh, đầy tài năng. Thách thức không phải là rèn giũa tài năng đó, mà làm sao để cậu ấy có thái độ đúng”.

Rất nhanh chóng, nhiều tin đồn lan đi về cầu thủ được coi là triển vọng lớn nhất ở Rome trong nhiều thế hệ. Milan, Juventus và Lazio đều quan tâm tới anh. Nhưng nhà Totti, những Giallorossi đã nhiều thập kỷ, không chấp nhận điều đó. Fiorella đã tới tận phòng điều hành của Lodigiani.

“Lodigiani”, Gildo Giannini, lúc đó là giám đốc hệ thống đào tạo trẻ của Roma, nhớ lại. “Đã hứa để Totti tới Lazio, nhưng mẹ cậu ấy Fiorella tới gặp tôi nói Roma phải đưa cậu ấy về. Chẳng phải thuyết phục nhiều, chúng tôi đều biết cậu ấy, và tôi đã khiến Lodigiani bán cậu ấy cho chúng tôi”.

Trong vòng một tháng, Totti đã chơi (trái luật) vượt 2 cấp tuổi cho đội U15. Anh là một người Roma từ trong máu: là một cậu bé nhặt bóng trong trận lượt về Cúp C3 năm 1991 gặp Inter. Vẫn ăn bánh mì, Nutella, pizza margherita và khoai tây chiên, năm 15 tuổi Totti đã giúp đội U17 Roma giành Scudetto cho lứa tuổi của họ.

“Tôi chỉ có cậu ấy được 1 tháng thì cậu ấy được đẩy lên đội U20”, HLV Ezio Sella nói. “Cậu ấy nhanh chóng thu hút rất nhiều sự chú ý. Bạn không bao giờ thấy một cầu thủ trẻ như thế làm được những điều đặc biệt như thế. Từ buổi tập đầu tiên, tôi biết cậu ấy sẽ trở thành một huyền thoại”.

Sella nhớ lại chức vô địch U17 trước Milan vào năm 1991 như nó mới diễn ra ngày hôm qua: “Cậu ấy vượt qua mọi pha vào bóng xấu, tôi để cậu ấy đá cả tiền vệ trung tâm và tiền đạo, cậu ấy kiến tạo cả 2 bàn trong chiến thắng 2-0. Cậu ấy là cầu thủ giỏi nhất mà tôi từng huấn luyện, cậu ấy không cần hướng dẫn kỹ thuật. Với cậu ấy chỉ là sự lãng phí thời gian”.

Ngày Olimpico lại gọi tên Totti

Ngày Olimpico lại gọi tên Totti

Còn ai quan tâm đến cuộc đua vô địch Serie A nữa khi mà chuyện Juventus đăng quang chỉ còn là thời gian. Màn so tài giữa Roma và Napoli cuối tuần này đáng chú ý hơn nhiều. Và Olimpico sẽ lại gọi tên hoàng tử của họ: Francesco Totti.


HLV U20 của Totti, Luciano Spinosi, không bao giờ quên lần đầu ông thấy cậu chơi cho giai đoạn chuẩn bị trước mùa: “Sau 10 phút, tôi đã gọi cho giám đốc thể thao Roma Giorgio Perinetti, nói với ông ấy không bao giờ được để cậu bé này rời CLB. Tôi đã thấy rất nhiều cầu thủ trẻ trong bóng đá, nhưng cậu ấy thật đặc biệt, là người lôi kéo được cả đội bóng. Tôi chưa bao giờ thấy một cầu thủ 16 tuổi nào như thế. Cậu ấy khiến công việc của tôi dễ dàng hơn”.

Trong một trận U20 vào tháng 3/1993 gặp Ascoli, thế giới của Totti thay đổi. Khi đội 1 chuẩn bị tới làm khách ở Brescia, HLV trưởng Boskov quyết định mang theo cầu thủ 16 tuổi của ông vào phút chót, như một phần thưởng cho việc cậu đã ghi 2 bàn trước đó. Ở Brescia, Totti thay cho Ruggiero Rizzitelli, một tuyển thủ Italy có biệt danh “Rizzi-gol”.

“Chúng tôi đều chờ đợi cậu ấy sẽ ra mắt hôm đó”, Rizzitelli kể. “Nhiều cầu thủ trẻ tập với đội 1, nhưng Totti khác biệt. Tôi không thấy nhiều chú nhóc xâu kim một cầu thủ đội 1 trong khi tập, nhưng cậu ấy có cá tính lớn lẫn tài năng lớn. Tôi tự hào là người đã rời sân để Totti đá trận đầu tiên. Năm nào cũng có ai đó gọi cho tôi chỉ để nói về trận gặp Brescia đó!”

“Ở tuổi 17 người ta dễ đánh mất mình”

Trong 18 tháng sau đó, Totti dần gây dựng kinh nghiệm ở đội 1 dưới quyền HLV Carlo Mazzone, chiến lược gia người Roma cũng đã chuyển Andrea Pirlo về đá tiền vệ kiến tạo lùi. 10 phút ở đây, nửa tiếng ở kia, mối quan hệ giữa họ không khác gì cha-con. Mazzone rất mực bảo vệ tài năng trẻ của ông. “Tôi ra nghiêm lệnh không được khen cậu ấy. Chúng tôi không muốn làm hỏng một tài năng. Tôi thừa nhận mình đã bảo vệ Francesco thái quá, tôi thậm chí không muốn ai chú ý cậu ấy, nhưng ở tuổi 17, nhất là ở Rome, bạn có thể đánh mất mình rất nhanh”.

Dấu ấn đầu tiên của Totti, danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất trận khi gặp Sampdoria vào tháng 2/1994, là điển hình cho kế hoạch của Mazzone. “Đi tắm đi nhóc”, ông đã nói với cậu sau trận đấu đó. “Phần trả lời báo chí để đó cho tôi”. Không ai ngạc nhiên khi Totti là người viết lời giới thiệu cho tự truyện của Mazzone in năm 2010.

6 tháng sau Totti ghi bàn đầu tiên cho Roma: một cú sút chân trái tầm thấp vào lưới Foggia trong ngày mở màn mùa giải 1994-95. Anh ăn mừng trận đấu bằng một chầu kem với anh trai Riccardo, và được một người chú hứa tặng một chiếc xe đạp leo núi. Totti còn chịu ơn một người nữa, người anh kết nghĩa Giuseppe Giannini, lúc đó là số 10 và ngôi sao kiến tạo của Roma. Totti cho tới giờ vẫn nói việc thừa kế chiếc áo đó từ Giannini là một trong những khoảnh khắc khiến anh tự hào nhất.

“Cậu ấy nổi bật ngay lập tức”, Giannini, có 436 trận cho Roma và 47 cho ĐT Italy, nói. “Mọi việc có vẻ thật dễ dàng với cậu ấy. Những gì cậu ấy làm được cho bóng đá Italy là không thể xem thường. Cậu ấy là người giỏi nhất chúng tôi có. Cậu ấy là bạn cùng phòng của tôi, tôi nhìn thấy thời trẻ của mình ở cậu ấy. Tôi thật sự thấy mình giống một người anh với cậu ấy. Tôi biết rõ mẹ cậu ấy Fiorella. Tôi nhớ họ đã hỏi ý tôi về chiếc xe đầu tiên của Francesco. Cậu ấy muốn một chiếc Volkswagen Golf GTI và bố mẹ cậu ấy lo lắng và gọi cho tôi, tôi nói với họ rằng chiếc xe đầu tiên của tôi còn là Mercedes kìa!”.


Totti và HLV Luis Enrique

Tuy nhiên, ở Roma không chỉ có những thuận lợi. Sau 3 mùa giải hứa hẹn nhưng không danh hiệu, Mazzone bị sa thải mùa Hè 1996 và người hùng của Totti, Giannini, đã qua thời đỉnh cao, sang dưỡng già ở đội bóng Áo Sturm Graz. Thay cho Mazzone là HLV người Argentina Carlos Bianchi.

Quan hệ giữa Totti và Bianchi căng thẳng ngay từ đầu. Anh thường xuyên bị loại khỏi đội hình xuất phát và không được trao chiếc áo số 10 của Giannini như mong đợi. Totti trở nên bất mãn và vào tháng 1/1997, chuẩn bị sang Sampdoria theo dạng cho mượn. Tottenham cũng quan tâm tới tiền vệ 20 tuổi này. “Bianchi không thể chịu nổi những cầu thủ người Rome, và trên hết là tôi, vì tôi còn trẻ”, Totti sau này nói. “Các bạn có tưởng tượng được rằng khi tập ông ấy sẽ sắp đội hình những cầu thủ người Rome đá với không phải người Rome? Tôi đã nhắm tới Genoa, và nếu đã ra đi, tôi sẽ không bao giờ trở lại”.

Nhưng rồi Totti ở lại. Tới tháng 4, Roma lặn ngụp ở nửa cuối Serie A. Bianchi ra tối hậu thư cho chủ tịch CLB Franco Sensi “Totti hoặc là tôi”, một động thái tính toán sai lầm. Thay cho Bianchi ở mùa 1997-98 là tay HLV hút thuốc như điên và đòi hỏi bóng đá tấn công như điên Zdenek Zeman. Totti ngay lập tức được trao áo số 10 và trong 1 năm sau đó đeo băng đội trưởng, ở tuổi 22, trở thành thủ quân trẻ nhất lịch sử Serie A.

“Tôi thực ra không chọn cậu ấy làm đội trưởng. Cả đội đã chọn sau một cuộc bỏ phiếu”, Zeman nói. “Trung vệ người Brazil Aldair được nhiều phiếu hơn, nhưng rút lui. Lúc đó các cầu thủ đã thừa nhận Francesco là thủ lĩnh của họ. Cậu ấy trẻ, trầm tĩnh, thậm chí là hướng nội, không phải loại la hét trong phòng thay đồ, nhưng là thủ lĩnh hoàn hảo cho Roma trên sân”.


Totti qua các mùa giải với AS Roma

Totti đã không phụ lòng tin đó, ghi 30 bàn và có 26 đường kiến tạo trong 2 mùa dưới quyền Zeman, Giallorossi về đích hạng 4 và 5. “Zeman muốn chúng tôi chơi bóng đẹp”, Totti nói lúc đó. “Mọi người tới sân để xem chúng tôi chơi bóng, chứ không chỉ xem chúng tôi chiến thắng. Chơi bóng đá đẹp là một vinh dự và trách nhiệm”.

Thời kỳ của Zeman ở Roma cũng là giai đoạn Totti cho thấy khả năng thích nghi của anh tốt ra sao. Anh trải qua 2 năm không đá như một số 10 truyền thống, mà lệch trái trong một hàng công 3 người. “Từ bên cánh, cậu ấy có thể xâm nhập vòng cấm dễ hơn so với một tiền đạo”, Zeman nói. “Cậu ấy không bao giờ than phiền, vì vị trí đó cũng giúp cậu ấy được tham gia vào trận đấu nhiều hơn”.

Cũng dưới quyền Zeman mà Totti, với bàn gỡ hòa vào tháng 11/1998, ghi bàn đầu tiên của anh trong một trận derby Rome, mở đầu cho một kỷ lục nữa. “Đó là 1 trong 2 khoảnh khắc đẹp nhất mà tôi từng được xem với Roma”, CĐV Roma Guglielmo Casalini nói. “Chúng tôi dẫn 1-0, nhưng Lazio lội ngược dòng dẫn lại 3-1, và chúng tôi chỉ còn 10 người. Rồi Totti gỡ hòa và Marco Delvecchio thậm chí có thể giúp chúng tôi thắng trận”. Còn khoảnh khắc kia của Casalini sẽ tới 3 năm sau đó, tháng 6/2001, trước Parma trên sân Olimpico: chức vô địch Serie A thứ 3 của Roma, và đầu tiên sau 18 năm.

Totti vào sân từ ghế dự bị, lập cú đúp trong 3 phút để cứu Roma

Totti vào sân từ ghế dự bị, lập cú đúp trong 3 phút để cứu Roma

“Lão tướng” 39 tuổi Francesco Totti vẫn cho thấy sự hữu dụng khi được tung vào sân từ ghế dự bị trận As Roma- Torino.


Đội bóng mà Fabio Capello tập hợp được vào loại mạnh nhất thế giới bấy giờ, với Cafu, Walter Samuel và Aldair ở hàng thủ, Hidetoshi Nakata và Emerson ở tuyến tiền vệ, và hàng công bao gồm Totti, Vincenzo Montella cùng chân sút số 1 Gabriel Batistuta, bộ ba đã ghi 47/68 bàn của Roma ở Serie A mùa 2000-01. “Cậu ấy biết tất cả”, Batigol nói. “Cậu ấy là đối tác tuyệt nhất trên hàng công mà tôi từng chơi cùng. Cậu ấy suy nghĩ rất nhanh và biết những gì một tiền đạo muốn vì cậu ấy cũng từng là tiền đạo. Đó là một lợi thế lớn. Cũng không ai thích thú với việc kiến tạo như Francesco”.

Mùa đó, với 13 bàn ghi được, Totti được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất Serie A. Anh mới 24 tuổi, và với những tài năng trẻ như Antonio Cassano và Daniele De Rossi, Roma được chờ đợi sẽ thống trị Serie A. Nhưng rồi quan hệ giữa Totti và Capello đi tới đổ vỡ. Cả hai đều có cá tính quá mạnh và đều tin rằng họ mới là người mang về Scudetto. “Ở đây, bạn phải quyết định bạn là người hâm mộ của Totti hay của Roma”, Capello từng nói.

Mâu thuẫn quyết định tới vào giữa mùa 2003-04, mùa cuối cùng của Capello ở Rome. Capello cảnh cáo Totti trước toàn đội, nói anh không bao giờ chịu cố gắng khi tập, còn Totti nói Capello quá dở vì không thể bố trí cả anh và Cassano trong cùng một đội bóng. Tất cả được đưa lên mặt báo.

Anh và Capello sau đó đã dàn hòa, nhưng Totti chắc chắn là một cầu thủ khó huấn luyện. Trong mùa duy nhất của Luis Enrique với Roma năm 2011-12, HLV hiện dẫn dắt Barcelona cũng đã gặp nhiều khó khăn trong làm việc với Totti.

Sự ra đời của số 9 ảo

Nếu dấu hiệu về một cầu thủ vĩ đại là việc họ có thể thay đổi để thích nghi theo tuổi tác, thì không có ví dụ nào tốt hơn Totti. Anh không chơi hay hơn, mà đơn giản là điều chỉnh những thế mạnh nào mà anh còn chưa mất đi, để nối dài sự nghiệp đỉnh cao.

Dù các Giallorossi sẽ nói thời kỳ Capello và chức vô địch Serie A là những năm tháng đẹp nhất của Totti, giai đoạn thành công ổn định nhất của anh là dưới thời Luciano Spalletti. Bước sang tuổi 30 ở nhiệm kỳ thứ hai của Spalletti ở Roma, Totti giành 2 Cúp Quốc gia Italy và 3 lần về nhì ở Serie A trong 4 mùa rưỡi của HLV này tại Olimpico.

Điều tối quan trọng để thành công là khả năng thích nghi, mà Totti từng thể hiện ở thời Zeman cuối những năm 1990. Cũng có thể là do tình thế: Cassano, Vincenzo Montella và Shabani Nonda đều chấn thương, nhưng trước Sampdoria vào tháng 12/2005, Totti đã lại đá tiền đạo cắm, lần đầu tiên kể từ thời đội trẻ.

Nhưng đây không thuần túy là kiểu tiền đạo mục tiêu quen thuộc. Totti thường lùi lại khá sâu, nhường chỗ trống cho những tiền vệ rất hay dâng cao Mancini, Rodrigo Taddei và Simone Perrotta để gây ra khó dễ cho đối thủ. Sơ đồ 4-6-0 ra đời từ đó, và Roma trải qua 11 trận thắng liên tiếp, một kỷ lục của Serie A thời bấy giờ. “Trao bóng cho cậu ấy giống như gửi tiền cho ngân hàng”, Spalletti nói lúc đó. “Cực kỳ chắc chắn. Francesco xứng đáng với tất cả những lời khen ngợi về cậu ấy. Totti là cầu thủ giỏi nhất thế giới”.


Totti đã thay đổi để thích nghi theo tuổi tác

Trên đà đó, năm 2006 anh giành danh hiệu lớn nhất sự nghiệp: World Cup. Dẫu đã là nhà VĐTG, và có mặt trong đội hình xuất sắc nhất giải, Totti vẫn bị chỉ trích, ngay cả ở Italy. “Tôi lấy làm tiếc vì đã không ở 100% thể lực tốt nhất”, anh nói sau này. “Nhưng sau tất cả những gì xảy ra, nếu ai đó nói với tôi vào đầu giải: Anh có thể tới đó, chỉ sẵn sàng 30% về thể lực, nhưng vẫn vô địch World Cup, tôi sẽ đồng ý ngay”.

Câu trả lời của anh tới ở mùa 2006-07, mùa tốt nhất của Totti trên phương diện cá nhân, với danh hiệu Chiếc giày vàng châu Âu. Trong 50 trận mọi giải đấu, anh đã ghi 32 bàn và có 15 đường kiến tạo khi Roma giành Cúp Quốc gia Italy và là á quân Serie A sau Inter. Anh còn ghi bàn mà nhiều người tin rằng là đẹp nhất của Totti: một cú vô-lê chân trái tuyệt đẹp vào lưới Sampdoria mà cả sân Luigi Ferrari cũng đứng lên vỗ tay tán thưởng.

Nhưng Totti cũng trải qua một trong những trận tồi tệ nhất sự nghiệp mùa đó, thất bại 1-7 ở Old Trafford dưới tay Manchester United tại tứ kết Champions League. Nhưng điều ít người biết là ở lượt đi của trận đấu đó (Roma thắng 2-1 tại Olimpico), Totti đã chơi hay tới mức thuyết phục được Alex Ferguson cũng chuyển sang sơ đồ không tiền đạo tại Man United, với Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney và Carlos Tevez hoán đổi vị trí cho nhau. Kết quả: Man United vô địch Premier League và Champions League.

Kể từ đó, Totti đã chơi ổn định một cách đáng kinh ngạc. Hiện giờ, 145/300 bàn của anh ở Roma tới sau khi anh đã qua tuổi 30. Để so sánh, Alan Shearer có 84 và Roberto Baggio có 80. Đó là một thành tựu khó tin, nhất là trong bối cảnh bóng đá đang ngày càng đòi hỏi gắt gao về mặt thể lực. Với việc ghi bàn 3 ngày sau sinh nhật 38 tuổi của anh vào lưới Man City tháng 9/2014, một pha gẩy bóng thiện nghệ qua đầu Joe Hart, Totti còn trở thành cầu thủ ghi bàn lớn tuổi nhất trong lịch sử Champions League, một kỷ lục mà chính anh tự phá với một pha sút phạt vào lưới CSKA Moscow không lâu sau đó.

Những bàn thắng là các danh hiệu với Totti, theo một nghĩa nào đó. Anh đã duy trì khả năng ghi bàn của mình dưới quyền bất cứ HLV nào, từ Spalletti, tới Claudio Ranieri, Montella (đồng đội cũ của anh), Luis Enrique, Zeman (một lần nữa), Aurelio Andreazzoli, và người đang dẫn dắt Roma hiện giờ Rudi Garcia.

Luis Enrique và Montella sử dụng anh như một tiền vệ kiến tạo. Garcia thì bố trí Totti số 9 ảo giống Spalletti, trong khi Zeman, trong nhiệm kỳ thứ 2 với Giallorossi mùa 2012-13, đã sử dụng một Totti 36 tuổi như một tiền đạo cánh trái. “Tôi thấy cậu ấy vẫn thế”, HLV người Czech nói. “Chỉ là thêm vài vết khâu ở đầu gối. Cậu ấy cũng trở nên cá nhân và ích kỷ hơn. Trước kia thì cậu ấy thích kiến tạo hơn. Có vẻ các HLV khác đã thuyết phục cậu ấy rằng để được truyền thông nhận định tốt hơn, cậu ấy phải ghi bàn nhiều hơn”.

Zeman có lý. Truyền thông giờ yêu mến Totti hơn nhiều. Khi tờ báo thể thao ở Milan La Gazzetta dello Sport mới đây chấm điểm các cầu thủ trong 20 năm qua, người được điểm cao nhất chính là Totti (một điều càng đặc biệt ở Milan, nhất là bởi Totti chỉ có 58 lần khoác áo ĐT Italy).

Totti kẻ tự trào

Sự đánh giá cao như thế không dễ mà có được. Trong một thời gian dài, Totti có vẻ chỉ là một người hùng địa phương (dù địa phương đó là thủ đô), bởi những trung tâm bóng đá hùng mạnh nhất của Italy tập trung ở miền bắc, Milan và Turin.

Nhưng Totti vẫn giữ được ngọn lửa trong anh, mà đôi khi bùng cháy quá mức. Không sai, Totti bị phạm lỗi nhiều, nhưng những pha trả đũa của anh thường dẫn tới thẻ đỏ. Pha đánh cùi chỏ với Martin Keown ở Champions League mùa 2002-03. Cú đá nguội Mario Balotelli ở chung kết Cúp Quốc gia Italy 2010. Pha nhổ nước bọt vào Christian Poulsen của Đan Mạch ở trận mở màn Euro 2004.

“Tôi phải trả giá vì là một người Rome”, anh nói năm 2002. “Họ chế giễu giọng nói của tôi, tính khí của tôi, vì việc tôi chửi thề. Có lẽ họ cũng không thích có một cầu thủ lớn ở Rome. Dân Rome bị coi là hư hỏng, lười biếng, béo phị. Phân biệt chủng tộc là một từ quá mạnh, nhưng chúng tôi chắc chắn là bị phân biệt đối xử. Nhưng mặc họ, tôi sinh ra là người Rome và chết đi là một người Rome. Tôi không bao giờ rời đội bóng hay thành phố này. Tôi không bao giờ cho họ sự hài lòng đó”.

Chán nản với những giễu cợt nhắm vào anh, Totti quay sang tự giễu cợt mình. Năm đó, anh ra một tuyển truyện cười với tựa đề “Tất cả những trò đùa về Totti, do tôi sưu tập”. Sách bán hết trong vòng một tháng. Phần tiếp theo một năm sau đó là cuốn bán chạy nhất ở Italy và tất cả lợi nhuận được chuyển cho UNICEF, tổ chức mà Totti làm đại sứ. “Cười nhạo bản thân một chút là điều tốt”, Totti nói năm 2013 trong một cuộc phỏng vấn đánh dấu 20 năm ngày anh ra mắt Roma.


Totti còn một mục tiêu nữa, vượt qua kỷ lục ghi bàn mọi thời của Piola ở Serie A

“Ngày anh ấy thôi chơi bóng, chúng tôi sẽ gửi cho anh ấy một thùng champagne!” Paolo, một CĐV Lazio đã 20 năm qua, nói. “Chúng tôi vừa ghét vừa ngưỡng mộ anh ấy, ai cũng mơ ước một cầu thủ như thế sinh ra ở thành phố này. Anh ấy mang tới hy vọng cho mọi CĐV Roma và thiết lập một mối quan hệ tuyệt vời với thành phố, đội bóng, và các CĐV”.

Câu hỏi lớn bây giờ là khi nào thì thùng champagne đó sẽ được gửi đi. “Có chút buồn man mác với Francesco hiện giờ”, Marcello Lippi, HLV của Totti khi Italy giành World Cup 2006, nói sau khi học trò cũ của ông ghi bàn thứ 300 cho Roma vào tháng 9 trước Sassuolo. “Tôi không biết có phải vì anh ấy không được ra sân thường xuyên hơn gần đây, hay vì anh ấy bắt đầu hiểu rằng anh ấy sắp bước vào những ngày cuối cùng trong sự nghiệp”.

Chấn thương mùa này khiến nỗi buồn thêm lớn, cũng như phong độ của Roma khi không có anh. Báo chí Italy nói Totti muốn ở lại, nhưng CLB của anh không còn chắc nữa. “Ngày anh ấy từ giã bóng đá sẽ là một thảm kịch”, CĐV Roma Casalini nói. “Một cầu thủ như Totti có thể và phải chơi 1.000 năm. Cả triệu người mới có một người như anh. Với tài năng đó, anh ấy có thể chơi bóng mà không cần phải chạy. Không may là trái tim và cơ thể là 2 thứ khác nhau”.

Góc Anh Ngọc: Totti, buổi hoàng hôn của một huyền thoại

Góc Anh Ngọc: Totti, buổi hoàng hôn của một huyền thoại

6 trận đấu ở Serie A và Champions League (không trận nào trọn vẹn), và chỉ 1 bàn thắng ở mùa này đã đưa Francesco Totti trở lại với mùa bóng khởi đầu của mình trong màu áo Roma, vào mùa thu 1993.


Tuy nhiên, cũng có những người lạc quan, như Giannini: Tôi không nghĩ đã tới lúc anh ấy giải nghệ. Anh ấy là cầu thủ giỏi nhất của Giallorossi và vẫn còn muốn chơi bóng, điều đó thật rõ ràng. Anh ấy phải tiếp tục, vì ngay cả không ra sân, anh ấy vẫn là một nguồn động viên lớn trên ghế dự bị”.

Giờ thì Totti còn một mục tiêu nữa, vượt qua kỷ lục ghi bàn mọi thời của Piola ở Serie A. “Tôi nghĩ anh ấy vẫn cảm thấy sung mãn khi tập luyện, nên sẽ tiếp tục”, cựu đồng đội Rizzitelli, giờ làm cho kênh truyền hình của đội bóng, nói. “Nhưng kỷ lục của Piola quá xa. Anh ấy có thể vượt qua nó nhưng phải đá 30-34 trận mỗi mùa”.

Nhưng không sao, với Zeman, Totti đã xong việc của anh rồi: “Tôi không nghĩ anh ấy phải nghĩ gì về Silvio Piola. Với tôi, Totti chính là bóng đá”.

Trần Trọng (theo Four Four Two)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm