Paulo Dybala sẽ là Lionel Messi tiếp theo?

12/04/2017 18:52 GMT+7 | Juventus

(Thethaovanhoa.vn) - Paulo Dybala, từ chỗ là cậu bé cần được đàn anh Lionel Messi an ủi mới hơn nửa năm trước, giờ đã đánh bại chính người đàn anh đó. Còn hơn thế nữa, anh được kỳ vọng sẽ thay thế Messi trong tương lai, sau chiến thắng mang đậm giấu giày của anh cho Juventus trước Barcelona vào giữa tuần.

Màn ra mắt xúc động

Ngay khi những giọt nước mắt bắt đầu rơi, Dybala úp mặt vào áo đấu của mình. Messi, đội trưởng ĐT Argentina, tới quàng vai an ủi anh. Cả Angel Di Maria nữa. Rồi hậu vệ Emmanuel Mas cũng tới ôm lấy anh. Nhưng vô ích. Dybala sau này kể lại rằng cảm xúc của anh khi đó là không thể kềm nén. Cả đời, anh đã mơ về việc được khoác áo đội bóng quê hương, Argentina. Ngày 1/9 vừa qua, trong trận vòng loại World Cup gặp Uruguay ở Mendoza, Argentina, anh được trao trận đá chính đầu tiên. 45 phút sau đó, Dybala bị đuổi khỏi sân sau thẻ vàng thứ 2. Anh nói mình “hoàn toàn tuyệt vọng”.

Chỉ sau khi trở về phòng thay đồ, anh mới thôi khóc. Và phải một giờ sau nụ cười mới trở lại trên khuôn mặt anh, nhờ sự can thiệp của Marcelo D’Andrea, chuyên viên mát-xa của ĐT Argentina, người được cả đội gọi là “Bố”. Sau trận đấu (Argentina thắng 1-0; Messi ghi bàn), D’Andrea đã kéo Dybala, vẫn còn buồn rầu, sang một bên. “Bình tĩnh lại”, ông nói với anh. “Các ngôi sao lớn đều từng bị đuổi ở ĐTQG. Messi trước Hungary. Giờ cậu đã qua bài thử thách đó”.


Paulo Dybala đang thu hút sự chú ý của toàn châu Âu

Sự giống nhau là đáng tò mò. Ở Budapest vào năm 2005, Messi có trận ra mắt ĐT Argentina, vào sân thay người ở phút 63. Phút 65, anh nhận một thẻ đỏ trực tiếp. Với ngày càng nhiều người tin rằng Dybala có thể trở thành người thừa kế của Messi, chiếc thẻ đỏ ở Mendoza là một điềm báo nữa. Còn tối thứ Ba tại Turin vừa rồi, anh đạt tới một cột mốc mới: đánh bại Messi. Lần đầu tiên, chúng ta được so sánh trực tiếp họ giống nhau thế nào, và không ai có thể tranh cãi điều này: Dybala đã chiến thắng.

Messi là một cái bóng lớn ở Argentina. Trong nhiều năm, mỗi cầu thủ Argentina tỏa sáng đều được gọi là “Maradona mới”, biệt danh đã được dành cho Ariel Ortega, Pablo Aimar, Juan Roman Riquelme, và Carlos Tevez. Chỉ tới khi Messi xuất hiện, thì giờ mọi cầu thủ Argentina trẻ tuổi mới nổi mới được gọi là “Messi mới”. Dể hiểu là ngay cả sau chiến thắng hoành tráng vừa qua, Dybala vẫn không thích sự so sánh đó. Anh luôn nói là chỉ có một Messi, còn anh thì không muốn làm người “mới”, hay “tiếp theo”, mà đơn giản muốn là chính mình.

Xem các bàn thắng của Dybala:






So sánh Messi-Dybala

Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy. Các đồng đội của anh ở CLB và ĐTQG, như Gonzalo Higuain chẳng hạn, từng mô tả Dybala là “nhìn giống Messi”. Arrigo Sacchi, cựu HLV AC Milan, cũng từng so sánh như thế. Maradona thì chỉ nói Dybala là “một hiện tượng”, nhưng đó cũng chính là từ ông dùng để chỉ Messi cách đây chưa lâu.

Thật ra, những người biết rõ cả hai có nhiều điểm để so sánh. Sự nghiệp của họ đi theo những cung đường khác nhau. Messi rời quê nhà Rosario tới Barcelona khi còn nhỏ và tới giờ mới đá cho một đội đó. Dybala thì lên đội 1 ở Instituto, CLB tại Cordoba, trước khi chuyển sang Palermo, rồi Juventus.

Vì sao Dybala không muốn trở thành Messi mới?

Vì sao Dybala không muốn trở thành Messi mới?

Rất nhiều người gọi Paulo Dybala là Messi mới, nhưng tiền đạo của Juventus chưa bao giờ muốn trở thành phiên bản của ngôi sao đang khoác áo Barca. Cựu cầu thủ của Palermo có hoài bão riêng của mình.


Giống như Messi, Dybala khi còn nhỏ cũng bé loắt choắt. CLB đầu tiên của anh ở thị trấn quê nhà Laguna Larga chỉ có một cỡ áo cho mọi cầu thủ ở đội trẻ, và những bức ảnh còn lưu lại cho thấy Dybala như thể trẻ con mặc quần áo người lớn. Cũng giống Messi, thể hình của Dybala không thể ngăn cản anh tỏa sáng. “Chúng tôi được mời tới xem đội trẻ tập, vì chúng tôi nghĩ có thể có vài cầu thủ chúng tôi có thể dùng tạm”, Dario Franco, HLV của Instituto trong mùa duy nhất của anh ở đó, nhớ lại. “Ngay khi tôi thấy cậu ta, tôi biết không cần tìm đâu nữa”. Anh ra mắt đội 1 một tuần sau, ở tuổi 17.

Và giống như Messi, Dybala dựa nhiều vào gia đình trong cả sự nghiệp. Anh đã không thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp nếu cha anh, Adolfo không quyết liệt với điều đó. Anh trai anh Gustavo thì là người tư vấn chính về bước đường sự nghiệp, giống với gia đình Messi, qua các nhân vật Jorge và Rodrigo Messi. “Gia đình luôn ở bên cạnh cậu ấy”, Franco nói. “Cậu ấy sống trong khu nhà ở của CLB khi sống tại Cordoba, nhưng một trong các anh trai của cậu ấy cũng ở đó”.


Lúc này, CLB nào cũng muốn sở hữu Paulo Dybala

Nhưng sự thăng tiến của họ khác nhau. 17 tuổi, Messi đã chơi cho Barcelona; Dybala thì vẫn ở Instituto, hạng Nhì Argentin. Ngay cả khi tới châu Âu, Dybala cũng không được một đại gia chờ sẵn. “Palermo có hệ thống tuyển mộ cầu thủ rất tốt ở Nam Mỹ”, Giuseppe Sannino, HLV đầu tiên của Dybala ở Italy, nói. “Có rất nhiều đội chú ý tới Paulo, tôi nhớ nhất là Inter Milan, nhưng Palermo có lịch sử lâu đời đưa về các cầu thủ Nam Mỹ trẻ như Javier Pastore và Edinson Cavani. Chúng tôi cũng đã có sẵn một số cầu thủ Nam Mỹ khi Paulotới: Abel Hernandez, Arevalo Rios, giúp cậu ấy hòa nhập dễ hơn”.

Vài tháng đầu của anh ở đó, theo lời Sannino, là không dễ dàng. “Cậu ấy phải nỗ lực nhiều để tăng cường thể lực và thể hình”, ông kể. “Cậu ấy quá nhỏ con. Và ở Italy, cầu thủ còn phải rất để mắt tới chiến thuật. Tuy nhiên, đẳng cấp của cậu ấy là không phải bàn cãi”.

Những bàn thắng của Dybala ở Palermo đã thuyết phục được Juventus; và giờ những bàn thắng của anh cho Juventus đang thuyết phục được cả châu Âu. Sau trận đấu tối thứ Ba, Real Madrid, Manchester City, Chelsea, Bayern Munich, Manchester United, và tất nhiên, Barcelona, là những điểm đến tương lai được dự báo sẵn cho anh. Thật dễ hiểu, ai mà chẳng muốn sở hữu “Messi mới”!

Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm