GÓC ANH NGỌC: Người cha vĩ đại của Paolo đã bỏ chúng ta đi...

04/04/2016 07:43 GMT+7 | AC Milan

(Thethaovanhoa.vn) - Đối với rất nhiều người không biết nhiều về calcio trong quá khứ, ông đơn giản chỉ là "cha của Paolo Maldini". Nhưng thế giới bóng đá trước khi Paolo Maldini bùng nổ và trở thành một ngôi sao sáng chói chỉ có một Maldini duy nhất, Cesare. Và Paolo, vào năm 1985, khi bắt đầu ra sân trong màu áo Milan, chỉ đơn giản là "con trai của Cesare" mà thôi...

... Chính vì thế, không một ai trong thế giới bóng đá này làm được như những người mang họ Maldini, cha, con và bóng đá. Hơn thế nữa, đam mê và tài năng kết hợp trong một gia đình đã khiến người ta nói đến họ như một triều đại độc nhất vô nhị của Milan, của đội tuyển Thiên thanh, của bóng đá Ý, của bóng đá hành tinh, và trở thành một nguồn cảm hứng vô tận cho tình yêu bóng đá của biết bao người. Họ là thế đó, gia đình và đội bóng. Gia đình là nơi đã nuôi dưỡng những đam mê của cha và con, Milan là nơi họ truyền tình yêu màu cờ sắc áo giữa hai thế hệ, đội tuyển là nơi họ cùng hướng đến vinh quang cho Tổ quốc, và cuối cùng, ngôi đền của những huyền thoại bóng đá thế giới là nơi mà họ, cha Cesare và con Paolo, và có thể sau này, các thánh thần Daniel và Christian, thế hệ thứ 3 của nhà Maldini, sẽ bước vào.


3 thế hệ nhà Maldini đều khoác áo AC Milan

Và khi những lời ngợi ca đối với "cha của Paolo" qua đi, những hình ảnh đẹp đẽ về một con người không hào hoa, nhưng lịch lãm và cao thượng, không nhiều lời, dần trôi vào dĩ vãng khi ông sang thế giới bên kia, người ta cũng sẽ nhớ đến ông như là một người hùng khiêm tốn. Năm 2003, sau khi chứng kiến con trai Paolo Maldini giơ cao chiếc Cúp Champions League ở Old Trafford, đúng 40 năm sau khi chính ông, cũng là đội trưởng của Milan như Paolo lúc đó, hạnh phúc giơ lên chiếc Cúp C1 cũng ở Wembley, Cesare mỉm cười, nói: "Tôi hãnh diện khi thấy Paolo làm được những điều kì diệu nhiều hơn tôi. Tôi chỉ là một người cha làm bóng đá, truyền cho nó cảm hứng, đưa nó đến sân bóng và những gì nó làm sau đó trong đời thật khó có thể tả nổi bằng lời". Nhiều năm sau đó, khi Maldini giã từ Milan mà đội bóng đỏ đen không hề có ý định gắn bó với anh trên một cương vị khác, Cesare đã từng công khai bày tỏ sự buồn bực trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngắn: "Paolo rất muốn làm những điều tốt đẹp cho Milan trên cương vị của một quan chức. Nó rất muốn trở lại với Milan".


Cesare Maldini đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ các hậu vệ sau này của bóng đá Ý

Không ai ở Milan nghe ông. Không ai ở Milan muốn Paolo. Và đó có lẽ là điều cuối cùng còn vương vấn với đời của Cesare khi ông bỏ chúng ta và Paolo để ra đi. Nhưng nhìn lại cả một cuộc đời hơn nửa thế kỉ gắn bó với bóng đá, con người ấy đã có tất cả, và điều quan trọng nhất, đã sống hết mình với bóng đá, coi đó như một niềm vui lớn lao của đời. Và những gì ông đã làm được, đã để lại sẽ không ai có thể quên. Khi là một cầu thủ, ông là một trung vệ không nhanh nhẹn, không dùng sức mạnh, mà chơi bằng cái đầu, bằng sự phán đoán để cắt bóng, bằng sức mạnh tinh thần của một người luôn chơi lịch lãm nhưng lại khiến đối phương nể sợ. Chính Cesare, bằng lối chơi ấy, đã truyền cảm hứng cho cả một thế hệ các hậu vệ sau này của bóng đá Ý, trong đó có con trai ông Paolo, biến anh thành một trong những hậu vệ hay nhất mọi thời đại của calcio và bóng đá thế giới, và nuôi dưỡng các học trò Nesta cũng như Cannavaro, những người đã biến phòng ngự thành một nghệ thuật, điều mà Cesare đã đặt nền móng.

Như thế, có lẽ Cesare được Chúa trao cho những cơ hội của số phận, khi làm học trò của HLV Nereo Rocco (người đã cùng ông đưa Milan đến Cúp C1 năm 1963), làm HLV phó của "con cáo già" Enzo Bearzot (họ cùng nhau đoạt chức VĐTG ở World Cup Espana 1982) và làm cha của Paolo. Tất cả bắt đầu từ đội bóng Triestina của thành phố Trieste miền đông bắc nước Ý hơn nửa thế kỉ trước, và bước ngoặt của cuộc đời ông và lịch sử bóng đá thế giới xảy ra đến một ngày cách đây 62 năm, khi ông lên tàu đến Milan khoác áo cho đội bóng đỏ-đen. Ở đó, một ngày đẹp trời khác,ông gặp bà Marisa và ông bắt đầu ươm mầm trên mảnh đất này cuộc sống của gia đình ông (với tư cách là cha của một gia đình rất đông con), của Milan vĩ đại khi ông cùng họ trở thành đội bóng đầu tiên của nước Ý đoạt Cúp C1 trong lịch sử, và của bóng đá Ý với tư cách của một HLV, một người thầy. Cesare là thế, đội trưởng, nhà vô địch, nhà thể thao, HLV, người kiếm tìm tài năng, người cha và người ông. Trên hết, đấy là một con người tuyệt vời.


Cesare Maldini đã giành được nhiều thành công trên cương vị HLV

Cho đến bây giờ, ở Ý, nhiều người không thể quên được đôi mắt ông, đôi mắt đã in hình trên mặt của chính Paolo sau này. Nhưng người ta còn biết ơn ông vì nhiều điều khác nữa. Nhiều thành viên của đội tuyển U21 Ý vô địch Châu Âu 3 lần liên tiếp các năm 1992, 1994 và 1996 với ông là HLV chính là những chàng trai trẻ trở thành những nhà vô địch thế giới ở World Cup 2006. Họ là Buffon, Nesta, Cannavaro, Totti và Pippo Inzaghi. Khi là HLV tạm quyền ở Milan mùa 2000/01 thay Fatih Terim bị sa thải, Cesare đã đưa đội bóng trong tim ông đến một trong những chiến thắng đậm nhất trong lịch sử Milan ở các trận derby.

Huyền thoại AC Milan Cesare Maldini qua đời ở tuổi 84

Huyền thoại AC Milan Cesare Maldini qua đời ở tuổi 84

Cựu hậu vệ của AC Milan, Cesare Maldini, cha của danh thủ Paolo Maldini, đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 84.


Cho đến giờ, biết bao thế hệ milanista vẫn chưa thể quên cái ngày tháng 5 nóng bỏng 2001 ấy, khi Milan đè bẹp Inter tới 6-0 ở San Siro, với cú đúp của Comandini, cú đúp của Sheva, cùng các bàn thắng của Giunti và Serginho. Và ở Ý, hình tượng của Cesare còn đi vào cả văn hóa đại chúng. Nhờ những màn bắt chước để đời của diễn viên hài Teo Teocoli (một milanista nổi tiếng), cách nói đậm thổ ngữ Trieste của Cesare, các động tác mà Cesare làm ngoài đường piste, những cảm xúc mà ông bộc lộ trên ghế HLV đã đi vào trái tim của hàng triệu người Italy điên rồ vì bóng.

Chúng ta sẽ còn nói nhiều nữa về ông, trong các bài báo, những cuốn sách, bộ phim, tham gia những cuộc tranh luận dài dòng nữa về sự nghiệp và con người của Cesare Maldini, cùng những đánh giá và nhận xét về vai trò của ông trong lịch sử calcio. Nhưng với tôi, người rất ngưỡng mộ ông vì những gì ông đã làm được cho calcio trên nhiều vai trò khác nhau, điều tuyệt vời nhất mà ông đã để lại cho đời là con trai ông, Paolo Maldini...

Người giản dị, cổ điển và hơi bảo thủ của calcio

"Nhanh lên, lũ củ cà rốt kia". Cesare Maldini đã hét lên như thế với các cầu thủ của mình trong một buổi tập của đội Thiên Thanh ở World Cup France 1998 mà ông là HLV trưởng, sau khi được đôn lên từ đội U21 để thay Arrigo Sacchi, người đã thất bại ở EURO 1996. "Lũ cà rốt" trên thực tế có tên, có tuổi và đều là những ngôi sao sáng nhất của calcio và bóng đá thế giới ngày đó. Họ là ai? Là Paolo, con trai ông; là Roberto Baggio, người được hàng triệu cổ động viên yêu mến; là trung vệ Bergomi, người mà 16 năm trước (khi đó còn để râu mép rậm rì) đã đoạt Cúp vàng ở Espana 82 với Cesare là HLV phó; là Del Piero đẹp trai và tài năng; hay như Vieri, một trong những tiền đạo hay nhất thời bấy giờ.

France 98 đã khởi đầu như thế, khi đội tuyển Ý bước vào World Cup với một sự kì vọng lớn lao được đền đáp bởi một thứ bóng đá khá thận trọng. Cesare không hề nao núng sau trận hòa đầu giải với Chile của Salas, nhờ một quả penalty mà tài năng của Roberto Baggio đã giúp Ý kiếm được vào cuối trận.

Ông cũng chẳng hề nhếch mép cười khi Ý vượt qua Cameroon, Áo và Nauy trong những trận đấu tiếp theo. Chiến thắng là một bổn phận, và thắng rồi thì cần gì phải nói thêm nữa nhỉ? Nhưng Italy đã thua Pháp ở vòng tứ kết trên chấm phạt đền. Cú luân lưu trúng xà của Di Biagio (giờ là HLV đội U21 Italy) đã khiến Ý bị đội sau đó đoạt chức VĐTG đánh bại. Những chỉ trích đương nhiên nhanh chóng xuất hiện. Báo chí Ý viết rằng, đội Ý chơi quá đơn giản và thiên phòng ngự. Ông chẳng thèm giải thích. Có cả những tiếc nuối nữa. Chẳng hạn trọng tài và camera đã không bắt được cảnh Guivar'ch đánh cùi chỏ Cannavaro. Nếu người ta bắt được cảnh này như camera đã "tia" được cú húc đầu của Zidane vào ngực Materazzi 8 năm sau ở Berlin, có lẽ mọi chuyện sẽ khác nhiều.

Trước trận đấu với Pháp, Nesta, học trò cưng của ông ở đội U21, chấn thương nặng. Ông chẳng hề kêu ca hay phàn nàn và cũng chẳng thèm thay đổi chiến thuật. Cesare vẫn chơi kiểu cổ điển, bố trí Pessotto, trên thực tế là một hậu vệ cánh, để theo sát từng bước Zidane và thay Nesta bằng lão tướng Bergomi, bất chấp những hoài nghi của báo chí về cách chơi quá thận trọng và cổ điển này của ông. Ông bảo các trợ lí nhắn các phóng viên đến khách sạn của đội, "trưng bày" cho họ xem trên một tấm bảng lớn đội hình xuất phát của đội trong trận gặp Pháp, sau đó giải thích là "tôi chỉ lấn cấn mỗi vị trí tiền vệ phải, và đang cân nhắc chọn Di Livio hay Moriero" (sau đó ông chọn Di Livio).

Một phóng viên của RAI sau này bật cười khi nhắc lại chuyện đó và bảo rằng, bóng đá với Cesare thật giản đơn vậy thôi, tính toán nhiều làm gì cho mệt. Khi biết tin LĐBĐ Ý chọn Zoff để thay ông sau France 98, Cesare tổ chức một cuộc họp báo và nói: "Họ đã đá đít tôi sau khi tuyên bố họ vẫn sẽ dùng tôi sau World Cup. Họ không giải thích gì cả. Không sao, tôi đi đây. Còn các vị nói tôi thiên phòng ngự ư? Cách phê phán đó làm tôi phì cười, vì Italy đã ghi trung bình mỗi trận 2 bàn". Bốn năm sau, ông dẫn dắt Paraguay ở World Cup 2002, khi đã ở tuổi 70. Ông đưa cả đội đến một trại tập ở Tuscany và bảo, đưa họ đến Ý tập trung hay đến đâu đó có gì quan trọng, đâu chẳng là nhà. Nhưng ông cũng kêu ca một chút: "Điều duy nhất mà các cầu thủ Paraguay không ngừng làm là uống mate (một thứ nước uống bằng thảo dược ở Nam Mỹ-A.N). Tôi chẳng thích uống thứ này tẹo nào. Họ còn ăn thịt và súp liên tục nữa".

Năm ấy, Paraguay đã bị loại ở vòng 1/8 bởi Đức, đội sau đó đã vào Chung kết. Báo chí Paraguay chỉ trích ông là người quá thiên phòng ngự. Ông từ chức ngay sau thất bại, nói rằng, "trông cháu nội hay hơn là làm HLV". Đó là World Cup thứ 2 liên tiếp của Cesare Maldini trong vai trò HLV ĐTQG, sau hai World Cup trong vai trò HLV phó cho Enzo Bearzot ở Espana 82 (chiến thắng) và Mexico 86, sau một World Cup ở vị trí trung vệ (và mang băng đội trưởng Thiên Thanh) ở World Cup Chile 1962. 8 năm về trước, ông còn đứng đầu nhóm tìm kiếm tài năng của Milan. Thế rồi sau đó, vì lí do sức khỏe, ông không còn xuất hiện nữa. Cho đến hôm 3/4, khi tên tuổi của ông đầy trên báo chí Ý và thế giới. Khi đó, ông đã đi rồi.

                            Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm