Nước Ý lại phát cuồng vì một thanh tra chống mafia

11/03/2016 07:22 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Lâu lắm rồi, nước Italy mới lại phát cuồng vì một ông thanh tra. Bạn tôi kể rằng, 30 năm trước, cứ vào những buổi tối cuối tuần là người Italy lại đóng cửa trong nhà ngồi lì trước tivi, dán mắt vào serie phim truyền hình về cuộc chiến chống mafia của thanh tra Cattani trong Bạch tuộc. Cái chết của anh đã khiến bao người rơi nước mắt. Bây giờ, họ lại say sưa dõi theo cuộc chiến của một thanh tra khác, người có tên Montalbano.

Khoảng 11 triệu người Italy, tức là hơn 40% số khán giả truyền hình hôm đó, ngày cuối cùng của tháng 2/2016, đã ngồi trước tivi để xem tập mới nhất của serie phim truyền hình về thanh tra Salvo Montalbano, một con số cao chưa từng có kể từ năm 1999, khi bộ phim nhiều tập dựa trên loạt tiểu thuyết ăn khách của nhà văn lão thành Andrea Camilleri này được phát sóng trên kênh RAI Uno.

Hiện tượng

Đối với các nhà nghiên cứu xã hội Italy, đấy là một hiện tượng vô cùng đáng chú ý. Không chỉ bởi vì các phim truyền hình và điện ảnh liên quan đến cuộc chiến chống mafia luôn được chú ý trên truyền hình Italy (năm ngoái, serie Gomorra về các hoạt động tội phạm của camorra, mafia Naples và xứ Campania, là một trong những bộ phim truyền hình được xem nhiều nhất ở Italy), cũng không phải vì những đối đầu trong phim giữa Montalbano và bọn mafia quá kịch tính, mà vì cá tính đặc biệt và những câu chuyện xoay quanh cuộc sống, công việc của anh.


Cảnh phim “Thanh tra Montalbano”

Điều này rất khác với những gì xảy ra với thanh tra Corrado Cattani, dù bối cảnh hai serie phim đều ở Sicily. Cattani (vai diễn để đời của Michele Placido) đẹp trai, phong trần, có một cuộc sống cá nhân đầy trục trặc. Cái chết của anh trong phần 4 của Bạch tuộc (1989) đã khiến nước Ý nức nở. Nhiều năm sau đó, không ít người đã coi đây là cảnh báo trước về những vụ ám sát tàn bạo dẫn đến cái chết của chính Falcone và Borsellino vào năm 1992.

Nhưng Montalbano lại rất khác Cattani. Nhân vật hư cấu sinh năm 1950 này (Cattani sinh năm 1942) không đẹp trai, lãng tử, phong trần như Cattani, không có một câu chuyện lỡ dở về gia đình, với cái chết của con gái và sau đó của vợ, dưới tay mafia.

Xuất hiện trong một serie phim có tiết tấu chậm hơn, Montalbano (Luca Zingaretti đóng) có cái đầu trọc lốc, có cách ăn mặc không hợp mốt cho lắm, và là một người khá hài hước. Thậm chí các sếp của anh ở sở cảnh sát Vigata còn coi Montalbano là một kẻ huênh hoang.

Nhưng chính sự đời thường ấy, cùng tình yêu với một cô gái có tên Livia, và sự chính trực, chân thành, đã biến anh trở thành một người hùng của không ít khán giả truyền hình, trong đó gần một nửa là nữ.

Cattani là anh hùng trong cuộc chiến mang tính lí tưởng chống mafia. Sự cô độc của anh trong cuộc chiến chống bọn tội phạm và các thế lực chính trị che giấu chúng được hàng triệu người nín thở theo dõi anh trong từng tập.

Montalbano là một người hùng theo kiểu khác, ở thế hệ sau Cattani, trong bối cảnh xảy ra ở Sicily những năm 1990 đến nay. Montalbano đời thường, đầy khiếm khuyết, thô ráp, không "sát gái", có vẻ hơi nhát trước đàn bà, quyết định sống một mình chứ không ở bên cạnh người tình Livia, thích triết lí về cuộc sống và xã hội, và cũng như rất nhiều người Ý khác, rất thích ăn ngon.

Montalbano cũng sợ tuổi già, và theo đó là một sợ hãi khác khi tuổi 50 đã tới: anh nghĩ đến việc mình không còn đủ sức để chiến đấu chống lại một hệ thống mafia đang thay đổi cùng thời cuộc, đang phát triển rất mạnh, và những cuộc điều tra của anh chống lại trùm mafia Sinagra ngày càng trở nên lọt thỏm trong sự phát triển ở mức toàn cầu hóa của hệ thống này.

Nhà văn Camilleri, bằng sự tinh tế với thời cuộc, đã lồng ghép trong câu chuyện về thanh tra Montalbano những vấn đề thời sự về mafia hiện đại và khó khăn không nhỏ đối với những người làm công tác điều tra chống lại chúng.


Thanh tra Montalbano và người tình Livia trong một cảnh quay rất đẹp của serie phim

Giải mã “cơn sốt”

Điều gì đã khiến serie về thanh tra Montalbano thành công? Theo Carlo Degli Esposti, nhà sản xuất của serie, sự thành công bộ tiểu thuyết của Camilleri là một đảm bảo quan trọng cho thành công của bộ phim truyền hình.

"Dưới tay ông, người hùng Montalbano của chúng ta vừa giống những nhân vật thanh tra huyền thoại trong văn học và điện ảnh như Maigret hay Sheridan, nhưng cũng là một người Ý thể hiện thời đại của chúng ta", ông nói.

Trong khi đó, một nhà xã hội học Italy chỉ ra rằng, thời đại thay đổi thì thị hiếu cũng phải khác. Theo ông, thanh tra Cattani và serie Bạch tuộc ra đời trong những năm tháng tàn khốc và dữ dội của cuộc chiến chống mafia, và nước Ý cần một người hùng như thế.

Nhưng Montalbano thì khác, mềm mại hơn, đời thường hơn, ít cơ bắp hơn, nói nhiều hơn và người Ý thấy chính mình ở trong đó.

Cây bút nổi tiếng Vittorio Feltri thì viết trên nhật báo Il Giornale rằng, thanh tra Montalbano gần gũi với tất cả bởi anh dùng một ngôn ngữ "chợ búa" của đời sống hàng ngày ở Ý và anh không cư xử như một người hùng kiểu Cattani, mà như bao người khác ta vẫn gặp trên đường.

Một điều đặc biệt nữa, là kể từ năm 1999, năm mà hãng RAI bắt đầu phát sóng những tập đầu tiên của serie phim về Montalbano, đã diễn ra một làn sóng du lịch tới những nơi đã xuất hiện trong phim, từ Ragusa, Scicli, Modica, Cosimo, Ispica hay San Vito Lo Capo, tất cả đều ở Sicily.

Làn sóng trở nên mạnh mẽ hơn sau năm 2002, khi Val di Noto, một địa phương ở gần Ragusa, được UNESCO đưa vào danh sách Di sản thế giới. Có những người thậm chí còn muốn trả rất nhiều tiền để được ngủ trong nhà của thanh tra Montalbano và ăn sáng trên cái sân nhìn ra biển ở Marina di Ragusa mà đoàn làm phim đã quay những cảnh rất đẹp về cuộc sống thường ngày của Montalbano.

Tôi đã có lần lái xe qua Scicli. Thành phố nhỏ bé ở miền Nam đảo Sicily giờ bỗng trở nên nổi tiếng bởi đấy là nơi quay nhiều cảnh của serie về thanh tra Montalbano. Và trong cái ngày nắng hạ nóng bỏng ấy, đứng phía trước một nhà thờ đã từng xuất hiện trong phim, tôi tự hỏi, đến bao giờ độc giả và khán giả Việt Nam mới được biết đến một thanh tra cảnh sát chống mafia nhưng không phải người hùng đẹp trai hút hồn phụ nữ như Cattani, mà chỉ là một người đầu trọc có tên Montalbano nhỉ?

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm