Israel và Hamas "choảng" nhau trên… Internet

19/11/2012 09:36 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Trong cuộc xung đột Israel, Palestine diễn ra lâu nay, người ta đã sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, từ máy bay, xe tăng, đạn cối cho tới rốc-két Qassam. Giờ đây rồi danh sách vũ khí còn bao gồm cả các mạng xã hội Twitter, Facebook và YouTube.

Tuần vừa qua, khán giả thế giới đã có được cái nhìn cụ thể về một cuộc xung đột trong thời buổi tràn ngập truyền thông xã hội như hiện nay, khi quân đội Israel mở một mặt trận mới trên các trang mạng xã hội phổ biến, song song với mặt trận quân sự truyền thống nhằm vào lực lượng Hamas.

Chiến tranh trên không gian ảo

Hoạt động của Israel diễn ra ngay sau khi nước này tiến hành không kích ám sát một thủ lĩnh quân sự Hamas ở dải Gaza. Thông tin về cuộc không kích đã được xác nhận qua tài khoản chính thức của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) nằm tại mạng xã hội Twitter.

IDF đã tải một bức ảnh lên Twitter, trong có hình thủ lĩnh mới bị ám sát của Hamas là Ahmed Al-Jaabari, kèm theo dòng chữ "đã bị tiêu diệt" đóng qua mặt nhân vật này.

Song song với đó, (IDF) nhanh chóng mở rộng hiện diện của họ ở gần như mọi mạng xã hội. Họ có tài khoản Tumblr từ thứ Tư tuần trước và tải lên các thông tin hình ảnh sống động, mô tả việc quân đội Israel sẽ giảm thiểu thiệt hại cho dân thường Palestine ra sao. IDF còn cung cấp dịch vụ tin tức trên Facebook với vài thứ ngôn ngữ khác nhau và đã mở một trang thông tin trên mạng chia sẻ nội dung ảnh Pinterest, cung cấp nhiều bức ảnh binh lính IDF đang làm nhiệm vụ nhân đạo.

Một quân nhân Israel theo dõi thông tin trên trang tin chính thức của IDF ở mạng xã hội Facebook

Trên Twitter, phát ngôn viên IDF sử dụng tài khoản @IDFspokesperson đã phát ra hàng loạt các tin nhắn tweet sử dụng tiêu đề như #IsraelUnderFire (Israel bị tấn công), với các đoạn video ghi cảnh rocket từ dải Gaza bay vào Israel cùng các bức ảnh mô tả trẻ em Israel bị thương.

Không chịu ngồi yên, Lữ đoàn Al-Qassam, nhóm quân nhân từng nằm dưới sự lãnh đạo của Al-Jaabari, cũng lên Twitter để đáp trả các đòn tấn công trên mạng từ phía Israel, bằng cách cập nhật hình ảnh các chiến binh của họ tấn công mục tiêu Israel. Ngoài ra lữ đoàn còn công khai thông tin về những cái chết của trẻ em Palestine do Israel gây ra, sử dụng lời dẫn như "#terrorism" (#khủng bố.)

Đã có lúc đôi bên gần như lời qua tiếng lại với nhau trên mạng. "Chúng tôi khuyến cáo rằng không một thành viên nào của Hamas, dù là cấp thấp nay cấp cao, chui lên khỏi mặt đất trong những ngày sắp tới" - tài khoản @IDFspokesperson nhắn tin ngay sau khi Al-Jaabari bị giết.

Al-Qassam, sử dụng tài khoản @AlqassamBrigade, đã lập tức trả đũa bằng cách nhắn một tin tweet công khai tới tài khoản @IDFSpokesperson, cảnh báo rằng "bàn tay của nhóm sẽ có thể vươn tới nơi lãnh đạo và binh lính Israel đang ở, cho dù họ ở đâu". Al-Qassam còn cảnh báo rằng Israel đã tự "mở cửa địa ngục" do khơi mào xung đột bằng các vụ không kích.

“Vũ khí hóa” mạng xã hội

Có một thực tế rằng quan hệ công chúng đã luôn là yếu tố trung tâm trong cuộc xung đột kéo dài của Israel-Palestine.

Các lãnh đạo Palestine như Yasser Arafat nổi tiếng vì có khả năng thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế trong cuộc Intifada (kháng chiến) đầu tiên, qua đó nêu bật được cuộc vật lộn của người dân Palestine và giúp tăng cường sự ủng hộ của dư luận thế giới.

Nhưng có vẻ như Israel đã nhận thấy sức mạnh mà các mạng thông tin xã hội như Twitter và YouTube mang lại và đã rất tích cực sử dụng chúng để tạo sự ủng hộ. "Đây là một diễn biến tự nhiên với truyền thông xã hội" - Patrick Moorhead, một nhà phân tích ở công ty Moor Insights & Strategy cho biết - "Những người nhận tin, khi thấy thông tin trên mạng xã hội, thường nghĩ rằng nó tươi mới hơn, mang tính cá nhân hơn và không bị kiểm duyệt so với tin chính thống. Tác động của truyền thống xã hội hiển nhiên có thể thay đổi một kết cục chính trị. Chỉ cần một bức hình hoặc một đoạn video ghi lại một hành động tàn bạo nào đó là đủ để phát động một phong trào.

Các nhà quan sát nói rằng nỗ lực sử dụng mạng xã hội của quân đội Israel trong cuộc xung đột lần này đã tiến xa so với cuộc chiến Gaza hồi năm 2008, khi IDF mở một trang thông tin trên YouTube và cung cấp vô số các đoạn video nhằm hợp lý hóa việc đưa quân vào lãnh thổ Palestine.

"Chiến dịch Cast Lead hồi năm 2008 đánh dấu lần đầu tiên người ta vũ khí hóa mạng xã hội" - Rebecca Stein, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học Duke, người đã dành thời gian nghiên cứu hoạt động sử dụng mạng xã hội của quân đội Israel, nhận xét - "Nhưng thời điểm đó, hành động của quân đội chỉ là để đối phó với tình hình."

Năm 2010, chính quyền Israel dường như đã bị mất cảnh giác khi các nhà hoạt động đi trên một đoàn tàu chở hàng nhân đạo tiến tới Dải Gaza đã phát rất nhiều tin tweet và cả hình ảnh video lên mạng, mô tả lại việc họ bị lính Israel đổ bộ lên tàu và tấn công. Ngay trong năm đó, Bộ Ngoại giao Israel đã đầu tư hơn 15 triệu USD để tìm xem chính quyền Do Thái có thể sử dụng mạng xã hội ra sao để nâng cao hình ảnh.

Các trang mạng xã hội bối rối

YouTube đã chặn một đoạn video có cảnh một quả tên lửa bắn trúng xe của thủ lĩnh Al-Jaabari. Đoạn video đã được hàng trăm ngàn người theo dõi và bị một số người dùng đánh dấu là "gây khó chịu."

Và hôm 15/11, khi quân đội Israel bao vây Dải Gaza, chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ giống năm 2008, bộ máy đánh bóng hình ảnh qua mạng xã hội của Israel đã hoạt động hết công suất.

Tuy nhiên các màn đấu khẩu giữa Israel và Palestine đã làm dấy lên nhiều câu hỏi cho các công ty truyền thông xã hội, vốn khẳng định rằng họ sẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận của những người tham gia sử dụng dịch vụ, nhưng chưa bao giờ họ đối mặt với những tình huống nhạy cảm như thế này.

Mặc dù quy định của Twitter có nêu rõ việc chống lại "những lời đe dọa sử dụng vũ lực cụ thể, trực tiếp", lời đe dọa của đôi bên đã bay qua bay lại mà không bị ai kiểm tra. Công ty cũng không trả lời đề nghị đưa ra lời bình luận.

Hôm thứ Tư tuần trước, YouTube đã chặn một đoạn video nhiều hạt do IDF tải lên, có cảnh một quả tên lửa bắn trúng xe của Al-Jaabari. Đoạn video, được tải lên không lâu sau vụ không kích, đã được hàng trăm ngàn người theo dõi và bị một số người dùng đánh dấu là "gây khó chịu."

Tuy nhiên công ty mẹ của YouTube là Google sau đó đã mở khóa trở lại cho đoạn video và Chủ tịch Google Eric Schmidt nói rằng các quan chức cao cấp ở công ty đã bàn thảo kỹ về việc có nên chặn đoạn video hay không. Theo Smith, "quy định chung ở YouTube cấm các đoạn video khuyến khích bạo lực và mô tả lại bạo lực". Song vẫn đề nằm ở chỗ nếu YouTube "không phát đoạn video thì người khác sẽ phát". "Làm sao chúng ta có thể chặn tất cả các đoạn video với nội dụng nhạy cảm kiểu này" - ông nói.

Trong khi người ta vẫn chưa biết xử lý ra sao với tình huống mới này, có thể thấy Israel là bên thu lợi nhiều nhất, bởi hoạt động tuyên truyền trên mạng xã hội của họ, vốn được chuẩn bị suốt 5 năm qua, nay đã bắt đầu mang lại trái ngọt.

Tường Linh (tổng hợp)
Thể thao & văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm