08/08/2014 15:00 GMT+7 | Trong nước
Ngày 8/8, ngay sau khi có cuộc họp khẩn với nhóm phụ trách an ninh quốc gia Mỹ, Tổng thống Barack Obama cho phép sử dụng máy bay chiến đấu Mỹ tiến hành hoạt động không kích và thả hàng cứu trợ tại Iraq để ngăn chặn "tội ác diệt chủng" của các lực lượng Hồi giáo cực đoan nhằm vào những tộc người thiểu số ở Iraq.
Quyết định này được đưa ra sau khi một cuộc họp khẩn của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 7/8 cảnh báo về tình hình diễn biến nghiêm trọng tại Iraq và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Trong bài phát biểu thông báo quyết định trên, ông Obama cho biết Mỹ sẽ hành động một cách cẩn trọng và có trách nhiệm để ngăn chặn khả năng xảy ra tội ác diệt chủng. Đề cập đến quyết định cho phép không kích trong bối cảnh cộng đồng thiểu số Yazidi đang bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) bao vây tại Sinja, người đứng đầu Nhà Trắng nói rõ: "Tôi cho phép tiến hành các cuộc không kích có mục tiêu trong trường hợp cần thiết để hỗ trợ các lực lượng Chính phủ Iraq phá vỡ vòng vây và bảo vệ dân thường tại khu vực này".
Tổng thống Mỹ cho biết máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ tấn công các tay súng IS nếu lực lượng này tiếp tục tiến về Abril, nơi có các nhân viên ngoại giao và cố vấn quân sự Mỹ. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ khẳng định sẽ không có cử lực lượng bộ binh trở lại Iraq. Ông Obama tuyên bố: "Với tư cách là tư lệnh tối cao, tôi không cho phép nước Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến mới tại Iraq".
Cho đến nay, Nhà Trắng chưa công bố thông tin nào liên quan đến hoạt động không kích Iraq ngoài việc xác nhận đã thả hàng cứu trợ cho người dân ở khu vực bị bao vây. Theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, máy bay thả hàng viện trợ nhân đạo đã thả lương thực và nước sạch xuống Sinja.
Trong khi đó, người phát ngôn của lực lượng người Kurd tại Iraq, Holgard Hekmat, nói rằng máy bay chiến đấu của Mỹ đã ném bom vào các mục tiêu của IS tại hai khu vực ở miền Bắc Iraq. Theo ông Hekmat, những chiếc F-16 đầu tiên đã tấn công cây cầu nối Mosul với Gwer - tuyến tiếp tế quan trọng của IS tới Gwer. Theo nguồn tin trên, IS đang bị cô lập ở Gwer. Tuy nhiên, người ngôn Lầu Năm Góc John Kirby đã bác bỏ thông tin này.
Trong một động thái nhằm ủng hộ Chính phủ Iraq, Tổng thống Pháp Francois Hollande cam kết trợ giúp các lực lượng đang chiến đấu chống phiến quân Hồi giáo ở Iraq. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này không nêu rõ Paris sẽ cung cấp sự hỗ trợ dưới hình thức nào. Ngoài ra, ông Hollande cũng khẳng định Pháp sẽ hối thúc HĐBA LHQ “vận động cộng đồng quốc tế chống khủng bố ở Iraq để giúp đỡ và bảo vệ tất cả những người dân đang gặp nguy hiểm”.
Trước đó trong phiên họp khẩn, 15 nước thành viên của HĐBA đã lên án những cuộc tấn công gần đây của IS ở Iraq, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ quốc gia Trung Đông này đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo tại khu vực. Tuyên bố nhấn mạnh các cuộc tấn công của IS có thể cấu thành tội ác chống lại loài người và khẳng định cần phải xét xử những kẻ đã gây ra tình trạng này. Đây là tuyên bố thứ ba của HĐBA liên quan đến làn sóng tấn công của IS tại Iraq, vốn được coi là cực đoan hơn tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất