Sóng ngầm ở Inter: Khi Moratti “Silvio hóa”

06/11/2010 12:08 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Massimo Moratti là một vị chủ tịch tuyệt vời nhất trong các chủ tịch bóng đá, nhưng gần đây ông đã bớt tuyệt vời đi ít nhiều. Thật rủi cho Rafa Benitez là ông lại về dưới trướng Moratti đúng vào thời điểm đổi thay này.

Massimo Moratti đã làm được cho Inter rất nhiều điều từ khi nắm quyền lãnh đạo đội bóng áo sọc xanh-đen từ năm 1995, khi Inter chưa phải là một đội bóng có thế và lực ở Italia. Điều đáng trân trọng nhất ở Moratti là tình yêu vô hạn với Inter và khát khao tưởng không bao giờ nguôi về những ngày Inter ngự trên đỉnh thế giới. Nhưng đó là chuyện trước đây, khi Mourinho chưa đưa Inter lên đỉnh cao châu Âu trong một đêm Bernabeu huyền diệu. Nay Moratti vẫn yêu Inter, vẫn khao khát vinh quang, nhưng trong cách nhìn của ông đã có đổi khác.

Moratti giờ đây mang bóng dáng của Silvio Berlusconi. Vị chủ tịch huyền thoại của AC Milan cũng từng đổ hàng núi tiền vào đội bóng trong những năm đầu cầm quyền để biến nó thành một thế lực hùng cứ bốn phương, nhưng sau khi thỏa mãn giấc mơ, Silvio đã không còn chăm chút cho Milan như trước nữa. Lấy lý do là bận nghiệp chính trị, Berlusconi đã có lúc để Milan “sống chết mặc bay”, nhưng thi thoảng vẫn tỏ ra là một ông chủ tâm huyết với động cơ không gì khác ngoài chính trị. Silvio biết nếu ông lấy lòng được giới Milanista, chiếc ghế của ông trên chính trường sẽ thêm vững chắc.

Moratti đã thể hiện tình yêu với Inter theo một kiểu khác - Ảnh Getty

Khác Berlusconi, Moratti không cần Inter cho mục tiêu gì khác ngoài niềm vui của chính ông và giới interista, nhưng sau khi chạm được cái đích là chức vô địch Champions League, cái đích mà 15 năm qua ông miệt mài dò đường tìm lối, Massimo đã thay đổi. Ít nhất, cũng là suy nghĩ “Inter là đội mạnh nhất và đội bóng có thể giành thêm nhiều danh hiệu nữa” như cách mà bộ đôi Berlusconi-Galliani chưa bao giờ ngừng “hát ru” giới milanista về “sức mạnh” của Milan. Tâm lý đó dẫn đến việc Moratti tự cho phép “quên” mua thêm nhân tài về cho Inter lần đầu tiên sau 15 năm, và đấy là một trong những lý do khiến Inter đang sa sút so với mùa trước.

Và Moratti thay đổi cả trong cách can thiệp vào đội bóng. Trước đây, ông thường chỉ quan tâm đến Inter cần gì, các nhà cầm quân cần gì, người hâm mộ cần gì – để rồi sẵn sàng đáp ứng với túi tiền và tình yêu “bao la” của mình. Nay, Moratti đã bắt đầu nghĩ đến việc bản thân ông cần gì. Sau trận Inter thua Tottenham 1-3, tỷ phú lọc dầu ấy đã tỏ ra rất bất bình về lối chơi và tinh thần của Inter. Đây là lần thứ hai ông chau mày từ đầu mùa, lần trước là sau thất bại 0-1 trên sân Roma (Tôi đã chờ đợi nhiều hơn thế ở Inter). Tuy chưa mỉa mai kiểu “Nếu đội bóng chơi khác đi, chúng ta đã chiến thắng” như của Berlusconi (nói sau trận Milan thua M.U 1-2 ở lượt đi vòng 1/8 Champions League mùa trước), nhưng cách Moratti học hỏi Silvio can thiệp vào khía cạnh chuyên môn của Inter cho thấy rằng, ông bây giờ mới thực sự là ông chủ, người được quyền đòi hỏi các nhân viên dưới quyền phải làm vừa ý mình.

Nếu như trước đây, mỗi khi Inter thất bại hay gây thất vọng, tâm lý của Moratti sẽ là “mua, mua nữa, mua mãi” để hoàn thiện Inter, thì nay, sẽ là “nếu một đội vô địch có vấn đề, thì đó là lỗi của HLV”. Benitez có thể hy vọng ông chủ sẽ “động lòng” mà cấp cho ông trăm triệu euro để shopping ở kỳ chuyển nhượng tới, bởi thực sự Inter rất cần tăng cường lực lượng, nhưng cũng có khả năng chính ông phải ra đi. Silvio từng “đá đít” cả Ancelotti và Leonardo chỉ vì ông không còn ưa họ nữa (lý do: họ dám cãi lại ông để bảo vệ Milan), còn Moratti cũng có thể làm như thế khi Benitez không giúp ông nguôi nhớ Mourinho (lý do: Mourinho làm được, sao Benitez thì không?).

Nếu Benitez không giúp Inter mau chóng ổn định trở lại bằng những chiến thắng thuyết phục, ông có lẽ cũng nên dọn trước hành lý cho mình. Hãy nhìn gương của Roberto Mancini.

B.V

 

Moratti đã nói gì?

1. Inter thiếu quyết tâm và cá tính: “Thật tồi. Đó không phải là một trận đấu, xét cả trên khía cạnh cá tính và cách chúng ta chơi bóng. Dĩ nhiên là không phải bao giờ chúng ta cũng cần phải phản ứng dữ dội khi rơi vào hoàn cảnh khắc nghiệt, nhưng ít nhất cũng phải nhận ra và hiểu rằng chúng ta không thể đạt được mục đích với cách chơi như vậy”.

2. Đã biết rõ Bale? “Bale ư? Rõ ràng đó là một mối đe dọa, như những gì chúng ta thấy ở cả San Siro lẫn ở London. Cậu ta là một cầu thủ mạnh mẽ, điều không cần phải nói nhiều nữa, trừ khi chúng ta cho rằng đã biết quá rõ. Sự lũng đoạn của cậu ta có nghĩa là Inter đã đánh giá tình hình quá thấp. Một đội bóng như Inter không thể để bị chế nhạo như thế hai trận liên tiếp được. Mua Bale ư? Chuyện đó sẽ nói vào dịp khác”.

3. Quá nhiều chấn thương? “Tôi đã tự buộc mình phải nhìn nhận thật kỹ càng để hiểu điều gì đã xảy ra, nhưng tôi chắc chắn sẽ có ai đó phải bước lùi và đi lại từ lý thuyết đến thực tiễn”.

4. Mourinho thật vĩ đại: “Tôi đã được gặp lại và ôm hôn Mourinho. Cảm giác vẫn như xưa. Sau đó, tôi thấy ông ấy giơ 3 ngón tay về phía những tifosi Milan đang la ó để biểu thị cú “ăn ba” với Inter. Ông ấy vẫn có dòng máu Inter trong mình. Và vẫn là Mourinho ấy, khi tình thế trở nên bất lợi, ông ấy luôn sẵn lòng rút một hậu vệ ra và thay vào đó một cầu thủ tấn công. Có thể điều đó không phải bao giờ cũng có tác dụng, nhưng trước Milan, Mou đã thành công nhờ một chút may mắn, dù ông ấy không bao giờ đánh giá may mắn cao hơn sự dũng cảm. Đó là một nhà cầm quân tuyệt vời”.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm