Indonesia tăng tốc tiêm chủng, cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch vào cuối năm

21/09/2021 19:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 21/9, Indonesia đã tiếp nhận hai lô vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Sinovac và Sinopharm với tổng cộng 5,2 triệu liều.

Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số nước châu Á

Tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại một số nước châu Á

Bang New South Wales, tâm điểm trong làn sóng bùng phát dịch tồi tệ nhất tại Australia, lại chứng kiến số ca mắc mới Covid-19 gia tăng.

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Johnny G. Plate cho biết số vaccine nói trên do Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc viện trợ, trong đó lô thứ 71 gồm 5 triệu liều Sinovac và lô thứ 72 gồm 200.000 liều Sinopharm. Theo ông, tính đến nay Indonesia đã có tổng cộng 267.550.400 liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 58.776.000 liều vaccine thành phẩm của Sinovac. Ông nhấn mạnh rằng việc tiếp nhận hai lô vaccine trên là kết quả các nỗ lực ngoại giao của Chính phủ Indonesia nhằm mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay.

 
Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Indonesia. Ảnh/TTXVN

Indonesia phát động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí ngừa COVID-19 vào ngày 13/1. Tính đến ngày 20/9, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã tiêm gần 125 triệu liều vaccine, trong đó hơn 45 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai liều.

Trong khi đó, nhà dịch tễ học Tri Yunis Miko thuộc Đại học Indonesia (UI) dự báo rằng quốc gia Đông Nam Á này sẽ đối mặt với đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ 3 vào tháng 12 tới hoặc tháng 1/2022.

Theo chuyên gia Miko, nguy cơ này sẽ xảy ra nếu tỷ lệ tiêm chủng không đạt 50% vào cuối năm 2021, cùng với việc nới lỏng nhiều lĩnh vực mặc dù lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) vẫn được duy trì. Ông cho rằng việc nới lỏng các lĩnh vực sẽ là một trong những lý do khiến dịch COVID-19 đạt đỉnh tại Indonesia. Điều này sẽ tạo cơ hội di chuyển của người dân, cùng với đó là nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nhà dịch tễ học Miko cũng cho rằng Indonesia cũng có thể đối mặt với đỉnh dịch của làn sóng thứ 3 nếu tốc độ truy vết tiếp xúc chậm và công tác giám sát kém đối với các bệnh nhân COVID-19 đang tự cách ly.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Bandung, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài 3 yếu tố trên, ông cũng đề cập đến khả năng dịch bệnh lây lan mạnh trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới. Kinh nghiệm cho thấy số ca mắc COVID-19 thường tăng mạnh tại Indonesia sau những đợt nghỉ lễ dài do người dân di chuyển nhiều hơn.

Indonesia đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 208.265.720 người bao gồm các nhân viên y tế, người cao tuổi, công chức nhà nước, các đối tượng dễ bị tổn thương, người dân và trẻ em từ 12-17 tuổi. Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến ngày 20/9, đã có 38,2% trong số đó được tiêm liều thứ nhất và 21,7% được tiêm liều thứ hai. Mới đây, Indonesia cũng triển khai tiêm vaccine mũi thứ 3 với mục tiêm tăng cường cho ít nhất 50% đối tượng trên.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm