Thảm họa hạt nhân Nhật Bản: Ẩn hiện “bóng ma” Chernobyl

13/04/2011 11:36 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Giới chức Nhật Bản hôm 12/4 thông báo đã nâng mức độ nghiêm trọng trong vụ tai nạn rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện Fukushima Daiichi lên mức 7. Đây cũng là mức cao nhất theo bảng xếp hạng của thế giới và từ trước tới nay mới chỉ có thảm họa Chernobyl có cùng cấp độ về sự nghiêm trọng. Tuy nhiên sự đánh giá này đã vấp phải không ít tranh cãi.

>> Chuyên đề: Động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản

Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản (NISA) đã quyết định nâng mức độ nguy hiểm của sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima Daiichi từ cấp 5 lên cấp 7, theo thang đo sự cố hạt nhân 7 cấp INES.

Leo lên đỉnh thang sự cố INES

Quan chức NISA Hidehiko Nishiyama thông báo về tình hình ở Fukushima Daiichi trong buổi họp báo nâng quy mô thảm họa lên mức 7

Giới chức NISA giải thích của việc “nâng hạng” là do các cơ sở hạt nhân ở Fukushima Daiichi bị hư hại và thải ra một lượng lớn chất phóng xạ đang đe dọa sức khỏe của con người và môi trường trong khu vực rộng. Trước đây, Nhật vẫn kiên trì giữ đánh giá sự cố của họ ở mức 5, trong khi Cơ quan An toàn hạt nhân Pháp từ lâu đã coi vụ tai nạn ở Fukushima đạt mức 7.

Cơ sở đánh giá mức báo động thảm họa hạt nhân cao nhất này dựa trên nhiều thông số khác nhau, gồm tác động trực tiếp tại hiện trường tai nạn, tác động gián tiếp và thời gian khống chế thảm họa. Một trong các thông số được tính tới là chỉ số đo lường nồng độ phát tán iốt -131 và cesium-137 trong môi trường.

Tính đến ngày 5/4, nồng độ phóng xạ iốt ở Nhật phát tán ra môi trường đã lên mức 370.000 - 630.000 terabecquerel. Theo INES, tai nạn hạt nhân ở cấp độ 7 tương ứng với nồng độ phóng xạ iốt-131 thoát ra môi trường bên ngoài bằng 10.000 terabecquerel.

INES được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) giới thiệu trong những năm 1990. Thang này có từ cấp độ 1 đến 7, với cấp độ 7 là nghiêm trọng nhất, được xem là “vụ tai nạn hết sức nghiêm trọng” trong khi cấp độ 1 là “không bình thường”. Cấp độ sau nghiêm trọng hơn cấp độ trước 10 lần.

Trong lịch sử, ngoài vụ tai nạn vừa qua của Nhật Bản, chỉ có thảm họa Chernobyl là được đánh giá cấp độ 7 trong thang INES. Cấp độ 7 được định nghĩa tương đương với việc “xảy ra sự rò rỉ lượng lớn phóng xạ có tác động lan rộng lên sức khỏe và môi trường, cần tới việc triển khai nhiều biện pháp chống đỡ có kế hoạch và kéo dài”.

Cấp độ 6 là “tai nạn nghiêm trọng”, trong đó xảy ra việc rò rỉ phóng xạ ở một lượng khá lớn, cần triển khai các biện pháp chống đỡ. Ở mức độ này, chỉ có duy nhất vụ tai nạn xảy ra tại Kyshtym, Liên Xô (cũ), vào năm 1957, do một thùng chứa nước thải nhiễm xạ cao bị nổ, gây nhiều tác động nghiêm trọng.

Cấp độ 5 là “tai nạn với hậu quả rộng lớn”. Ở cấp độ 5, việc rò rỉ phóng xạ xảy ra hạn chế và có thể gây ra một vài cái chết, cần triển khai một số biện pháp xử lý. Có 3 vụ tai nạn được chấm điểm 5 là vụ Three Mile Island ở Mỹ hồi năm 1979. Nguyên nhân do hệ thống làm mát của nhà máy gặp trục trặc khiến phần lõi bị tan chảy một phần. Sau sự cố, các công ty điện lực đã không xây thêm bất kỳ lò phản ứng hạt nhân mới nào ở Mỹ trong vòng 30 năm trời. Vụ thứ 2 xảy ra ở Windscale Pile, Anh, vào năm 1957, do một vụ cháy trong tâm lò phản ứng và khiến vật liệu nhiễm xạ phát toán ra ngoài. Vụ thứ 3 xuất hiện ở Goiania, Brazil, vào năm 1987, với 4 người thiệt mạng và 6 người bị bệnh vì nhiễm xạ liều cao.

Hình ảnh về các nhà chứa lò phản ứng gặp sự cố do máy bay không người lái cung cấp


Tranh cãi về sự so sánh với Chernobyl

Tuy đã được NISA tăng hạng song sự cố ở Fukushima Daiichi còn xa mới bằng với Chernobyl. Tại thảm họa Chernobyl, các vụ nổ đã phá hủy một lò phản ứng, tạo ra một đám mây phóng xạ khổng lồ gây ô nhiễm nghiêm trọng phần lớn của châu Âu.

Trong khi đó ở Fukushima chỉ xảy ra nổ hơi và các lò phản ứng vẫn nằm yên trong các lớp vỏ bảo vệ còn nguyên vẹn nên không bị rò phóng xạ ra ngoài.

Giới chức Nhật Bản cũng chỉ ra rằng tại thảm họa Chernobyl, lò phản ứng nổ tung khi vẫn đang hoạt động. Còn tại Fukushima, trận động đất mạnh 9 độ richter đã khiến các lò phản ứng tự ngưng hoạt động và hiện phóng xạ rò ra ngoài chỉ vì hệ thống làm mát các thanh nhiên liệu bị hư hỏng. Các nỗ lực làm mát lò phản ứng ở Fukushima bằng cách phun nước cứu hỏa và dùng máy bay trực thăng đổ nước biển đã làm chậm nỗ lực tái khởi động hệ thống làm mát lò và buộc Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) phải bơm hàng tấn nước nhiễm xạ ra Thái Bình Dương.

Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 12/4, NISA báo cáo rằng phóng xạ rò rỉ từ Fukushima tới nay chỉ bằng 1/10 so với những gì Chernobyl thải ra và Junichi Matsumoto, quan chức TEPCO cảnh báo rằng trong tương lai còn có thể sẽ vượt qua Chernobyl. Nhưng ý kiến này không được vài chuyên gia chấp nhận. “Tôi không biết họ lấy ước tính đó từ đâu” - Yoshiaki Oka, một giáo sư về năng lượng nguyên tử ở Đại học Waseda nói. Ông tin rằng Fukushima Daiichi hiện mới rò rỉ lượng phóng xạ bằng 1/100 Chernobyl. Ngoài ra, Oka cho biết vẫn chưa có cái chết nào liên quan tới nhiễm xạ ở Fukushima, còn tại Chernobyl, vụ nổ ban đầu đã làm 2 công nhân thiệt mạng và 28 người nhanh chóng tới xử lý hiện trường đã chết sau đó 3 tháng vì nhiễm xạ.

Một số chuyên gia đã chỉ trích việc Nhật tăng cấp thảm họa nguyên tử. “Thảm họa này không thể bằng Chernobyl” - Murray Jennex, một giáo sư ở Đại học bang San Diego nói - “Những gì diễn ra ở Chernobyl quá kinh khủng, nó đã nổ tung và khi đó người ta không có thiết bị che chắn bảo vệ, họ bị mắc kẹt không có giải pháp xử lý. Còn ở Fukushima, thành bảo vệ lò chứa vẫn còn nguyên. Thứ duy nhất có vấn đề chỉ là hồ chứa các thanh nhiên liệu”. Đó cũng là quan điểm của chuyên gia hạt nhân Kenji Sumita ở Đại học Osaka. “Fukushima có những rủi ro riêng. Nhưng so sánh nó với Chernobyl là hành động đi quá đà. Fukushima không có tác động lên sức khỏe của người dân các nước láng giềng giống như ở Chernobyl” - ông tuyên bố.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm