Câu chuyện cuối tuần: Mòn mỏi chờ huy chương

04/08/2012 11:15 GMT+7 | Đoàn Olympic Việt Nam

Thể thao Việt Nam đến Olympic London với những hy vọng, rồi thời gian cứ cạn dần, mà huy chương thì chưa đến.

Kỳ vọng nhất là nội dung cử tạ của Trần Lê Quốc Toàn, nhưng chuyện dự báo lại gãy, khi gặp bất ngờ lớn với những đối thủ không thể tính đến. Thậm chí là mức tạ ta đăng ký kiểu hỏa mù lại gặp khó ngay từ lần cử giật, phải đến lần thứ ba mới nâng được mức tạ 125kg.

Từ chuyện tính áp đảo tâm lý đối phương, ta lại bị tâm lý bởi chính ta.

Tôi đồng tình với phát biểu của ông cựu Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao và cũng từng là trưởng đoàn thể thao VN khi đề cập rằng “Không đâu chuẩn bị cho Olympic như VN”.


Nguyễn Thị Lụa (phải) nằm trong số ít những niềm hy vọng huy chương còn lại của Đoàn TTVN tại Olympic London. Ảnh: Tuổi trẻ

Nếu nói thể thao VN do thiếu tiền nên thiếu nhiều thứ và ảnh hưởng đến thành tích, thì không đúng. Còn nói theo kiểu hô khẩu hiệu như “Chúng ta đã làm tất cả những gì có thể”, như những nhà lãnh đạo ngành vẫn dõng dạc, thì càng không.

Chuyện VĐV đạt chuẩn là hoàn thành nhiệm vụ và 4 tháng không có thầy như Phan Thị Hà Thanh là một minh chứng. Hoặc chuyện Ngân Thương, Nguyễn Thị Lụa không được chữa trị chấn thương sớm, cũng như những VĐV được xem là niềm hy vọng như Trần Lê Quốc Toàn, Lê Huỳnh Châu được tập huấn kiểu “cào bằng”, rõ ràng không phải là đầu tư tốt.

Đầu tư tốt không có nghĩa là đạt chuẩn là hết và bình quân một VĐV có 3 người kèm là tốt theo kiểu chăm sóc tốt.

Nó khác hẳn với thời taekwondo được tập huấn dài hạn ở Hàn Quốc, để sau đó thắng VĐV Hàn Quốc và chen vào đoạt HCB như Hiếu Ngân làm ở Olympic Sydney 2000.

Càng khác với kiểu Hoàng Anh Tuấn được ăn, tập ở các lò cử tạ thế giới hàng đầu và mang về HCB Olympic…

Quan điểm cào bằng và đi đông về đủ của thể thao Việt Nam đã thể hiện từ kế hoạch đầu năm 2011 - tức hơn 1,5 năm trước Olympic London. Đó là không xác định mục tiêu giành huy chương Olympic mà chỉ tập trung giành cho nhiều suất tham dự Olympic càng tốt.

Con số VĐV VN đông nhất trong lịch sử Olympic làm sao sánh được với số huy chương đoàn VN có trên bảng vàng?

Thể thao VN trước đây từng bị chỉ trích là “nuôi gà chọi”, nhưng nay thì lại rơi vào bệnh “cào bằng” lấy số đông cho cái gọi là phong trào Olympic.

Đừng trách VĐV chúng ta non tay, như bộ môn cầu lông chỉ trích Tiến Minh, hay nhiều người trách Quốc Toàn tính sai chiến thuật, mà hãy trách cái đích cho Olympic London 2012 của ngành thể thao.

Theo Lao động

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm