07/08/2016 16:45 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ lùm xùm xung quanh 17 bức tranh của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung bị cho là giả mạo đã khiến dư luận đặt câu hỏi: giới sưu tập tranh – anh là ai?
Tất nhiên, bức tranh ở đây không chỉ có một màu xám. Nếu tính tới những người ở độ tuổi 8X thì Việt Nam đã có đến 5-6 thế hệ sưu tập, với tổng số người sưu tập lên đến 50 - 60 người, tùy cách tính.Trong số này, thế hệ đầu tiên khá vô tư và đầy thi vị, vài người đã trở nên huyền thoại như Đức Minh; thế hệ thứ 2, thứ 3 thì nhiều tai tiếng và “nhiều miếng nhiều mẹo” hơn; các thế hệ trẻ thì đang tìm cách khẳng định mình, đang tìm cách lấy lại một phần sĩ diện cho thị trường mỹ thuật Việt Nam, nơi bê bối nổi trội.
Cùng nhận diện giới sưu tập mỹ thuật Việt Nam với Thể thao & Văn hóa Cuối tuần qua chuyên đề này.
Nếu nhìn lại lịch sử, khi 4 bức tranh của họa sĩ Nam Sơn (1890 - 1973) là Nhà nho xứ Bắc, Ông già Kim Liên, Cô gái Bắc kỳ, Tĩnh vật tham gia đấu xảo tại Hà Nội năm 1923, thì đó là dấu ấn sớm của thị trường mỹ thuật Việt Nam. Trong gần một thế kỷ qua, công việc và hình bóng của những nhà sưu tập luôn hiện diện, chi phối và ghi dấu ấn với công việc sáng tạo nói chung.
Đức Minh - một huyền thoại
Nhà sưu tập Đức Minh tên đầy đủ là Bùi Đình Thản (1920-1983), vốn là chủ của 7 tiệm kim hoàn và mỹ nghệ tại Hà Nội trước năm 1954, làm ăn rất phát đạt. Tràng Tiền Plaza (Hà Nội) là một trong các địa chỉ cũ của gia đình, ông phải hiến tặng phần lớn tài sản, khi bị cải tạo tư sản, trừ bộ sưu tập.
Trong hơn 30 năm, ông có khoảng 2.000 tác phẩm, trung bình gần 6 ngày mua 1 bức, một năm mua hơn 65 bức. Mà phần lớn tác phẩm của ông mua đều ở mức tiêu biểu với lịch sử. Sức sưu tập này là yếu tố đầu tiên làm nên huyền thoại Đức Minh.
Trong 2 thập niên 1960 và 1970, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhiều lần đến mượn một phần sưu tập của ông Đức Minh để triển lãm đối nội và đối ngoại tại Liên Xô (cũ), các nước Đông Âu…
Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn từng chia sẻ về công việc của mình, cũng là cách đề cao thế hệ đi trước: “Ở thế hệ chúng tôi, rất ít bộ sưu tập có dấu ấn của nhà sưu tầm. Đơn giản là vì lịch sử hội họa giá vẽ của Việt Nam còn ngắn so với thế giới. Khả năng lựa chọn ít, sự chia sẻ giữa nhà sưu tầm và họa sĩ cũng ít, dẫn đến những bộ sưu tập giống nhau là tất yếu.
Tôi tin rằng, từ những ý thức có tính cá nhân giữa các nhà sưu tầm sẽ dẫn đến việc lựa chọn tác giả, tác phẩm khác nhau, giúp cho các bộ sưu tập cá nhân trở nên phong phú bởi tính riêng biệt, xu hướng đầu tư sẽ đa dạng và đặc thù hơn, hiệu quả hơn, tránh được việc giẫm chân lên nhau trong đời sống nghệ thuật”.
Năm 1983, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức một triển lãm đặc biệt, giới thiệu các nhà sưu tập gần như thế hệ đầu tại Hà Nội, gồm Tô Ninh, Nguyễn Văn Lâm (Lâm toét, Lâm khói, Lâm cà phê), Trần Thịnh, Nguyễn Bá Đạm, Nguyễn Viết Châu. Đương nhiên trong kế hoạch có mời cả Đức Minh, lúc này đã định cư tại TP.HCM, nhưng ông đột ngột qua đời. Tại triển lãm nhiều người xem sự vắng mặt của ông là niềm mất mát lớn lao, không thể thay thế.
Tại Hà Nội, thế hệ sưu tập trước còn có Phạm Văn Bổng (Bổng Hàng Buồm), Phan Kế An, Lê Vượng (nhiếp ảnh), Trần Văn Lưu, ông Trương “đầu bạc”,Việt Chiến…
Yếu tố huyền thoại thứ hai, theo nhiều thông tin cho thấy, ông Đức Minh gần như chỉ sưu tập, chỉ có mua mà không bán. Mãi tới khi ông qua đời, gia thế có nhiều sa sút do khách quan, bộ sưu tập của ông mới bị chia năm xẻ bảy, phần xương sống thuộc về Bùi Quốc Chí (con trai Đức Minh), một phần nhiều thuộc về Danh Anh (hiện sống Hà Nội), còn lại đi vào các bộ sưu tập khác, trong đó có Trần Hậu Tuấn.
Nhà sưu tập Bùi Quốc Chí thẳng thắn chia sẻ:
“Đầu tiên, xin đừng xem tôi là con trai ông Đức Minh mà hãy đặt tôi vào vị trí hậu bối, để được phát biểu khách quan hơn. Với tư cách nhà sưu tập, thế hệ tôi thấy ở ông Đức Minh có đủ 3 yếu tố quan trọng:
Thứ nhất, ông có dư thừa các đam mê về nghệ thuật và hội họa, đây là điều kiện tiên quyết để đi vào thế giới nghệ thuật. Chứ nếu ông Đức Minh chỉ là một doanh nhân thành đạt, giàu có, chỉ mê tiền mà ít mê văn hóa, nghệ thuật… thì chẳng thể nào thành nhà sưu tập được.
Thứ hai, tâm và lực của ông ngang nhau, ông là người vừa ham kiếm tiền vừa ham nghệ thuật; bởi nếu có tâm mà không có thực lực về tài chính thì cũng sẽ lực bất tòng tâm mà thôi. Nếu ông Đức Minh không có nội lực về kinh tế mà chỉ có đam mê sưu tập thì không thể nào giữ được hàng ngàn tác phẩm như thế.
Thứ ba, ông có am hiểu và có trình độ về nghệ thuật, những tác phẩm và tác giả được ông chọn mua sau này đều là bậc thầy của hội họa Việt Nam, nên không thể nói ông là người cảm tính hay vô tình mà có được”.
Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến nhận xét: “Ông Đức Minh là một nhà chơi tranh sành sỏi, cái quý hơn là ông có đầu óc hệ thống các thông tin về những tác phẩm sở hữu của mình. Ông cắt dán những bài báo về mỹ thuật, ghi chép những ý kiến nhận xét. Chính ông đã cho tôi biết số phận những bức tranh lụa đầu tiên của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh khi ông hiệu trưởng Victor Tardieu gửi sang Pháp dự đấu xảo năm 1931 làm say mê lòng người.
Ba bức Rửa rau cầu ao, Em cho chim ăn, Lên đồng thuộc sưu tập của các ông Montel, Marax và Pierre Massé, bức thứ tư Chơi ô ăn quan thuộc về ông sau chuyến sang qua Pháp sưu tầm”.
Chỉ cần hội đủ mấy yếu tố mà Bùi Quốc Chí và Nguyễn Hải Yến đề cập, để lại cho đời bộ sưu tập đồ sộ, bao quát, thì chữ huyền thoại là hoàn toàn xứng đáng.
Lê Thái Sơn - xúc động đặc biệt
Đương thời, nhà sưu tập Lê Thái Sơn cho biết: “Trừ ông Đức Minh ra, ở Việt Nam chưa ai xứng danh với tên gọi nhà sưu tập đúng nghĩa, bản thân tôi rất xấu hổ khi được gọi là nhà sưu tập. Tôi cho rằng trong mỗi thế hệ, chỉ có vài người thực sự có hiểu biết về tranh, phân biệt được tranh đẹp - xấu, giả - thật… nhưng họ thường nặng về chuyện mua bán, dù ý thức sưu tập vẫn có.
Tôi cũng thuộc kiểu vừa mua bán vừa sưu tập, nên chỉ xứng với cái tên môi giới nghệ thuật mà thôi. Lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam từ 1925 đến 2010, người sưu tập kể tên ra nghe có vẻ nhiều, nhưng phần lớn bị nạn tranh giả lèo lái, lộng hành, chỉ có một số rất ít trụ lại được”.
Lê Thái Sơn (7/4/1968 - 26/7/2012, thường được gọi thân mật là Sơn "xúc động") thuộc thế hệ thứ 4 của giới sưu tập Việt Nam. Anh có độ xúc động với tranh thật hiếm gặp, có một dạo triển lãm phường xã, hưu trí nào cũng đi xem, đến ngó nghiêng và hỏi han đủ thứ, đến mức nhiều người còn tưởng anh là… an ninh văn hóa.
Những năm đầu, khi mới vào nghề, anh mua nhầm tranh giả tinh vi, thất vọng vì mất tiền thì ít, thất vọng vì tình yêu bỏ ra thì nhiều. Anh đã mời một ít bạn bè và báo chí đến chứng kiến việc hủy tranh giả.
Nghe tin di sản của danh họa Tôn Thất Đào (1910 - 1979) đang hư hại do thời tiết và bảo quản không đúng cách tại gia đình con cháu, Lê Thái Sơn âm thầm mua vé cho một số phóng viên ra Huế để phản ánh hiện trạng cho nhiều người được biết. Anh cũng là người nhắc lại cho nhiều người nhớ đến kho tranh đang hư hại của sơn mài Lam Sơn, vốn do các ngân hàng “cấn nợ” từ vụ phá sản, gồm 409 bức.
Khi bán tranh, Lê Thái Sơn thường viết trong cam kết: “Đảm bảo rằng chúng tôi chấp nhận sự hoàn trả hoặc mua lại những tác phẩm đã mua từ phòng trưng bày của chúng tôi, sau thời gian 2 năm, nếu bạn không hài lòng bởi bất kỳ lý do nào, liên quan đến tài chính, hoặc sở thích...”.
Lê Thái Sơn học ĐH Bách khoa Hà Nội, rất chịu khó làm ăn, thuộc thuộc diện thành đạt sớm, nhưng do mê tranh mà gần như mất tất cả. Anh có vợ và hai con gái, rồi ly thân, mà lý do lớn nhất cũng do mê tranh, bao nhiều tiền đổ vào đó, vợ thì không hiểu. Vì cần nhiều tiền mua tranh, anh chơi chứng khoán, nhưng thất bại nhiều hơn thành công.
Bộ sưu tập của Lê Thái Sơn không thật lớn về số lượng, chỉ khoảng 600 - 700 bức, nhưng giá trị nhất là hơn 300 bức ký họa thời chiến, trải dài từ thời Pháp thuộc, đánh Nhật cho đến chiến tranh biên giới Việt - Trung, chiến trường Campuchia. Xét ở khía cạnh cá nhân, hiếm có bộ sưu tập ký họa nào xuyên suốt và chất lượng như bộ của Lê Thái Sơn.
Về sáng tác, Lê Thái Sơn sưu tập từ thời mỹ thuật Đông Dương cho tới các sinh viên còn ngồi ghế nhà trường, miễn anh thấy xúc động. Anh có tác phẩm của hơn 120 họa sĩ, từ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Hiêm, Nguyễn Cao Thương, Hoàng Trầm, Văn Tâm, Đỗ Đình Hiệp, Thái Tuấn, Nguyễn Tiến Chung, Tạ Thúc Bình, Thuận Hồ… cho tới Lê Quảng Hà, Lê Kinh Tài, Lê Thiết Cương, Nguyễn Tấn Cương, Phùng Quốc Trí, Trần Hải Minh, Huỳnh Phú Hà, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Quang Vinh, Hà Hùng, Phạm Trần Việt Nam…
Hiện bộ sưu tập của anh đang do vợ cũ lưu giữ, tương lai và đường hướng của nó thế nào thì vẫn chưa biết được.
Chơi tranh không hẳn phải có rủng rỉnh tiền "Trong cuốn sách “kinh điển” về trang trí nội thất có tựa Trang trí ngôi nhà (The Decoration Of Houses, NXB Harper Collins, 1999 ), tác giả Alexandra Stoddard kể lại bà đã bắt đầu mua tranh từ năm 17 tuổi. Với 35 USD dành dụm được, Alexandra đến với một cuộc đấu giá tranh nho nhỏ và mua được một bức tranh phong cảnh của họa sĩ người Anh theo khuynh hướng ấn tượng, lúc đó chưa được biết đến. Một nhà buôn đồ cổ nói với Alexandra: “Nếu cháu mua mỗi năm một món đồ cổ thôi thì trong mười năm cháu đã có một bộ sưu tập”. Alexandra Stoddard đã làm theo lời khuyên ấy để có một bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật khá đầy đặn ngày nay". (Phát biểu của nhà báo Nguyễn Trọng Chức, người sở hữu bộ sưu tập nho nhỏ với khoảng 100 tác phẩm) |
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất