Huyền thoại Stevie Wonder tròn 70 tuổi: Người mù thiên tài của âm nhạc thế giới

14/05/2020 07:54 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Với sự hòa trộn độc đáo giữa dòng nhạc R&B, soul và gospel, Stevie Wonder đã trở thành biểu tượng của âm nhạc đại chúng trong nhiều thập kỷ qua. Những bản “hit” bất hủ của ông đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ và đến giờ vẫn vậy, khi siêu sao da màu người Mỹ này đã bước vào tuổi “thất thập”.

Ban tổ chức giải Grammy sẽ tôn vinh ca sĩ huyền thoại Stevie Wonder

Ban tổ chức giải Grammy sẽ tôn vinh ca sĩ huyền thoại Stevie Wonder

Ban tổ chức giải Grammy thông báo 2 ngày sau khi diễn ra lễ trao giải, họ sẽ tổ chức một chương trình đặc biệt nhằm tôn vinh ca sĩ khiếm thị huyền thoại Stevie Wonder (64 tuổi).

Cần nhắc lại, nhiều nghệ sĩ và ban nhạc nổi tiếng như Bob Dylan, The Beatles, Michael Jackson, Prince và Bob Marley đều chịu ảnh hưởng từ Wonder, người tạo ra những bản nhạc có một không hai.

Cậu bé mù tài năng

Mặc áo khoác sáng màu, quần tối màu và đeo kính râm, cậu bé 12 tuổi Wonder được dẫn lên sân khấu của Nhà hát Apollo huyền thoại ở Harlem. Wonder được đưa đến ngồi trên ghế, micro được điều chỉnh theo chiều cao và trống bongo được đặt vào đôi tay của cậu.

Những ngón tay của Wonder bay trên trống bongo, cậu xuất hiện vừa vô tư vừa lạc lõng trong thế giới của chính mình. Wonder hát một vài tiếng vào micro, yêu cầu khán giả vỗ tay rồi cậu dậm chân, nhảy lên nhảy xuống hoặc làm bất cứ điều gì họ muốn.

Sau đó, Wonder thay thế bộ trống bongo bằng kèn harmonica. Wonder trình diễn Fingerertips, đĩa đơn đầu tiên của cậu, cùng dàn nhạc và màn diễn ấy đã lôi cuốn khán giả. Đáng nói, Fingerertips là đĩa đơn đầu tiên của Wonder và cũng là đầu tiên chiếm quán quân trên bảng xếp hạng Mỹ.

Đó là câu chuyện của năm 1962. Nhiều ngôi sao nhí đã rơi vào trạng thái căng thẳng do nổi tiếng quá sớm, nhưng trường hợp này không xảy ra với Wonder. Cậu bé này có năng khiếu bẩm sinh. Sau này, khả năng âm nhạc và sự nghiệp của Wonder thực sự là một “kỳ quan”.

Chú thích ảnh
Stevie Wonder thời nhỏ

Stevland Hardaway Judkins bị sinh non 6 tuần, cậu chào đời vào ngày 13/5/1950 tại Saginaw, bang Michigan. Stevland được nuôi trong lồng kính nhưng do trục trặc về mặt kỹ thuật cùng với việc sinh non, võng mạc mắt của Stevland bị bong ra trước khi cậu bé có thể hé mắt nhìn thấy môi trường của mình. Hậu quả là Stevland đã bị mù.

Khi Stevland 4 tuổi, cha mẹ cậu chia tay nhau. Mẹ Stevland đưa các con từ vùng ngoại ô đến thánh địa sản xuất xe hơi Detroit. Bà phải vật lộn để chăm sóc con cái và và tồn tại. Gia đình Stevland luôn rơi vào tình trạng thiếu ăn.

“Mẹ tôi luôn nói với tôi rằng tôi có thể làm bất cứ điều gì, miễn là tôi thận trọng” - Stevland từng nói về thời thơ ấu và bản tính tò mò của mình. Bản thân ông không bao giờ coi việc bị mù là tàn tật. Thời nhỏ, Stevland vẫn trèo cây và đạp xe.

Stevland có tính cách mạnh mẽ hơn những đứa trẻ khác. Cậu đắm mình trong âm nhạc, có thể dành hàng giờ để nghe radio và sau đó dán tai mình vào loa của tivi. Cậu có thể đập tay vào nồi và chảo, tự học mọi nhạc cụ có thể sử dụng được. Lên 9 tuổi, Stevland có thể chơi trống bongo, kèn harmonica, guitar bass và piano.

Chú thích ảnh
Stevie Wonder được Tổng thống Mỹ Barack Obama trao Huân chương Tự do của Tổng thống

Khi Stevland bắt đầu trình diễn ở vai trò là ca sĩ solo trong một nhà thờ, cậu đã thu hút được sự quan tâm của một thành viên trong ban nhạc Miracles, người đã giới thiệu cậu với hãng thu âm Motown Records.

Đối với người sáng lập Motown, Berry Gordy, tài năng của cậu bé mù với cây kèn harmonica là một “phép lạ”. Gordy đã ký hợp đồng với cậu bé và lấy tên là “Little Stevie Wonder”. Ông chủ của Motown còn trả tiền học phí cho Wonder để cậu bé có thể theo học tại một trường tư dành cho người mù.

16 tuổi, Wonder đã lọt vào bảng xếp hạng với ca khúc ăn khách Uptight. Một năm sau đó, Wonder tiếp tục tung ra nhạc phẩm I Was Made To Love Her. Năm 18 tuổi, Wonder đã bắt đầu khẳng định bản thân với sự tự tin và quyết tâm trong mối quan hệ với Motown, tự sáng tác album, đĩa đơn mới và tạo dấu ấn trong các bản phối khí, bao gồm cả bản tình ca bất hủ For Once In My Life.

Sau đó, Wonder đã sáng lập hãng thu âm riêng Black Bull Music vì thích tự làm mọi thứ hơn, như sáng tác, hát, chơi nhạc cụ, thu âm và sản xuất. Sự đa tài của Wonder đã đưa ông trở thành một huyền thoại.

Thập niên 1970 là thập kỷ đặc biệt đột phá đối với Wonder. Trong thời gian đó, Wonder đã tạo ra tác phẩm “để đời” và di sản âm nhạc của mình. 3 album đặc biệt đã được phát hành liên tiếp, gồm Talking Book (1972), Innervutions (1973) và Songs In The Key Of Life (1976). Các bài hát trong đó đã làm nên lịch sử âm nhạc và vẫn là những bản hit bất hủ ngày nay, như Superstition, Living For The City Isn't She Lovely? Thời gian này, Wonder đã “rinh” rất nhiều giải thưởng, trong đó có 14 giải Grammy.

Chú thích ảnh
Stevie Wonder tham gia chương trình hòa nhạc trực tuyến “One World Together At Home” ở tuổi 70

Người hùng của cộng đồng Mỹ gốc Phi

Thời điểm Wonder trưởng thành, người Mỹ gốc Phi vẫn chịu sự phân biệt chủng tộc nặng nề và luôn cảm thấy tự ti. Wonder cũng không nằm ngoài số đó. Tuy nhiên, ngay từ đầu tài năng âm nhạc của Wonder đã vượt qua rào cản xã hội và chủng tộc. Mặc dù Wonder là người da màu và xuất thân từ một gia đình nghèo, song những nghệ sĩ da trắng như John Lennon, Eric Clapton và Barbra Streisand luôn cảm thấy vinh dự khi được làm việc với Wonder và biểu diễn các tác phẩm của ông.

Wonder luôn đấu tranh cho nhân quyền và phản đối chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Chẳng hạn, ca khúc Living For The City đề cập đến tình trạng nghèo đói và thiếu cơ hội của nhiều người Mỹ gốc Phi. Tờ Guardian của Anh thậm chí còn coi bài hát này là “nhạc nền của thập niên 70”.

Chú thích ảnh
Stevie Wonder và “người hùng” Nam Phi Nelson Mandela

Năm 1985, Wonder đã đoạt giải Oscar với ca khúc I Just Called To Say I Love You từ bộ phim hài The Woman In Red và ông đã tặng giải thưởng danh giá này cho người hùng chống apartheid của Nam Phi, Nelson Mandela, lúc đó vẫn đang bị tù. Wonder cảm phục Mandela đến mức đã đặt tên cho một cậu con trai của mình là Mandla (có nghĩa là “sức mạnh”).

Năm 1986, Wonder đã biến ngày sinh của mục sư Martin Luther King thành một ngày lễ ở Mỹ với một chiến dịch nhân quyền và sáng tác đặc biệt Happy Birthday To You.

Năm 2009, Wonder là đại sứ hòa bình của Liên hợp quốc. “Tôi luôn lạc quan nhưng thế giới thì không” - Wonder nói với tờ Guardian hồi năm 2012 - “Chúng ta phải thay đổi tư duy. Làm sao cho đến giờ chúng ta vẫn phải đấu tranh với nạn phân biệt chủng tộc?”.

Người nghệ sĩ tài năng này chưa bao giờ lên một kế hoạch lớn cho các sáng tác. Thay vào đó, ông thường lắng nghe tâm trạng, đời sống nội tâm của mình. Dù nói về hiện tượng tự nhiên, tình yêu hay sự phân biệt đối xử, những bài hát của ông luôn có sức truyền cảm rõ rệt. “Bằng cách nào đó tôi luôn biết về bản thân thông qua âm nhạc của mình” - Wonder nói.

Ngôi sao đầy ảnh hưởng này cũng thường xuất hiện tại các lễ trao giải. Ông hát tưởng nhớ nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp khác, như hát tại đám tang Michael Jackson hay Aretha Franklin và gần đây nhất là Bill Withers (qua đời hôm 30/3).

Thậm chí, trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19 vừa qua, Wonder đã cùng Lady Gaga, Billie Eilish và các ngôi sao khác tham gia màn hòa nhạc phát trực tuyến One World Together At Home do Global Citizen tổ chức nhằm gây quỹ cho quỹ Phản ứng đoàn kết COVID-19 của WHO.

Năm 2014, Stevie Wonder được trao Huân chương Tự do của Tổng thống, giải thưởng dân sự cao nhất ở Hoa Kỳ.

Việt Lâm (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm