Huyền thoại Lô Yến: Vẫn ham diễn xuất ở tuổi 'gần đất xa trời'

18/07/2014 13:16 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Năm nay đã gần 90 tuổi nhưng nữ diễn viên, ca sĩ người Mỹ gốc Hoa Lô Yến (Lisa Lu), từng gây tiếng vang với vai Từ Hy Thái Hậu, vẫn không ngừng theo đuổi nghề diễn và còn liên tục gây kinh ngạc khán giả.

Vào mùa Giáng sinh tới đây, bà sẽ trở lại sân khấu với vai chính trong vở kịch dài 8 tiếng A Dream Like a Dream của đạo diễn Lại Thanh Xuyên.

Vở kịch kể về một viên bác sĩ, một bệnh nhân mắc một căn bệnh lạ, mối quan hệ của bệnh nhân với một nữ hầu bàn cô đơn ở Paris và một người phụ nữ có tuổi sống ẩn dật ở Thượng Hải (Lô Yến).


Ở tuổi gần 90, Lô Yến vẫn theo đuổi nghề diễn và tạo ấn tượng với công chúng.

Học diễn xuất từ các ngôi sao

Lô Yến được thần tượng không chỉ bởi bà có một sự nghiệp lâu dài trong làng giải trí Trung Quốc mà ít người có thể sánh được mà còn vì bà từng đóng phim với các ngôi sao nổi tiếng Hollywood như Marlon Brando, Henry Fonda và James Stewart, và được thừa nhận về tài năng. “Cô là một diễn viên cừ. Cô có lối diễn đơn giản và thuần khiết. Đừng để Hollywood thay đổi cô” – nam tài tử Brando từng nói với Lô Yến như vậy tại trường quay phim One-Eyed Jacks hồi năm 1961.

Lô Yến trong chân dung Từ Hy Thái Hậu, phim Hoàng đế cuối cùng (1987)

Tài năng diễn xuất của Lô Yến được nuôi dưỡng từ khi bà còn nhỏ. Mẹ bà là một ngôi sao Kinh kịch và cha đỡ đầu của bà là huyền thoại Kinh kịch Mai Lan Phương. Lô Yến xuất hiện trên sân khấu ở tuổi vị thành niên, tuy nhiên bà nhận thấy mình không có đủ tố chất để trở thành một nghệ sĩ trình diễn chuyên nghiệp môn nghệ thuật này.   

Bà không được đào tạo sân khấu và điện ảnh một cách bài bản, mà học diễn xuất bằng cách bắt chước các diễn viên trên màn bạc. Trong những năm 1940, Thượng Hải chiếu rất nhiều phim Hollywood và người ta phải thuê phiên dịch để giúp khán giả hiểu phim. Lô Yến là một trong những người phiên dịch và được mệnh danh là “Hoa hậu tai nghe”. Chính nhờ công việc này mà bà đã nghiên cứu kỹ lối diễn của các ngôi sao.  

Lột tả vai Từ Hy Thái Hậu

Năm  1947, Lô Yến theo học tại trường Đại học Hawaii và năm 1956, gia đình bà chuyển tới Los Angeles. Tại đây, bà làm công việc kế toán, song niềm đam mê diễn xuất vẫn lẩn khuất trong tâm trí bà. Với sự khuyến khích của gia đình, bà đã tham gia trung tâm nghệ thuật trình diễn Pasadena Playhouse và được giao một số vai diễn nhỏ.

Tuy nhiên, Lô Yến lại chỉ tạo được bước đột phá lớn trong sự nghiệp khi trở về Hong Kong và nhận vai nữ chính với phim The Arch (1970). Trong phim này, bà thủ vai một góa phụ trẻ phải kìm nén tình cảm của mình dành cho một sĩ quan quân đội. Lô Yến đã tạo được ấn tượng sâu sắc với vai diễn này qua lối diễn lột tả nhiều sắc thái cảm xúc. Để hóa thân vào nhân vật, Lô Yến đã nghiên cứu rất kỹ về tâm lý của người phụ nữ Trung Quốc thời trước, những con người luôn phải đấu tranh giữa trách nhiệm và cảm xúc.

Vai diễn đã đem về cho Lô Yến giải Kim Mã đầu tiên và sau đó bà “rinh” được 2 giải Kim Mã nữa, một với vai diễn Từ Hy Thái Hậu trong phim lịch sử The Empress Dowager (Từ Hy Thái Hậu - 1975) của đạo diễn Lý Hàn Tường. Theo đánh giá của nhiều nhà phê bình, chưa ai khắc họa được chân dung Từ Hy Thái Hậu trên màn bạc một cách thuyết phục như Lô Yến.

Năm 1987, nhà làm phim Italia Bernardo Bertolucci lại mời bà tái diễn nhân vật này trong phim The Last Emperor (Hoàng đế cuối cùng). “Tôi đã nói với đạo diễn Bertolucci rằng Từ Hy là một người phụ nữ rất chăm chút đến ngoại hình của mình. Bà không bao giờ gặp bất cứ ai với bộ dạng nhợt nhạt, kể cả khi nằm trên giường bệnh. Song trong bộ phim của mình, đạo diễn Bertolucci không muốn mô tả trông Từ Hy như thế nào, mà muốn tả việc bà xuất hiện ra sao trước hoàng đế cuối cùng (Phổ Nghi). Tôi đã cảm ơn đạo diễn vì điều đó” - Lô Yến kể lại trong một cuộc chuyện trò mới đây.

Ngoài ra, Lô Yến còn xuất hiện trong rất nhiều bộ phim tiếng Anh và tiếng Hoa. Khi không đóng phim, bà trở lại sân khấu và luôn tạo dấu ấn ngay cả với những vai diễn rất nhỏ.

Khi được hỏi tại sao lại thích làm việc không ngừng nghỉ như vậy, Lô Yến giải thích đơn giản: "Tôi chẳng muốn ngồi không để chuốc bệnh vào người”.

Việt Lâm (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm