20/03/2024 18:11 GMT+7 | Tin tức 24h
Nghị quyết số 250-NQ/HU năm 2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Anh (Hà Nội) được đánh giá đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống của người dân, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh hơn.
Với nội dung chính là "5 có, 3 không", Nghị quyết số 250-NQ/HU nhấn mạnh vào những vấn đề cụ thể của huyện Đông Anh, trong đó có quy hoạch chi tiết các điểm dân cư phát triển đô thị theo tỷ lệ 1/500 đối với các xã nằm trong khu vực đã có quy hoạch phân khu đô thị. Đối với các xã nằm ngoài khu vực quy hoạch phát triển đô thị "5 có" gồm: phải hoàn thành quy hoạch chung; có nhà văn hóa; có sân bóng đá cho thanh thiếu niên; có công viên mini, các điểm sinh hoạt cộng đồng với quy chế quản lý, sử dụng bảo đảm hiệu quả; có điểm đỗ xe tĩnh kết hợp trồng cây xanh. Về "3 không" gồm: không vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải; không có hộ nghèo.
Từ Nghị quyết này, huyện Đông Anh đã tiến hành giải tỏa hàng chục nghìn m2 đất công ích bị lấn chiếm từ nhiều năm nay để xây các công trình phúc lợi như công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe, kè ao hồ... Tuy hiệu quả từ Nghị quyết đem lại cho người dân là rất lớn, nhưng quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, từ năm 2022, xã Nam Hồng được huyện Đông Anh phê duyệt Dự án xây dựng tiểu công viên, điểm sinh hoạt cộng đồng (bao gồm sân bóng, sân thể dục thể thao, bãi đỗ xe tĩnh) tại thôn Đìa và cải tạo, nạo vét ao khu vực Nhà văn hóa thôn Đoài. Mục đích của 2 dự án trên nhằm nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe; tạo không gian công cộng dùng chung cho cả cộng đồng theo tinh thần của Nghị quyết "5 có, 3 không" của Huyện ủy Đông Anh, đáp ứng các tiêu chí từ xã lên phường.
Để thực hiện Dự án, xã Nam Hồng đã triển khai trình tự các bước chuẩn bị đầu tư theo quy định; đồng thời, tiến hành họp dân, tổ chức tuyên truyền công khai tới đông đảo nhân dân; thông báo tới các hộ dân 2 thôn kể trên về việc UBND xã sẽ giải tỏa các ki ốt do lãnh đạo thôn cho người dân mượn từ những năm 1990, sử dụng để kinh doanh, buôn bán. Mỗi ki ốt khoảng 15m2, tại vị trí mặt đường lớn. Các hộ dân tự bỏ vật liệu ra để xây dựng thành ki ốt theo một quy cách chung. Trong tổng số 42 ki ốt ở cả 2 thôn, sau thời gian vận động, các hộ thu dọn tài sản hoàn trả lại đất cho Nhà nước, đến nay mới có 5 hộ dân bàn giao mặt bằng cho chính quyền; số ki ốt còn lại vẫn đang kinh doanh hoặc đóng cửa.
Ông Nguyễn Tiến Dương, Chủ tịch UBND xã Nam Hồng cho biết, theo các hồ sơ, văn bản còn lưu giữ tại địa phương, thời điểm đó, các hộ nhận ki ốt đều có văn bản xin mượn đất, với cam kết khi nào Nhà nước có nhu cầu sử dụng phải trả lại mặt bằng theo kế hoạch mà không bồi thường. Song, qua thực tế sử dụng, một số hộ dân đã tự sang nhượng, xây dựng kiên cố hơn nhiều so với ban đầu.
UBND xã Nam Hồng đã tiến hành lập biên bản đối với các hộ xây dựng vi phạm. Hơn nữa, khu vực xây dựng 2 dãy ki ốt tại 2 thôn trên bản đồ địa chính thể hiện là đất công ích do UBND xã quản lý nên các ý kiến, kiến nghị về hỗ trợ, đền bù giải phóng mặt bằng và cấp "sổ đỏ" cho người sử dụng ki ốt là không có cơ sở thực hiện. UBND xã đã tổ chức công khai rộng rãi tới người dân về đề án xây dựng công trình phúc lợi, được đông đảo nhân dân đồng tình.
"Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, sau khi tuyên truyền vận động, nếu các hộ đang sử dụng ki ốt ở 2 thôn trên không bàn giao mặt bằng, thời gian tới, xã sẽ củng cố, thiết lập hồ sơ, xin ý kiến của cơ quan thẩm quyền, tiến hành cưỡng chế giải tỏa, tháo dỡ các ki ốt theo thẩm quyền, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công", ông Nguyễn Tiến Dương nhấn mạnh.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh cho biết, việc giải tỏa 2 dãy ki ốt tại xã Nam Hồng để xây dựng công trình phúc lợi là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Theo quy định, chính quyền cấp thôn không có chức năng giao đất cho các hộ dân sử dụng. Trong trường hợp này, xã Nam Hồng không giải tỏa mặt bằng đất để giao cho cá nhân khác sử dụng mà phục vụ cho lợi ích chung của cả cộng đồng. Nếu xã Nam Hồng thực hiện sai quy định của pháp luật, sẽ có những cơ quan chức năng kiểm tra giám sát, xử lý. Do vậy, người dân đang sử dụng ki ốt cần sớm bàn giao mặt bằng cho xã vì mục đích chung, đảm bảo quy định của pháp luật.
Cũng theo ông Vũ Văn Thanh, trong thời gian qua, không chỉ có xã Nam Hồng mà tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Đông Anh, chính quyền đã giải toả nhiều diện tích đất công, đất lấn chiếm, đất sử dụng sai mục đích, phục vụ cho việc xây dựng các công trình phúc lợi, góp phần quan trọng trong thực hiện đề án phát triển từ huyện lên quận trong thời gian tới.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất