Đường tới Olympic 2012: Cô tiến sĩ chinh phục đường đua ngựa sắt

07/07/2012 11:02 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH Cuối tuần) - Biết nói 6 thứ tiếng, tốt nghiệp Đại học Cambridge, đang theo học tiến sĩ ngành kỹ thuật địa chất tại Thụy Sĩ đồng thời là cua rơ chuyên nghiệp sắp tham gia thi đấu cho kỳ Olympic 2012, khó có thể tin được đó là lý lịch trích ngang chồng chéo đó là của cùng một người, nhưng với Emma Pooley thì mọi thứ đều có thể.



Pooley: Emma Pooley và chức vô địch thế giới ở Melbourne, Úc năm 2010 - Ảnh Getty

Vừa đua vừa lấy bằng tiến sĩ

Thành thạo tiếng Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, có thể nói một chút tiếng Ý và Hà Lan, Pooley, 29 tuổi, giành huy chương bạc ở nội dung đua xe đạp tính giờ tại Olympic Bắc Kinh 2008, vô địch thế giới hai năm sau đó và hiện đương nhiên là niềm hy vọng lớn nhất của chủ nhà Anh tại Olympic 2012. Sức mạnh của cô trên lưng con ngựa sắt là khó ai sánh được, nhưng sự thông tuệ của Pooley còn khiến nhiều người ngạc nhiên hơn. Công việc chính của Pooley, ngoài đua xe, là tấm bằng tiến sĩ cô đang theo đuổi với đề tài cải thiện môi trường và xử lý chất thải ở các khu mỏ.

Lớn lên ở Norwich, Pooley chưa bao giờ hình dung mình sẽ là một vận động viên xe đạp đi tranh tài khắp toàn cầu. “Tôi đã may mắn với những cơ hội mà mình có trong đời”, Pooley chia sẻ. “Đua xe đạp hoàn toàn là tình cờ, nhưng tôi thật may mắn vì đã được lựa chọn cho Bắc Kinh, khi đó tôi còn là một tay mơ trong môn này, nhưng đã có huy chương, một điều thật khó tin. Rồi bốn năm sau là kỳ Olympic này, càng đặc biệt hơn khi giải diễn ra trên sân nhà”.

Pooley sẽ có hai mục tiêu ở London 2012: Ưu tiên sẽ là một tấm huy chương ở nội dung tính giờ, nhưng còn quan trọng hơn là ở nội dung đua xe đồng đội nữ. “Đua xe đạp trở nên hơi kỳ lạ ở những nội dung đồng đội khi tất cả phải nỗ lực hết mình, nhưng chỉ có một tấm huy chương được trao”, Pooley nói. “Thành thật mà nói, tôi thích hợp hơn với nội dung này, trong vai trò hỗ trợ”. Đội tuyển nữ của Anh còn có hai đồng đội đã từng kề vai sát cánh với cô trong trận đấu Olympic 2008 là Nicole Cooke, huy chương vàng và Lizzie Armitstead, huy chương đồng và Lucy Martin, từng đứng thứ tám tại giải Tour of Chongming World Cup giữa tháng năm vừa qua.

Như mọi vận động viên thể thao, Pooley có những thần tượng ấu thơ của riêng mình. Đó là hai ngôi sao điền kinh thế giới Paula Radcliffe và Kelly Holmes, vận động viên người Anh giành huy chương vàng ở Olympic Athens 2004.

Điều đó giúp dễ dàng lý giải cho sự lựa chọn đầu tiên trong sự nghiệp thể thao của Pooley không phải là đua xe đạp. Khi đang là sinh viên trường Đại học Cambridge, phần lớn các câu lạc bộ thể thao mà Pooley tham gia đều là bộ môn điền kinh. Chỉ sau khi bị chấn thương và không thể tiếp tục chạy, cô mới chọn đua xe đạp như một niềm an ủi, nhưng rồi dần dần Pooley đã nhận thấy đó là tiếng gọi của cuộc đời thể thao. Khi nhắc đến những người có sức ảnh hưởng lớn nhất đối với sự nghiệp đua xe của cô, ngoài huấn luyện viên, một người bạn đại học đã khuyến khích cô tham gia đua xe. “Nếu không nhờ cô ấy, có lẽ tôi sẽ không bao giờ biết đến môn đua xe”, cô chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge, Pooley chuyển đến Thụy Sĩ để lấy bằng thạc sĩ ngành kỹ thuật địa chất ở Đại học ETH Zurich năm 2005 và tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình. Trong suốt thời gian đó, cô vừa nghiên cứu luận văn vừa tập luyện trong đội đua xe vào cuối tuần. Thành công của Pooley cả trên giảng đường và những đường đua xe có đóng góp lớn của một người thấu hiểu cả đam mê thể thao và học thuật. Giáo sư hướng dẫn luận án tiến sĩ của Pooley, Sarah Springman, cũng là một vận động viên Anh cừ khôi ở nội dung ba môn điền kinh phối hợp.

“Tôi đã rất may mắn khi được giáo sư Sarah Springman hướng dẫn. Bà là người ủng hộ sự nghiệp đua xe của tôi và giúp tôi có thể cân bằng giữa việc học và đam mê đua xe của mình”, Pooley nói. Tất nhiên, Pooley hiểu rằng bằng cấp chẳng có ý nghĩa nhiều trên trường đua. Cô không bao giờ cho rằng mình là vận động viên thông minh nhất, bởi vì “sẽ không thể biết ai là cua rơ thông minh nhất cho đến khi họ chiến thắng”. 

Hướng tới London 2012

Thành công đầu tiên của Pooley trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp phải kể đến là giải ba trong cuộc đua Grande Boucle Feminine, được xem là giải Tour de France dành cho nữ năm 2007. Đến kỳ Olympic Bắc Kinh 2008, cô giành huy chương bạc và được đánh giá có tinh thần đồng đội khi giúp thành viên Nicole Cooke giành huy chương vàng trong cuộc thi.

Năm sau đó, Pooley giành chiến thắng đầu tiên tại Grande Tour và đoạt chức vô địch quốc gia trong nội dung đua tính giờ. Năm 2010, cô trở thành nữ vận động viên Anh đầu tiên giành giải Road World Championships với nội dung đua tính giờ tại Úc. Và chỉ trong 4 năm kể từ khi chính thức trở thành vận động viên đua xe chuyên nghiệp, Pooley đã giành nhiều giải thưởng danh tiếng khác như Fleche Wallonne Féminine, Tour de l’Aude, Giro del Trentino và GP de Plouay.

Với sở trường đua tính giờ và leo núi, cả Pooley và Armitstead được chọn thi đấu trong nội dung đua tính giờ diễn vào ngày 1/8 ở Olympic tới đây. Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với BBC, Pooley cho rằng trong kỳ Olympic lần này cô sẽ không có nhiều lợi thế như ở Bắc Kinh 2008. Mặc dù kỹ năng thi đấu của Pooley đã tiến bộ khá nhiều, nhưng thi đấu đường trường không phải là thế mạnh của cô. Pooley khẳng định vai trò của mình trong cuộc thi lần này là hỗ trợ đồng đội giành chiến thắng cho đội tuyển Anh. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với BBC, Pooley nói: “Ai giành được huy chương không quan trọng miễn là chúng tôi thắng. Quan trọng là bạn phải tin vào đồng đội của mình, thực hiện theo đúng kế hoạch để người giỏi nhất bứt phá giành chiến thắng.”

Hiện trước mắt cô sẽ tham gia giải Giro Donne tại Ý dành cho nữ, một giải tiền Olympic rất quan trọng. Năm ngoái, Pooley đã về nhì trong cuộc đua này. Tuy không mong chờ chiến thắng tại giải năm nay, nhưng cô hy vọng đây sẽ là đợt huấn luyện tốt chuẩn bị bước vào cuộc chiến đích thực đầy thách thức diễn ra trong vòng chín ngày tại London.

“Sắp tới sẽ là Giro, đây không phải là một đường đua thực sự thích hợp với tôi, nhưng sẽ là một thử nghiệm tốt cho cuộc đua ở London. Tôi không quan tâm nếu mình có về chót ở Giro, điều tôi muốn là một thách thức đích thực, để rồi hướng tới mục tiêu quan trọng nhất: Thế vận hội”, Pooley nói.

Thu Phương



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm