09/09/2024 17:25 GMT+7 | Văn hoá
Mới đây, UBND TP.HCM đã ra quyết định tổ chức Liên hoan Sân khấu TP.HCM năm 2024, với chủ đề Khát vọng phương Nam. Đây sẽ là liên hoan có tính chất mở rộng, chấp nhận sự tham dự của nhiều tỉnh thành, và năm nay sẽ dành riêng cho kịch nói.
Liên hoan dự kiến khai mạc ngày 12/11 tại Nhà hát TP.HCM, địa điểm dự thi là Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Ban tổ chức cho biết, dù quy mô tổ chức cấp thành phố, nhưng huy chương được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận giá trị, đủ tiêu chuẩn để góp vào việc xét phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND.
Mong muốn nâng chất nghệ thuật
NSND Trần Ngọc Giàu (Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, thành viên điều hành liên hoan) cho biết: "TP.HCM là nơi mà đời sống kịch nghệ hoạt động nhộn nhịp nhất cả nước, với rất nhiều đơn vị công lập lẫn xã hội hóa. Thế nhưng, nhiều năm qua, các liên hoan sân khấu do trung ương tổ chức lại diễn ra ở các tỉnh thành khá xa TP.HCM, điều này vô tình khiến cho nhiều đơn vị tại thành phố này muốn tham gia đành bỏ lỡ vì thiếu kinh phí di chuyển. Vì vậy, liên hoan năm nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đoàn tại TP.HCM. Việc tiết kiệm được chi phí đi lại sẽ hỗ trợ lớn cho các đơn vị đầu tư vào nội dung và hình thức của các vở diễn".
Ông Giàu nói thêm: "Quan trọng hơn, nhiều sân khấu tại TP.HCM quá chú trọng đến tính giải trí, mà lơ là tính học thuật của kịch nghệ. Tiêu chí của liên hoan lần này bắt buộc các đơn vị phải chỉn chu hơn về thông điệp, ý nghĩa và cách thể hiện. Có khi điều này sẽ giúp nâng cao tính học thuật cho sân khấu giải trí, giúp họ cân bằng hơn giữa nghệ thuật hàn lâm và giải trí bình dân".
Những ý kiến của đạo diễn Trần Ngọc Giàu về việc quan tâm đến nâng cao tính học thuật cho các vở diễn là rất xác đáng. Thực tế, mỗi sân khấu tại TP.HCM có một đối tượng khán giả đặc thù riêng. Có sân khấu đi sâu vào tâm lý, dàn dựng chỉn chu theo hướng phục vụ khán giả trưởng thành. Có sân khấu phục vụ các bạn trẻ tuổi mới lớn, chỉ chú trọng đến những mảng miếng mà các em thích, nhưng không có tính học thuật cao. Nhiều trường hợp không được hội đồng phúc khảo không chấp nhận, buộc phải dàn dựng lại.
Nhìn lại nhiều năm trước, TP.HCM đã từng tổ chức vài kỳ liên hoan sân khấu, với nhiều thể loại là kịch, cải lương, ca múa nhạc, xiếc... Thế nhưng, những liên hoan này đã không duy trì được lâu. Theo nhiều người am hiểu, có thể nguyên nhân chính xuất phát từ việc huy chương không có giá trị cấp quốc gia, nên không có sức hút với các sân khấu. Giờ đây, đời sống nghệ thuật và giải trí của thành phố phát triển nhanh về số lượng, nếu tổ chức gom chung các thể loại sẽ rất cồng kềnh, nên sẽ hướng đến việc tổ chức tách riêng, mà trước tiên sẽ là kịch nói và cải lương. Bởi vì, ngoài việc tạo sân chơi nghệ thuật theo tiêu chuẩn của hội đồng chuyên môn, nhu cầu huy chương để hướng tới việc xét tuyển danh hiệu cũng là nhu cầu thực tế của nhiều anh chị em nghệ sĩ.
Sân chơi mở rộng và học tập lẫn nhau
Ban tổ chức của liên hoan đã gửi thư mời đến các đơn vị sân khấu phía Bắc nhằm tạo nên sự đa dạng trong phong cách. Đến thời điểm hiện tại thì chưa xác định được tổng số đơn vị đăng ký, riêng TP.HCM thì khá đông sân khấu chuẩn bị vở diễn và sẵn sàng. Trong số đó, có nhiều công ty có giấy phép kinh doanh nghệ thuật nhưng không có sân khấu riêng. Các đơn vị này tập hợp nhiều anh chị em nghệ sĩ rất khát khao được diễn kịch, nhưng chưa có cơ hội, hoặc đã từng diễn ở vài nơi giờ ngưng cộng tác. Có vài ý kiến cho rằng những đơn vị không có sân khấu riêng, hoạt động định kỳ, thì liệu tính chuyên nghiệp của họ có đảm bảo không?
Nói về điều này, NSND Mỹ Uyên chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng nên tạo cơ hội cho tất cả, đơn vị nào dàn dựng kém sẽ bị loại, không thể qua vòng xét tuyển, chứ không cần chú trọng việc có sân khấu hoặc không. Theo tôi, bình thường anh em nghệ sĩ ai cũng tất bật chạy show, ít có thời gian để xem đồng nghiệp diễn, vì lúc sân khấu bạn sáng đèn thì sân khấu mình cũng sáng đèn. Nếu liên hoan tổ chức ở tỉnh xa, để tiết kiệm chi phí, các đơn vị TP.HCM tranh thủ ra thi xong thì về liền. Còn tổ chức tại thành phố nhà, thì quá dễ dàng để đến xem tài các đồng nghiệp. Đây là cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm hữu hiệu".
Theo dự kiến ban đầu, mỗi đơn vị chỉ được tham dự một vở kịch, thế nhưng nhiều sân khấu đã đề xuất được nâng lên 2 - 3 vở. Nếu ý kiến này được thông qua, có thể số lượng tác phẩm dự thi sẽ khá lớn.
NSND Trịnh Kim Chi chia sẻ: "Nếu liên hoan cho phép mỗi đơn vị tham gia 2 - 3 vở, chúng tôi sẽ gửi thêm vở Vịt chạy đồng, với nội dung ngợi khen, trân trọng nhân nghĩa ở đời của những người dân miền quê chân chất. Đây là vở kịch tốt nghiệp của các bạn sinh viên, nhưng có chất lượng nghệ thuật cao. Các sinh viên góp mặt trong vở thực ra đã tham gia các sân khấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi chờ xem tiêu chuẩn diễn viên tham gia thế nào. Chúng tôi rất mong muốn có cơ hội để thể hiện nhiều hơn".
Nếu liên hoan kỳ này thành công, TP.HCM sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm.
Nhiều vở diễn đã sẵn sàng
Ngay sau khi có buổi họp công bố liên hoan, nhiều đơn vị công bố kế hoạch tham dự. Trong phạm vi bài viết, xin nêu ra vài đơn vị tiêu biểu. Nhà hát Thanh niên thuộc Công ty Thái Dương gửi đến liên hoan vở Đại minh tinh (kịch bản: Nguyễn Duy Xăng - Nguyễn Hiếu Nghĩa - Đỗ Long Duy, đạo diễn: Hồng Ngọc), với sự tham gia của dàn diễn viên giàu kinh nghiệm như NSƯT Tú Sương, Khương Ngọc, Hải Triều cùng các diễn viên trẻ Long Chun, Lê Nghĩa, Huỳnh Thi, Tuấn Tú... Đây là vở diễn hướng tới đối tượng khán giả trẻ, nội dung nói về những cuộc chiến đằng sau hậu trường giữa các nghệ sĩ.
Một chất trẻ lâu năm và rất thành công là Sân khấu Thế giới trẻ sẽ dự thi với Ông già trong đoàn lô tô (kịch bản và đạo diễn: Bùi Quốc Bảo). Đây là kịch bản được phóng tác từ truyện ngắn Cải ơi của Nguyễn Ngọc Tư. Các diễn viên gồm những cái tên được khán giả trẻ yêu thích như Khả Như, Quang Tuấn, Phương Lan, Hoàng Phi, Hồng Trang, Quỳnh Quý…
Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần dựng vở rất sát tiêu chí của liên quan là Đồng chí (kịch bản: Lê Thu Hạnh, đạo diễn: Trần Ngọc Giàu). Vở diễn có sự tham gia của các gương mặt quen thuộc như Quốc Thịnh, Chánh Trực, Trung Hiếu...
Sân khấu Trịnh Kim Chi cũng sẽ tham dự vở rất sát với chủ đề tư tưởng của liên hoan, đó là Khát vọng ngày mai (kịch bản: Trần Văn Hưng, đạo diễn: NSND Trần Minh Ngọc). Vở diễn này kể về khát vọng và hành trình của những con người muốn phát triển tuyến metro thành phố nối liền metro quốc gia. Công trình này chính là chỉ dấu cho sự phát triển của thành phố đầy năng động. Vở diễn có sự góp mặt của NSND Trịnh Kim Chi, Trung Dũng, Đào Vân Anh, Phương Bình, Nam Cường…
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất