28/05/2024 16:54 GMT+7 | Văn hoá
Với tinh thần "không bỏ sót tác phẩm chất lượng", ca khúc Trăng ơi… từ đâu đến? của tác giả Thái Chí Thanh đã được Hội đồng giám khảo chọn vào Vòng chung khảo của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024 cùng với Top 10 tác phẩm do Ban sơ khảo trình lên.
Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với tác giả Thái Chí Thanh trước thềm Lễ trao giải Dế Mèn (sẽ diễn ra từ 14h thứ Tư, ngày 29/5 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Khai thác chất liệu dân ca Bắc Bộ
* Trước hết, xin ông cho biết ca khúc "Trăng ơi… từ đâu đến?" (phổ thơ Trần Đăng Khoa) được ra đời như thế nào?
- Trăng ơi… từ đâu đến? của nhà thơ Trần Đăng Khoa là bài thơ mà tôi rất yêu thích. Tôi thuộc lòng bài thơ này ngay từ hồi nhỏ, nó "ăn sâu" trong tôi từ những năm tháng tuổi thơ. Thêm nữa, bài thơ có sự đồng điệu với tâm hồn tôi bằng những câu thơ được viết rất hồn nhiên, trong sáng, và rất trẻ thơ.
Đến khi học nhạc, rồi sáng tác, với sự đồng điệu sẵn có tôi bắt đầu phổ nhạc cho bài thơ này. Ca khúc được viết khá lâu, cách đây đã khoảng 7 - 8 năm. Thế nhưng tôi vẫn cảm thấy phần nhạc mình viết vẫn còn thiếu một thứ gì đó, chưa đạt được tinh thần mà mình mong muốn.
Thành thử tôi phải chờ mãi cho đến gần đây để tiếp tục hoàn chỉnh phần giai điệu cho ca khúc và thêm một đoạn lời "Trăng trăng trăng trăng ơi… Trăng từ đâu từ đâu? Trăng trăng trăng trăng ơi… Trăng từ đâu… từ đâu…". Những thay đổi này mang đến nhịp điệu khác lạ, mới mẻ cho ca khúc. Sau đó, bản nhạc được gửi đến Đài Tiếng nói Việt Nam để dàn dựng.
* Đã có khá nhiều nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ này của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Vậy điều gì khiến ca khúc của ông khác với những phiên bản từng có?
- Tôi từng nghe ca khúc Trăng ơi, từ đâu đến? do nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc. Đây là ca khúc đã nổi tiếng với nhiều thế hệ thiếu nhi và tôi cũng rất thích phiên bản này.
Nhưng mỗi ca khúc phải có một giọng riêng. Với bài thơ nổi tiếng như Trăng ơi… từ đâu đến?của Trần Đăng Khoa, thì sáng tác nhạc cho nó là một thách thức lớn đối với những nhạc sĩ. Ca khúc của tôi được viết chỉ đơn giản xuất phát từ tình yêu với bài thơ. Nếu thành công thì tốt, còn nếu không mình sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm.
Với phiên bản của mình, tôi khai thác chất liệu dân ca Bắc Bộ để đưa vào phần giai điệu, làm nổi bật sự hồn nhiên, trong sáng của lời thơ. Đặc biệt, đoạn giai điệu viết thêm (vốn không có trong lời thơ của Trần Đăng Khoa) gắn với mong muốn: Ca khúc được cất lên mang lại cảm giác của tiếng gọi trăng như trong thơ Hàn Mặc Tử. Đoạn nhạc và lời này cũng khiến nhịp điệu của ca khúc có sự thay đổi, mang đến không khí vừa sống động, vừa mới mẻ.
"Tôi nhận thấy, giữa nhạc và văn cho thiếu nhi có những nét tương đồng về cảm xúc, như một chất men nên dễ "bắt" sang nhau" - nhà văn, nhạc sĩ Thái Chí Thanh.
"Chất men" giữa nhạc và văn
* Năm 2021, ông cũng từng xuất bản tuyển tập ca khúc thiếu nhi "Hạt sương ban mai". Trong khi đó, lâu nay, ông vẫn được biết đến là nhà văn của thiếu nhi với nhiều tác phẩm để lại dấu ấn (Nhà văn Thái Chí Thanh hiện là Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam). Hẳn phải có lý do đặc biệt để ông sáng tác nhạc, viết ca khúc cho thiếu nhi?
- Trước hết phải kể về một nhân duyên. Cách đây gần chục năm, trong một dịp tình cờ, tôi được mời đi cùng nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đến dự một cuộc phát động sáng tác ca khúc của huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Khi ấy, tôi có dịp gặp gỡ nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Nguyễn Trọng Tạo, Trọng Đài, Nguyễn Cường, Giáng Son… Không khí âm nhạc như thế đã khơi gợi và để lại trong tôi nhiều cảm hứng và tôi bắt đầu "làm liều" sáng tác những ca khúc đầu tiên.
Trước đó, tôi có nhiều năm viết văn cho thiếu nhi. Tôi nhận thấy, giữa nhạc và văn cho thiếu nhi có những nét tương đồng về cảm xúc, như một chất men nên dễ "bắt" sang nhau. Thế nhưng, nhạc khác với văn ở chỗ đòi hỏi người sáng tác phải có kiến thức về nhạc lý, về kiến thức, kỹ thuật sáng tác.
Những đòi hỏi này tương đối cầu kỳ, người muốn sáng tác phải học từ 6 - 7 năm mới đủ điều kiện để viết nhạc. Trong khi, tôi là người ngoại đạo, để sáng tác cần phải học thêm về kiến thức âm nhạc. Tôi có may mắn được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha dành một thời gian dài dạy nhạc lý, để tôi có thể viết nhạc chắc hơn, chuẩn hơn thay vì chỉ viết bằng cảm xúc mà không có kiến thức âm nhạc.
* Mặc dù bắt đầu sáng tác ca khúc thiếu nhi khá muộn nhưng hẳn "gia tài" âm nhạc của ông cũng có nhiều tác phẩm đáng kể?
- Tạng của tôi là các mảng sáng tác cho thiếu nhi, văn hay nhạc cũng vậy, nên tôi sáng tác ca khúc cho thiếu nhi là chủ yếu. Đến nay, tôi có khoảng 20 ca khúc được Đài Tiếng nói Việt Nam đưa vào các chương trình sản xuất và phát trên sóng. Năm 2021, tôi có ca khúc Hạt sương ban mai được tuyển vào sách 80 ca khúc thiếu nhi (NXB Thanh niên) nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (1941 - 2021). Và, một số ca khúc thiếu nhi khác của tôi đã được một số trường học giảng dạy cho các em thiếu nhi.
Để những ca khúc từ khi sáng tác đến được với công chúng là một hành trình dài, đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau. Từ những nhân duyên với âm nhạc, tôi sáng tác trước hết để tìm niềm vui, và quan trọng hơn hết là muốn gửi gắm tình yêu với trẻ thơ mà không đặt quá nhiều những kỳ vọng. Với tất cả các sáng tác ca khúc của mình, tôi luôn làm hết lòng, hết mình.
* Vậy, nhìn tổng thể từ kinh nghiệm của mình, ông thấy việc sáng tác cho thiếu nhi cần nhất điều gì?
- Để sáng tác cho thiếu nhi, trước hết người nghệ sĩ phải trẻ trung với một tâm hồn luôn dạt dào cuộc sống của trẻ thơ. Có nhiều tác giả viết cho người lớn rất hay nhưng sáng tác cho thiếu nhi lại không thành công bởi nhiều lý do khác nhau như tâm hồn khô cứng, mang nặng tư duy của người lớn, hoặc ngại tiếp xúc với con trẻ…
Người sáng tác cho thiếu nhi phải có một cuộc sống hòa đồng với trẻ em, đôi khi cần có cả sự ngây thơ, hồn nhiên trong cảm xúc, tư duy và cách sống. Tất cả phải là sản phẩm tự nhiên trong tâm hồn của người sáng tác thay vì bắt chước đời sống của thiếu nhi một cách gượng ép, thô cứng.
Hơn nữa, đó còn là vốn sống. Ai cũng có một tuổi thơ, năm tháng đi qua, có người tiếp tục tích lũy thêm nhưng cũng có người làm mất đi chất tuổi thơ bên trong mình. Khi chất tuổi thơ mất đi sẽ rất khó trong sáng tác cho thiếu nhi.
Những động lực mới
* Được biết, ông cũng từng có một chùm ca khúc dự thi Dế Mèn ở các mùa giải trước. Chắc hẳn, ông dành một sự quan tâm đặc biệt cho giải Dế Mèn?
- Tôi luôn dành sự quan tâm đến giải thưởng qua từng năm. Đây là một giải thưởng có ý nghĩa đối với đời sống văn học nghệ thuật cho thiếu nhi và vì thiếu nhi, trong khi tôi cũng là một người sáng tác ở lĩnh vực này. Từ sự quan tâm của mình, tôi luôn mong muốn giải Dế Mèn càng ngày càng thành công qua mỗi năm tổ chức, để thúc đẩy phong trào sáng tác cho thiếu nhi diễn ra sôi nổi, và có chất lượng.
Ở mùa giải Dế Mèn 2 năm trước, tôi cũng từng dự thi bằng một chùm ca khúc thiếu nhi với một sự hào hứng và hy vọng nhưng chưa thành công. Đến mùa giải năm nay, việcTrăng ơi… từ đâu đến? được ghi nhận bởi Hội đồng giám khảo đã giúp tôi có thêm nhiều động lực để tiếp tục cố gắng hơn nữa trong sáng tác, để xứng đáng với niềm tin mà Hội đồng đã dành cho tôi.
* Rộng hơn, ông đánh giá thế nào về những tác động cụ thể của Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đối với đời sống sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi hiện nay?
- Tôi rất phấn khởi khi thấy hiện nay đời sống văn học nghệ thuật cho thiếu nhi đang có những khởi sắc, có những chuyển động mới, để có thể dần trở lại "thời hoàng kim" như trước đây. Những khởi sắc, chuyển động này có được một phần cũng nhờ hiệu ứng từ Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn, cùng với nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi khác của Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Kim Đồng... Các giải thưởng đã tạo ra một không khí sôi nổi trong sáng tác, góp phần vào sự phát triển chung của nền văn học nghệ thuật cho thiếu nhi.
Riêng với Dế Mèn, giải thưởng càng ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp và phát triển qua từng năm. Các Hiệp sĩ Dế Mèn liên tiếp được tìm ra và vinh danh, các hạng mục giải thưởng cũng dần hoàn thiện hơn với sự ghi nhận nhiều loại hình nghệ thuật cho thiếu nhi khác nhau. Những điều này sẽ có đóng góp tích cực để các tác phẩm văn học nghệ thuật cho thiếu nhi ngày một phong phú và chất lượng hơn.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Xúc động và bất ngờ
"Tôi rất vui và hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được đón nhận và được đánh giá bởi Hội đồng chung khảo Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ 5 - 2024. Trong sự xúc động ấy, tôi cũng hết sức bất ngờ, vì mình là nhạc sĩ nghiệp dư viết cho thiếu nhi nhưng có được vinh dự khi có tác phẩm được một giải thưởng uy tín ghi nhận đưa vào Vòng chung khảo".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất