Hương Thanh trở lại khác lạ

06/07/2015 11:54 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, tại Hội trường Charlie Chaplin của Đại học Hoa Sen (TP.HCM) đã diễn ra hội thảo giới thiệu những bộ sưu tập quý giá của nghệ thuật Việt Nam mà Bảo tàng Guimet (Pháp) đang lưu giữ. Điểm nhấn của chương trình là sự góp mặt của ca sĩ nổi tiếng Hương Thanh và nghệ sĩ guitar nổi tiếng người Anh, Jason Carter.

1. Bảo tàng Guimet (Pháp) là một trong những bảo tàng về nghệ thuật châu Á lớn nhất nằm ngoài châu Á với với khoảng 50.000 hiện vật. Ông Hubert Laot, Giám đốc nghệ thuật của Guimet, người có mặt trong buổi hội thảo hôm 4/7 cho biết đối với nhiều người, bảo tàng Guimet được xem là “con đường ngắn nhất để đến với châu Á”. Đến Việt Nam lần này Guimet giới thiệu về những bộ sưu tập quý giá của nghệ thuật Việt Nam mà bảo tàng đang lưu giữ. Thêm vào đó, ông Laot cũng bày tỏ được sưu tầm thêm những giá trị âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Năm 2013, trên sân khấu Bảo tàng quốc gia nghệ thuật châu Á Guimet tại Paris, nghệ thuật cải lương Việt Nam đã được tôn vinh và giới thiệu đến công chúng bản địa với sự có mặt của NSND Ngọc Giàu (bà được Guimet đánh giá là “báu vật sống quốc gia”), ca sỹ Hương Thanh, nhóm trống Trống Đồng… Ông Laot nhớ lại lần đó sân không còn đủ chỗ cho công chúng đến xem.


Ca sĩ Hương Thanh và nghệ sỹ Jason Carter tại buổi biểu diễn tại Đại học Hoa Sen

Lần này, tới Việt Nam, phía Guimet muốn đem đến một không gian khác khi âm nhạc truyền thống Việt Nam được thể hiện bằng ngôn ngữ khác, rộng hơn, là world music, với phần biểu diễn của nghệ sỹ Hương Thanh cùng nghệ sĩ guitar Jason Carter.

2. Đối với nhiều người, thì sự kết hợp giữa Hương Thanh, một giọng ca đặc trưng của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, và Jason Carter, một người nổi tiếng với lối chơi nghiêng về cổ điển pha với world music, là một bất ngờ. Nhưng thực ra họ đã kết hợp với nhau đã gần 5 năm và đã biểu diễn ở rất nhiều nơi trên thế giới.

Đây là lần thứ 2 trong 5 năm qua Hương Thanh trở về quê nhà biểu diễn. Lần trước là với nhóm Camkitiwa tại Nhạc viện TP.HCM năm 2011.

Trước đây, Hương Thanh xuất thân là một ca sĩ hát cổ nhạc nguyên thủy và đến năm 1995, sau khi gặp gỡ nhạc sĩ Nguyên Lê, người theo trường phái world music, thì âm nhạc của cô bắt đầu khác đi. Vẫn lối hát giữ nguyên vẹn niêm luật của dân ca được phối bằng những hơi thở hiện đại, Hương Thanh và Nguyên Lê đã đem âm nhạc cổ truyền Việt tới rất nhiều vùng đất khác nhau và được đón nhận nồng nhiệt.

Cô cho biết mọi sự không đơn giản như mọi người nghĩ. Đĩa nhạc đột phá đầu tiên của cô và Nguyên Lê, Tales from Vietnam, phải mất gần một năm mới hoàn thành khi cả hai phải cùng tìm hiểu và bổ sung cho nhau. Nguyên Lê dựa vào vốn âm nhạc truyền thống của Hương Thanh, còn chiều ngược lại, Hương Thanh cần bề dày hiện đại của Nguyên Lê. Họ bổ sung và đưa âm nhạc của nhau lên cao.

Và điều này lại lặp lại khi Hương Thanh kết hợp cùng Jason Carter.

Trong buổi trình diễn tại đại học Hoa Sen, có thể thấy cách tiếp cận âm nhạc Việt Nam của Jason Carter khác hẳn Nguyên Lê khi ông chỉ chơi mộc bằng cây đàn guitar harp 2 cần. Nhưng ông giải mã những thông điệp của nhạc Việt bằng những ngón đàn khá lạ, ngẫu hứng, đậm lối réo rắt chơi theo kiểu dân ca Anh. Nó khác với phần phối của Nguyễn Lê vốn dày điện tử. Nhưng dù ở góc độ nào, tiếng hát Hương Thanh vẫn được bay cao.

Cả 7 bài hát như Bèo dạt mây trôi, Dạ cổ hoài lang, Đên tàn bến Ngự, Ru con đào liễu, Vào chùa... được hát bằng hơi thở của world music. Ở đó, Hương Thanh một lần nữa chinh phục người nghe bằng chất giọng ngọt ngào, điêu luyện và đầy tinh tế.

Chỉ có chiếc vỏ bên ngoài là khác lạ. Hỏi Hương Thanh rằng, chị có cho rằng nhạc truyền thống Việt Nam được khoác thêm chiếc áo hiện đại bên ngoài sẽ làm những người lớn khó chịu khi nó không như nguyên thủy cho dù giới trẻ dễ tiếp cận hơn? Hương Thanh trả lời: “thế hệ lớn tuổi nếu thật sự không thích là do họ nghe chưa đủ. Tôi tin chắc nếu như họ vẫn nghe thường xuyên những bài dân ca được làm mới của Nguyên Lê thì một lúc nào đó họ sẽ vẫn thấy giá trị của nhạc truyền thống vẫn được giữ gìn một cách có sáng tạo”.

Nhiều người từng rất thích bài Chiếc khăn piêu được Tùng Dương phối mới bằng nhạc điện tử và xem đó là cách giữ gìn lại những giá trị bản sắc cũ. Ít ai biết rằng, ca khúc này đã được Hương Thanh cùng Nguyên Lê khoác cho nó chiếc áo điện tử cách đây gần 15 năm.

Buổi hội thảo hòa nhạc này sẽ còn diễn ra vào ngày thứ Ba 7/7, lúc 20h, tại L’Espace (Hà Nội).

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm