09/11/2018 16:51 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá “phủi” với HPL là tiêu biểu, bây giờ như một thực thể bóng đá rất sinh động, khi hình thành được cả cộng đồng rộng lớn, tạo ra sức ảnh hưởng, có sức lan tỏa sâu rộng đến đời sống của người chơi, người xem. Và câu chuyện phía sau thành công của sân chơi phong trào này, đặt cạnh thực trạng của đời sống bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, có những điều đáng để suy nghĩ và thậm chí có thể coi là bài học…
Sự khác biệt từ một giải phủi
Khán giả ngồi chật khán đài, tràn xuống đứng bám quanh sân từ 2h chiều đến tận 7h tối vẫn đông kín. Hình ảnh đó quá quen thuộc mấy năm nay và trở thành ước mơ của các giải đấu ở Việt Nam, kể cả bóng đá chuyên nghiệp. Nhiều khán giả từ các tỉnh, cuối tuần lại lên xe về Hà Nội xem bóng đá chỉ vì thích được hòa mình vào trong bầu không khí đậm đặc chất bóng đá.
Vinh ra có Văn Minh, từ Lào Cai xuống có Du Lịch và Tuấn Sơn của Hà Giang, họ đi về hơn 300km cuối mỗi tuần để chơi bóng. Hàng tuần, Capdervillar và Đạt “bo” bay ra khoác áo Văn Minh, còn các cựu tuyển thủ futsal Phước Anh, Trọng Luân từ TP.HCM và Đinh Tiến Hà, Nguyễn Hoàng Quốc Chí từ Khánh Hòa bay ra Hà Nội khoác áo Ocean Hanel, hoặc những cầu thủ của Lâm Đồng, TP.HCM ra chơi cùng Gia Việt…
Quy tụ gần như hết cầu thủ phong trào sao số nhất ở khu vực phía Bắc và cả dân chuyên nghiệp, HPL có sức hút lớn với người chơi bóng. Nói như nhiều cầu thủ khi đến mùa HPL thì “cả tuần chỉ mong ngóng đến ngày Chủ nhật” và “chờ như trẻ con chờ đến Tết” và nói như quan điểm của ông bầu, đội trưởng Tuấn Sơn là “sàn diễn lớn và vào sân là trình diễn cho thỏa sung sướng…”.
Người chơi hào hứng và hết mình, các đội bóng được đầu tư lớn, tổ chức bài bản và nhiều ông bầu dám bỏ tiền tỷ ra để chơi. Đội bóng đang dẫn đầu bảng là EOC mà Thành Lương, cầu thủ có 4 Quả bóng vàng Việt Nam đầu quân, tính trung bình mỗi năm mất khoảng trên dưới 1 tỷ.
Với những đội bóng quy tụ nhiều gương mặt đình đám để xây dựng đội như Tuấn Sơn hay Mobi chơi hạng Nhất, chi phí nuôi đội bóng còn cao hơn nhiều. Và tính trung bình, 4-5 tháng chơi giải thì một đội bóng đá HPL phải mất từ 3-500 triệu đồng. Họ chơi và không tiếc tiền.
Cầu thủ “phủi” chơi tốt, có thương hiệu được chào mời săn đón, có nhiều lựa chọn công việc tốt, được nhận lương để luyện tập, thi đấu và ký hợp đồng có “lót tay”. Chơi phong trào nhưng được có vị thế như những ngôi sao, với tất cả tự hào.
Biển quảng cáo chạy quanh sân, có các nhãn hàng, thương hiệu trong vào ngoài nước đồng hành, tài trợ. Các trận đấu được tường thuật trực tiếp trên truyền hình và giải đấu được các đơn vị truyền thông lựa chọn để đầu tư để đồng sở hữu bản quyền, thương quyền… Nếu như ở Hà Nội, VTVcab đầu tư sản xuất, phát trực tiếp các trận đấu và xuất hiện trên kênh BongdaTV thì ở TP.HCM, SPL (Giải bóng đá Ngoại hạng Sài Gòn mùa thứ nhất) được Truyền hình FPT phát sóng.
Hào nhoáng và lung linh, nếu nhìn vào giải “phủi” đang là một điển hình cho việc xã hội hóa bóng đá, do một đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức với các thành viên có chung đam mê. Nhưng không phải tất cả đều màu hồng và phía sau thành công của HPL là cả vấn đề, khi “cái gì cũng có giá của nó…”.
Giá trị và những bài học từ bóng đá
“Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng”. Slogan ngày đầu HPL ra đời, 6 năm qua là tiêu chí xuyên suốt mà giải đấu theo đuổi. Từ BTC với công tác tổ chức, điều hành và xử lý mọi vấn đề, từ trọng tài đến người chơi bóng, khán giả đều quán triệt tiêu chí “có ý thức” để tất cả đều được làm, được chơi và “tận hưởng” bóng đá.
Nói thì dễ nhưng để làm được điều này thì quá khó, khi bóng đá với những đặc thù của môn thể thao Vua thì ở đâu trên thế giới cũng tồn tại nhiều vấn đề, nhiều chuyện, chưa nói đến bóng đá “phủi” mà bản chất thì việc hình thành, tồn tại hay giải tán đều có thể xảy ra, do bất kỳ lý do gì bên cạnh việc chơi chỉ ràng buộc với nhau bằng cam kết và sợi dây đam mê.
“Cho đi thì sẽ được nhận lại. Phải chấp nhận thiệt thòi và cả hy sinh, cứ làm trước và cố gắng làm tốt thì cái gì đến cũng sẽ đến…”. TGĐ kiêm Trưởng BTC hệ thống giải HPL, Phạm Ngọc Tuấn chia sẻ khi nói về những trở ngại, khó khăn.
“Năm đầu tiên, chúng tôi tự bỏ tiền túi và học từ cái nhỏ nhất, trực tiếp làm tất cả, từ việc kê dọn bàn ghế, biển quảng cáo đến bê nước cho các đội. Sau 2 năm Bia Hà Nội tài trợ, Bia Sài Gòn tìm đến để đồng hành, với mong muốn chung tay đưa giải đấu lên một tầm cao mới như khả năng phát triển.
3 năm tài trợ, do thay đổi về định hướng nên thương hiệu này không tiếp tục và năm 2018 này dù không có nhà tài trợ chính, Vietfootball vẫn làm như lời hứa. Ngoài giải Ngoại hạng HPL và hạng Nhất có 24 đội, chúng tôi vẫn tổ chức giải hạng Nhì với 15 đội.
Ở TP.HCM, không cần nhà tài trợ chính nhưng SPL vẫn ra đời như lời hứa với các đội, người chơi từ 1 năm trước, với tinh thần y hệt như HPL ngày đầu là phải dám nghĩ, dám làm và cứ đi rồi sẽ thành đường.
Chúng tôi tôn trọng các nguyên tắc mang tính bản chất của bóng đá và luôn cố gắng cao nhất đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Bóng đá là sân khấu 4 mặt, tất cả sẽ nhìn vào nên nếu không công minh thì không thể nhận được sự chia sẻ, ủng hộ từ khán giả, người chơi”.
“Có thể sai, có thể thất bại nhưng chỉ cần làm vì bóng đá và sự phát triển, bạn sẽ nhận được sự ủng hộ để tiến lên. Bài học từ chính HPL, chúng tôi vẫn đang học để vượt qua những thách thức còn ở phía trước”, người đồng sáng lập và phát triển Vietfootball chia sẻ.
Giải phong trào Ngoại hạng Hà Nội HPL năm nay bước sang năm thứ 6, với những bước phát triển mới và sự khẳng định đáng ngạc nhiên. Ở tuổi lên 6, hệ thống giải hình thành 3 hạng đấu, với giải hạng Nhất HL1-S3 bước sang mùa giải thứ 3 trong khi năm 2018 này giải hạng Nhì HL1-S1 xuất hiện. Và đặc biệt từ hiệu ứng HPL, lần đầu tiên một sân chơi Ngoại hạng với thể thức thi đấu sân 7 được tổ chức ở TP.HCM mang tên SPL, với số lượng đăng ký kỷ lục và các đội bóng tham dự đua nhau tạo thành một trào lưu tuyển quân, chọn người và đầu tư lớn, chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. |
Q.L
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất