16/05/2022 07:04 GMT+7 | SEA Games 32
Nam kình ngư sinh năm 2001 Phạm Thanh Bảo là điểm sáng của đội tuyển bơi Việt Nam trong ngày thi đấu hôm 14/5, bằng tấm HCV nội dung 100m ếch sở trường. Phải mất 13 năm sau thời cố kình ngư Nguyễn Hữu Việt lập kỷ lục nội dung này ở SEA Games 2009, Việt Nam mới có VĐV tiếp nối.
Chàng trai gốc Bến Tre năm nay 21 tuổi đã nổi lên từ 3 năm trước ở SEA Games 2019. Ở Philippines năm đó, Thanh Bảo có cú đúp HCB đại hội khu vực vì thua kém những VĐV của Singapore. Ban huấn luyện đội tuyển bơi quốc gia đánh giá Thanh Bảo còn khá non để chịu đựng những sức ép tâm lý, cộng thêm đối thủ quá mạnh.
Nhưng kình ngư miền Tây đã không hề bỏ cuộc. Thời gian đã trui rèn một Thanh Bảo cứng cáp, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, HLV Phan Quang Minh Quân cho biết chuyến tập huấn ở Hungary trước thềm giải đấu trên sân nhà đã giúp Thanh Bảo tự tin hơn rất nhiều.
Ở nội dung 100m ếch sở trường tối 14/5 tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, Thanh Bảo đã chứng minh mình có thể vươn tới những tầm cao mới. Kình ngư người Bến Tre đã khiến người hâm mộ bất ngờ khi đánh bại đối thủ rất mạnh của Singapore vốn sở trường ở nội dung ếch này là Wei Ang.
Không những thế, thành tích 1 phút 01 giây 17 mà Phạm Thanh Bảo giành HCV chính là kỷ lục SEA Games mới. Kình ngư gốc Bến Tre đã xô đổ kỷ lục mà cố đàn anh Nguyễn Hữu Việt làm được tại SEA Games 2009 (1 phút 01 giây 60).
Kình ngư sinh năm 2001 chia sẻ sau chiến thắng: “Tôi rất vui với kết quả này. Xin cảm ơn mọi người đã ủng hộ. Tôi đã làm được và tôi bất ngờ, không ngờ tới sẽ có thành công này. Tôi không biết nói gì, chỉ biết sẽ cố gắng để nỗ lực hơn nữa”.
Thanh Bảo cũng nói về lý do rất giản dị để đến với thể thao. Anh nói: “Tôi vì mình và gia đình của em trước tiên. Tôi mong cuộc sống sau này sẽ khỏe hơn hiện tại”.
Được biết, Thanh Bảo sinh ra trong gia đình rất nghèo ở con hẻm nhỏ thuộc phường 5, thành phố Bến Tre. Tuổi thơ của chàng trai sinh năm 2001 là chứng kiến ba, mẹ trải qua những tháng ngày khốn khó. Họ phải đi làm thuê, bẻ dừa, chở dừa để trang trải từng bữa ăn qua ngày. Thanh Bảo quá thấm thía những khó khăn của gia đình và quyết tâm phải tìm công việc để sớm giúp đỡ được ba, mẹ.
Nhờ có tố chất và thể hình vượt trội so với chúng bạn nên Thanh Bảo được hướng theo thể thao từ năm học tiểu học. VĐV sinh năm 2001 sau đó được Trung tâm HLTTQG Cần Thơ nhận về đầu quân năm 2012. Năm 2015, Thanh Bảo bắt đầu ghi dấu ấn tại giải bơi trẻ khu vực và chỉ 1 năm sau đã xuất sắc giành 2 HCV nội dung 100m ếch và 200m ếch ở giải bơi toàn quốc, thiết lập kỷ lục quốc gia mới của lứa tuổi.
Đó là những bệ phóng để Thanh Bảo đến với SEA Games 29, và giành tấm HCĐ lịch sử cho bơi Việt Nam ở nội dung tiếp sức 4x100m hỗn hợp nam. Tại SEA Games 30, Thanh Bảo đã có liền 2 HCB ở nội dung 100m ếch và 200 mét ếch nam sở trường.
Tại SEA Games 31, Thanh Bảo đã làm được điều mà nhiều người không ngờ tới. Với anh ngoài niềm vui chiến thắng còn là giúp gia đình thoát nghèo. Số tiền thưởng từ tấm HCV SEA Games 31 sắp tới có thể là một khoản lớn để chàng trai gốc Bến Tre có thể dành tặng ba, mẹ mình. “Trước mắt tôi rất vui khi đứng trên bục số 1. Tôi còn một nội dung 200m ếch nữa. Khi tập chuẩn bị cho SEA Games 31, tôi luôn suy nghĩ mình phải nỗ lực thật nhiều vì năm nay được thi đấu trên sân nhà”, Thanh Bảo nói thêm.
Tính đến tối 15/5, đội tuyển bơi Việt Nam đã có 4 HCV của: Trần Hưng Nguyên (400m hỗn hợp nam); Nguyễn Huy Hoàng (1.500m nam); Phạm Thanh Bảo (100m ếch nam) và Tiếp sức 4x400m hỗn hợp nam. Khá thú vị khi em trai của kình ngư Ánh Viên là Nguyễn Quang Thuấn lần đầu dự SEA Games cũng đã mang về tấm HCB nội dung 400m hỗn hợp cá nhân. Theo tính toán của Ban huấn luyện, với chỉ tiêu 6-8 HCV SEA Games 31, đội tuyển bơi Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu trong 3 ngày thi đấu cuối cùng tới đây với những nội dung sở trường của Hưng Nguyên và Thanh Bảo cũng như bất ngờ từ các cái tên khác. Riêng về tấm HCV đầy bất ngờ ở nội dung tiếp sức 4x400m hỗn hợp nam xuất phát từ sự cố các VĐV của Singapore và Malaysia phạm quy, HLV trưởng đội tuyển bơi Việt Nam, ông Phan Quang Minh Quân cho biết: “Đó là bất ngờ lớn vì cự ly tiếp sức thì chúng tôi không mạnh bằng các VĐV Singapore. Nhưng họ đã phạm quy với 2 VĐV xuất phát trước và Malaysia cũng vậy. Đây là quyết định cực kỳ khó khăn, nhạy cảm trong thể thao. Nhưng nó là do máy bắt chứ không phải người bắt nên nó rất công minh. Đây cũng là thành tích lịch sử vì bơi Việt Nam chưa bao giờ vô địch nội dung tiếp sức nam cả. Nó cũng là điều phản ánh thành quả của đội tuyển bơi Việt Nam khi các thành viên đã nỗ lực rất nhiều qua những năm tháng tập luyện để có ngày hôm nay". |
Việt Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất