Sự “mất dân chủ” của Giọng hát Việt

13/11/2012 07:34 GMT+7 | Truyền hình thực tế


(TT&VH) - Tối Chủ nhật 11/11 vừa qua, sau đêm live show Giọng hát Việt, cư dân mạng lại dậy sóng trước quyết định chọn Đào Bá Lộc và loại Thái Trinh của huấn luyện viên Hồ Ngọc Hà.

Trước đây, trong đêm công bố kết quả vào 30/9 Trần Lập cũng bị “ném đá” tơi bời khi chọn Bảo Anh, trong lúc khán giả cho rằng Bảo Anh trình diễn không hiệu quả bằng Huỳnh Anh Tuấn và Thảo Nguyên.

Lần này cư dân mạng càng sôi sục khi Thu Minh phát biểu ngay khi còn ngồi trên ghế huấn luyện viên cùng Hồ Ngọc Hà: “Xin lỗi Hồ Ngọc Hà, chị rất thất vọng về quyết định của em”. Còn Đàm Vĩnh Hưng thì có một chút bất bình: “Em mặc kệ chị ấy đi, chơi với anh đây nè”.

Trong nhiều chương trình giải trí do khán giả bình chọn, một thí sinh mà so về chuyên môn có thể không bằng thí sinh khác cùng cuộc thi, nhưng vẫn được chọn, bởi lẽ khán giả chọn theo tiêu chí là họ “yêu thích”.

Thái Trinh, thí sinh không được Hồ Ngọc Hà chọn

Tuy nhiên, ở cương vị một giám khảo hoặc một huấn luyện viên, tiêu chí đặt ra với họ không phải là “yêu thích” mà là chuyên môn.

Việc loại Thái Trinh và chọn Đào Bá Lộc, Hồ Ngọc Hà cũng chưa thuyết phục được ngay cả những huấn luyện viên bạn như Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng.

Vấn đề đặt ra là nếu việc quyết định thí sinh được dựa trên một tập thể ban giám khảo hoặc huấn luyện viên, số phận của Bảo Anh và Đào Bá Lộc trong những trường hợp như đã nêu trên có thể sẽ khác. Tập thể sẽ có nhìn nhận chính xác hơn là một cá nhân.

Nhưng với chương trình Giọng hát Việt, huấn luyện viên toàn quyền quyết định số phận của những thí sinh đội mình. Có thể thấy, họ là người có quyền duy nhất để chọn lọc “chiến binh” nhằm “đấu” với thí sinh của đội khác. Nếu họ không sáng suốt để giữ lại những thí sinh có chất lượng tốt thì thiệt thòi đó họ sẽ gánh chịu. Tuy nhiên, đến với một cuộc thi, thí sinh bao giờ muốn có sự công bằng, hát hay thì phải hơn người hát không hay. Giám khảo hay huấn luyện viên cũng là con người, cũng có lúc nhận định nhầm lẫn, sai lầm. Tuy nhiên, một cơ chế tập thể quyết định thì có thể hạn chế những sai lầm cá nhân, đó cũng là điều bảo đảm cho yếu tố “dân chủ”. Nhưng việc một huấn luyện viên quyết định sự lựa chọn thí sinh là quy định theo kịch bản của Giọng hát Việt.

Thật ra trong trường hợp của Thái Trinh và Đào Bá Lộc, chọn ai cũng không quá quan trọng, bởi chọn người nào họ cũng có thể chỉ “qua một con trăng” như trường hợp Bảo Anh trước đây. Đào Bá Lộc hay Thái Trinh rất khó cạnh tranh với Bùi Anh Tuấn, Đinh Thị Thanh Hương và Tiêu Châu Như Quỳnh ở live show kế tiếp. Nhưng khán giả thì luôn luôn muốn có sự công bằng.

Có thể nói, nếu tính cả bài thi lẫn bài hát sing-off, Thái Trinh thể hiện tốt hơn Đào Bá Lộc. Nhưng giọng hát của Thái Trinh gần như hoàn thiện đối với “tiềm năng” mà Thái Trinh có được. Còn giọng hát của Đào Bá Lộc như một tiềm năng khá lớn chưa được khai thác hết, nếu khai thác tốt, sự tiến bộ từng ngày có thể giúp Đào Bá Lộc tiến xa hơn so với hiện nay. Nên chọn Đào Bá Lộc cũng có cái lý của nó. Nếu giải thích như vậy, chắc rằng Hồ Ngọc Hà có thể dễ nhận được sự đồng cảm của khán giả hơn.

Hải Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm