Kình ngư khuyết tật Võ Thanh Tùng: Đời chưa từng đẹp đến thế

16/02/2015 16:12 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Giành 5 HCV Asian Paragames rồi có căn nhà mới khang trang để đón về người vợ xinh đẹp, “cuộc đời chưa từng đẹp đến thế” là xúc cảm của Thanh Tùng khi nói về mình lúc này.

 Không như những chúng bạn bình thường khác, từ khi chưa ý thức được cuộc đời, năm lên 2 tuổi, Tùng đã bị một cơn sốt khiến anh teo cả 2 chân. Làm quen với chiếc xe lăn, cuộc sống nương tựa nơi gia đình từ khi đó, nhưng Tùng không muốn trở thành một gánh nặng của cha mẹ, một người thừa của xã hội. Tùng hòa đồng, cùng học tập, vui chơi và trưởng thành như bao bạn bè khác.

Nghị lực lớn

Không những thế, niềm đam mê sông nước vô tình đưa Tùng đến một bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Vì bơi giỏi, thậm chí giỏi hơn nhiều bạn bè bình thường, Thanh Tùng được động viên tham dự các cuộc thi được tổ chức cho người khuyết tật.



Thanh Tùng giành 5 HCV ASIAN Para Games 2014

Tùng nhớ như in năm 2005, khi lần đầu dự Đại hội thể thao người khuyết tật toàn quốc, chàng trai 20 tuổi thu hoạch đến 3 tấm HCV. Bước đệm đó khiến Thanh Tùng mạnh dạn đeo đuổi sự nghiệp đỉnh cao, vừa cắm cúi sửa những chiếc điện thoại hỏng khi rảnh rỗi. Với tấm bằng cử nhân Đại học Cần Thơ chuyên ngành Điện tử viễn thông, Thanh Tùng thực sự là tấm gương sáng đáng tự hào của người dân thủ phủ Tây Đô.

Từ lúc bước chân theo sự nghiệp bơi đỉnh cao, Thanh Tùng đã gặt hái được vô số thành công cho đơn vị chủ quản TP.HCM. Người ta nhớ đến Tùng nhiều hơn vào năm 2010, khi Thanh Tùng đem về tấm HCV đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại ASIAN Para Games 1 tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc).

Và đến kỳ Đại hội thứ 2 năm 2014, tên tuổi của Võ Thanh Tùng càng lẫy lừng hơn khi chinh phục thành tích lịch sử 5 HCV cho thể thao Việt Nam. Vượt qua hàng ngàn VĐV đến từ khắp châu lục, Võ Thanh Tùng được bầu chọn là VĐV xuất sắc nhất ASIAN Para Games 2, thành tích mà giới chuyên môn dự đoán sẽ khó có lần thứ 2.

Trong căn hẻm nhỏ đường Lê Hồng Phong, không ai không biết đến chàng trai Võ Thanh Tùng. Ba mẹ Tùng chưa bao giờ thôi tự hào về cậu con trai duy nhất trong gia đình. Chỉ việc ngồi nhà nghe con thi đấu nước ngoài đạt vô số thành tích, hàng xóm lũ lượt ra vào chúc tụng khiến ông bà vui mừng hơn bắt được vàng.  

Một cuộc sống tươi đẹp

Cột mốc chói sáng 5 HCV tại ASIAN Para Games 2 không chỉ đưa cái tên Thanh Tùng trở thành một niềm tự hào lớn của thể thao Việt Nam, nó còn giúp Tùng hoàn thành được những dự định mà anh đã ấp ủ bấy lâu nay. Với tổng cộng 750 triệu đồng tiền thưởng (đã nhận hơn 1 nửa từ Tổng cục TDTT và còn chờ tiền thưởng từ đơn vị chủ quản TP.HCM), Thanh Tùng đã có thể cho phép mình hưởng thụ một cuộc sống sung túc hơn.



Thanh Tùng trong bộ ảnh cưới với Trúc Phương

Từ khi theo nghiệp VĐV, Thanh Tùng đã tích lũy được số tiền thưởng khá khá để mua căn nhà trị giá 280 triệu đồng trong đường hẻm Lê Hồng Phong (TP.Cần Thơ), cùng hẻm với gia đình cha mẹ.

Tùng tâm sự: “Căn nhà 70m2 tôi mua được giá rẻ hơn nhiều so với giá thị trường vì chủ nhà thương cảm hoàn cảnh của tôi. Căn nhà được mua bằng tiền tích góp nhờ thể thao của mình làm ra nên nó là tài sản mà tôi rất tự hào”.

Ngay khi nhận được tiền thưởng từ ASIAN Games 2, Tùng lại bỏ ra thêm 100 triệu đồng nữa để tu sửa căn nhà thêm khang trang. Số là đầu xuân này, Thanh Tùng sẽ chính thức rước người bạn đời Trúc Phương về xây tổ ấm. Kế hoạch ra ở riêng của Tùng đã lên từ trước đó rất lâu và giờ đây, nó mới trở thành hiện thực.

Người bạn đời Trúc Phương của Thanh Tùng sinh năm 1987, càng bất ngờ hơn khi cô chính là một CĐV ruột của Thanh Tùng. Nghị lực phi thường của kình ngư họ Võ đã lay động Trúc Phương.

Cô không ngần ngại gửi những lá thư tâm sự mến mộ cho Tùng để bày tỏ tình cảm. Rồi những chuyến du đấu xa nhà, Trúc Phương chính là niềm động viên tinh thần vô giá cho Tùng hướng đến những thành tích như vừa qua. Hơn 3 năm gắn bó là thời gian đủ để cả 2 chia sẻ, vượt qua những mặc cảm dư luận để quyết định chung sống với nhau dưới một mái nhà.

Trò chuyện với Tùng những ngày đầu xuân, chàng trai sinh năm 1985 không ngớt nở nụ cười hiền và sự phấn khởi luôn hiện rõ trên nét mặt của anh. Cuộc sống vốn khó đòi hỏi sự công bằng, nhưng có điều chắc chắn nó sẽ không quay lưng với những cảnh đời biết vượt lên nghịch cảnh.

Với một căn nhà mới khang trang, một cô vợ xinh đẹp đảm đang, sự yêu thương tự hào của bà con xóm giềng, hạnh phúc với Thanh Tùng không có gì hơn thế.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong năm 2014, Thanh Tùng đã không có đối thủ trong cuộc bầu chọn VĐV khuyết tật xuất sắc nhất Việt Nam 2014. Cùng với Thanh Tùng, HLV Đổng Quốc Cường chính là HLV khuyết tật xuất sắc nhất Việt Nam 2014.

HLV Đổng Quốc Cường cho biết: “Thanh Tùng có năng khiếu bẩm sinh và thể hình tốt cho môn bơi lội. Khi tập luyện em rất có đam mê, nỗ lực không ngừng trong từng động tác, kiểu bơi. Trong thể thao nếu muốn thắng người ta thì phải nỗ lực. Hơn nữa, đầu óc thông minh của Thanh Tùng cũng là điều khác biệt. Ở nhiều thời điểm, VĐV không thể chỉ dùng sức mà còn phải tính toán đầu óc mới chiến thắng đối phương. Thanh Tùng là VĐV rất toàn diện”. 



Thanh Tùng (đứng bên phải) cùng HLV Đổng Quốc Cường và nhà báo Vũ Công Lập

“VĐV khuyết tật phải nỗ lực hơn 200% so với người bình thường”

Ngay khi cưới vợ xong, Thanh Tùng hé lộ dự định: “Với số vốn dành dụm nhiều năm có được nhờ tiền thưởng từ thể thao, tôi sẽ mở một cửa hàng quần áo cho vợ quản lý tại nhà. Sự nghiệp VĐV bấp bênh, không kéo dài được mãi mãi nên mình phải nghĩ chuyện tương lai để nuôi sống bản thân và gia đình”. Với chàng cử nhân họ Võ, anh ý thức được giá trị của số tiền mình kiếm ra bằng mồ hôi nước mắt. Thế nên dù được tưởng thưởng một số tiền lớn từ thành tích ở ASIAN Para Games 2, song Thanh Tùng chỉ chi tiêu vào những gì hợp lý nhất.

Tùng cho biết: “Nghe số tiền thưởng thì lớn thật nhưng đâu phải tự nhiên mình có được. VĐV khuyết tật không được hưởng những ưu đãi như VĐV bình thường. Thường thì 40 ngày trước các giải đấu thì chúng tôi mới được tập trung và khi đó mới có tiền chế độ bồi dưỡng. Còn khi không có giải hay thi đấu xong rồi thì tự túc bươn chải. Cuộc sống của một VĐV khuyết tật phải nỗ lực hơn 200% so với những người bình thường. Nếu phung phí tiền mình kiếm ra bây giờ thì sau này cũng không biết nương tựa vào ai.

Hiện tại, tôi vẫn nhận điện thoại hỏng về sửa chữa mỗi tối khi rảnh. Còn ban ngày, tôi nhận dạy bơi cho các em nhỏ từ những mối quan hệ quen biết. Nhiều gia đình thông cảm cho hoàn cảnh của tôi, có khoảng 30 em đang là học trò của tôi. Số tiền tôi kiếm được hàng tháng bây giờ khoảng hơn 5 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống”.


Việt Hà
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm