(TT&VH) -
New England Sports Ventures, hãng đã đạt được thỏa thuận mua lại Liverpool từ hai ông chủ người Mỹ Tom Hicks và George Gillett, đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục hội đồng thành phố về các kế hoạch tái thiết sân Anfield. Chủ tịch Liverpool Martin Broughton đã xác nhận các chủ nhân mới NESV, từng có kinh nghiệm tái thiết sân của đội bóng chày Boston Red Sox, sẽ xem xét nâng cấp sân Anfield nếu đề nghị mua lại Liverpool trị giá 300 triệu bảng của họ có thể hoàn tất trong tuần tới. Báo chí Anh cho biết NESV sẵn sàng đầu tư 100 triệu bảng cho kế hoạch tái thiết sân nhà của Liverpool.Tuy nhiên, lãnh đạo hội đồng thành phố Joe Anderson cho biết việc thay đổi kế hoạch của đội bóng áo đỏ có thể khó được chấp nhận bởi trước đó chính quyền thành phố đã đồng ý thông qua cho họ kế hoạch xây sân bóng mới tại Stanley Park.
“Tôi khuyến cáo họ không nên tái thiết sân Anfield và đề nghị họ giữ cam kết trước kia vì tôi cho rằng đó là giải pháp tốt nhất cho tất cả mọi người, cho CLB và cho thành phố” - ông Anderson nói.
Vướng mắt của Liverpool vẫn ở chuyện sân vận động mới - Ảnh Getty |
Đề nghị của NESV được chấp nhận sau khi họ nâng
phần tài sản thanh khoản trong gói mua lại Liverpool lên 240 triệu bảng, bằng với một đề nghị khác từ châu Á, và Anderson tin rằng sân vận động mới phải là ưu tiên số một với Liverpool lúc này. Các nguồn tin khác cho biết trước đó cựu chủ tịch David Parry và cựu giám đốc điều hành Rick Parry của đội bóng áo đỏ cũng gặp phải vấn đề này, một phần lý do khiến họ phải ra đi. Giờ đây, đến lượt NESV mắc vào câu chuyện quy hoạch sân bóng mới.
NESV từng có cam kết về sân bóng mới trong quá trình thương lượng mua lại Liverpool và vẫn sẵn sàng xem xét việc đầu tư cho sân 60.000 chỗ ngồi Stanley Park. Tuy nhiên, theo những phát biểu của các ông chủ tương lai ở Merseyside mấy ngày qua, dự tính của họ là nâng cấp sân Anfield, một kế hoạch hoàn toàn không phù hợp với quy hoạch và chính sách của hội đồng thành phố trong suốt thập kỷ qua. Quy hoạch đó đến giờ vẫn không thay đổi. Tình hình khó khăn hơn với NESV bởi sân Anfield hiện giờ nằm giữa khu dân cư đông đúc nên trên thực tế không có nhiều lựa chọn để họ nâng cấp và mở rộng sân bóng lên mức 60.000 chỗ như mong muốn. Hiện nay, Liverpool đã mua thêm một số căn nhà ở gần sân cho dự án đó.
Một lý do khác để chính quyền thành phố muốn Liverpool tiếp tục xây sân mới, sẽ hết giấy phép xây dựng vào tháng 4/2011, là do họ muốn sử dụng phần đất của sân Anfield để cải tạo thành quảng trường Anfield bao gồm các cửa hàng, văn phòng, khoảng xanh và khu giải trí cho người dân thành phố. Dự án này ước tính có thể tạo ra 1.000 việc làm cho thành phố, một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi khủng hoảng kinh tế tại Anh. Đó cũng là điều kiện tiên quyết, đổi đất lấy đất, để Liverpool được phép xây sân bóng mới trên phần đất công ở Stanley Park. Sau cuộc tổng tuyển cử mới đây, hội đồng thành phố đã đổi từ Dân chủ tự do sang Công đảng, nhưng chính quyền hiện hữu vẫn giữ nguyên ưu tiên của họ về quy hoạch với Anfield.
John W Henry, nhà đầu tư chủ chốt ở NESV, đã vượt qua rất nhiều khó khăn để tái thiết lại sân nhà mang tính lịch sử của Boston Red Sox, Fenway Park, dù chi phí chủ yếu dồn vào việc tăng giá vé. Việc Liverpool cần thêm nguồn thu từ sân bóng mới là nhu cầu rất bức thiết và là nguyên nhân chính khiến Moores, một người rất yêu Liverpool, bán phần lớn cổ phần của ông cho Hicks và Gillett năm 2007. Số liệu kiểm toán năm tài khóa 2008-2009 cho thấy Liverpool chỉ kiếm được 42 triệu bảng từ tiền bán vé trong những ngày có trận đấu, so với 100 triệu bảng ở Emirates và 109 triệu bảng tại Old Trafford.
Còn một lý do khác. Liverpool là thành phố chủ nhà trong nỗ lực đăng cai World Cup 2018 của Anh và sân Anfield chỉ với hơn 40.000 chỗ khó đáp ứng được các tiêu chuẩn mới.