Nhóm họa sĩ Lý Trực Dũng: Triển lãm “Nhật ký World Cup bằng tranh”

09/07/2010 11:11 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Trong khi World Cup 2010 còn đang tới hồi “gay cấn” và hồi hộp nhất, thì cuốn “nhật ký’ bằng tranh biếm về sự kiện này đã được đem ra triển lãm tại Hội quán Sáng tạo Trung Nguyên (36 Điện Biên Phủ, Hà Nội). Triển lãm sẽ bắt đầu từ chiều nay (9/7) và sẽ kết thúc vào ngày 18/7 tới.

Cơ duyên của cuộc trưng bày này bắt đầu từ việc họa sĩ Dũng và một số đồng nghiệp như các họa sĩ Nốp, Nhốp, Trần Quyết Thắng, Satế… tham gia chuyên mục Nhật ký World Cup bằng tranh trên báo TT&VH từ khi giải bóng đá này diễn ra.  Hơn 40 bức tranh vui xuất hiện tại triển lãm (được in màu với khổ A4) đều đã lần lượt xuất hiện trên TT&VH hoặc TT&VH Online và được độc giả đón nhận khá hào hứng.

 “Biếm họa thì tôi vẽ từ lâu, nhưng biếm họa về các trận đấu trong World Cup thì quả thực đây là lần chính thức đầu tiên. Các anh em họa sĩ biếm họa khác cũng rất hào hứng khi  TT&VH chủ động đề xuất và giành “đất” cố định cho chuyên mục này – anh cho biết -  Mấy anh em chúng tôi chia nhau luân phiên thực hiện “Nhật ký World Cup bằng tranh” từng ngày. Nôm na, tới lượt mình, mỗi họa sĩ vẽ về một trận đấu vừa diễn ra, theo một góc nhìn mình thích hoặc một ý tưởng hài hước”.


Họa sĩ Lý Trực Dũng

Trò chuyện với TT&VH xung quanh triển lãm, họa sĩ Lý Trực Dũng tâm sự:

- Cái khó với tranh vui là việc tìm được ý tưởng để thể hiện. Nhưng hóa ra, bóng đá lại là “đất” khá phù hợp với thể loại này. Chẳng hạn, cảnh “kẻ khóc – người cười” sau mỗi trận đấu đã hàm chứa đủ tính chất bi hài rồi. Hoặc, tại Việt Nam, độc giả hâm mộ trái bóng tròn luôn thích “biểu tượng hóa” các đội bóng, ví dụ  đội Đức bị gắn với biệt danh “xe tăng”, Tây Ban Nha là “bò tót”, Bờ Biển Ngà là “voi rừng”… Điều đó có sức gợi mở rất lớn cho ngôn ngữ hội họa”.

* Vậy, việc thể hiện các siêu sao bóng đá trong những bức tranh vui này thì sao?

- Cũng có, nhưng không nhiều. Nếu không có chi tiết nào đặc biệt trong trận đấu, việc khắc họa một siêu sao không đủ tính chất  tiêu biểu và “chất” hài hước cho cả trận đấu.  Thường thì các siêu sao chỉ được chúng tôi khắc họa như một phần cho ý tưởng chính. Chẳng hạn, đội Đức thắng thì có thể vẽ đội trưởng Philip Lamp đang ngồi trên cỗ xe tăng tiến lên.

Có một trường hợp cá biệt là trận Đức thắng Argentina. Hẳn mọi người đều biết cái “tích” Maradona khinh thường và không chịu ngồi cùng tiền đạo trẻ Muller của Đức khi họp báo. Bởi thế, việc Muller ghi bàn trong trận thắng này là duyên cớ cho bức tranh Muller tung cú sút hất văng chàng béo Maradona về nước, kèm theo lời nhắn: tạm biệt Bé bự.

* Vậy, trong quá trình vẽ tranh biếm họa, có điều gì là khó khăn với các anh không?

- Nhìn chung, tranh được vẽ để in đen trắng trên báo. Việc không sử dụng được các màu sắc khác cũng là một cái khó cho họa sĩ trong việc thể hiện ý tưởng. Ngoài ra, do áp lực thời gian, tôi thường mất khoảng 3-4 tiếng đồng hồ cho một bức tranh vui như vậy. Thật ra, nếu có thời gian tỉa tót trau chuốt, một bức tranh ưng ý có thể “ngốn” của mình tới 7-8 tiếng đồng hồ.

Ngoài ra, một cái khổ tâm của họa sĩ cũng là chuyện vẽ biếm họa ngay sau khi đội bóng mà mình yêu thích vừa bị loại. Lúc ấy khó mà nghĩ được gì nhiều (cười).

* Cuối cùng, thất bại của Đức trong trận đấu bán kết vừa qua có làm một fan Đức như anh buồn không?

- Buồn thì có, nhưng tôi đã nghi ngờ về khả năng đi xa của đội Đức từ cách đây vài ngày. Không hẳn chỉ về vấn đề chuyên môn, mà sự lo lắng đó nằm ở việc báo chí Đức đăng tải các thông tin về những lục đục nội bộ quanh việc Philip Lamp muốn tiếp tục được đeo băng đội trưởng. Để xảy ra chuyện ấy trước một trận đấu quyết định thì là điều dở vô cùng.


Chỉ có một điều an ủi duy nhất: hôm Đức thua Tây Ban Nha, khu phố tôi sống bị cắt điện nên tôi không phải chứng kiến tận mắt trận thua ấy. Bù lại, ngày hôm sau, tôi vẫn mất vài chầu bia cho bạn bè vì trót đặt cược vào đội bóng ruột của mình.


Cúc Đường (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm