Nhớ tiếng tù và Buôn Đôn

15/11/2012 16:05 GMT+7 | Thế giới


(TT&VH) - Ngày 8/11 là ngày đưa A Ma Kông (103 tuổi) về với đất Yok Đôn. Bây giờ thì tiếng tù và của ông vua săn voi cuối cùng đã ngừng.

Tôi ám ảnh cái tiếng gió đi qua thứ nhạc cụ sừng trâu được thổi bởi hơi của người đàn ông cao lớn vạm vỡ ấy đến bây giờ. Chỉ có ông mới dám thổi và thổi được tiếng tù và như vậy. Đó là tiếng đại ngàn.

Tiếng tù và của ông vang ba ngọn núi

Thao thiết vọng về

Như từ thuở hồng hoang



Huyền thoại săn voi A Ma Koong - Ảnh: Đặng Bá Tiến

1. Như một cây chò cổ thụ, ông là biểu tượng của đại ngàn Yok Đôn. Vườn quốc gia Jok Đôn, cả công ty du lịch ở đây nữa đã coi ông là nhân chứng về vẻ đẹp của đại ngàn, là một hướng dẫn viên vô giá của du lịch đại ngàn...

Nhớ lần ấy, khi tôi đến Buôn Đôn lần đầu năm 1996, Ma Kông khỏe khoắn bước lên cầu thang nhà sàn ở Vườn quốc gia biểu diễn cách thòng dây da trâu vào chân, vào cổ voi rừng để bắt về thuần dưỡng... Rồi cùng đoàn du khách leo lên lưng voi băng qua dòng Serepôk cuồn cuộn đổ về Tây để vào rừng đại ngàn.

Ông giới thiệu những loài cây thuốc quý của đại ngàn, trong đó có thứ lá đặc biệt có thể ngâm rượu uống bổ thận tráng dương - một tác dụng mà giới mày râu mơ ước - mà bây giờ đời gọi là bài thuốc A Ma Kông. Thuốc A Ma Kông đã ra đến Hà Nội, đã được giải quyết ổn thỏa trong vụ tranh chấp bản quyền thương hiệu với vị bác sĩ ở Buôn Ma Thuột.

Du lịch Buôn Đôn đã định hình. Nhưng voi rừng sắp hết. Những con voi cuối cùng của đại ngàn nơi đây đang bị săn đuổi đến đường cùng. Và hình như tiên liệu về số phận của những đàn voi rừng, nên từ lâu ở sân Vườn quốc gia Yok Đôn người ta đã đắp những con voi bê tông để lưu lại hình bóng nó mai sau chăng?

A Ma Kông

2. Có một an ủi với lão dũng sĩ săn voi là tên tuổi ông đã thành thương hiệu. Danh tiếng ông, công trạng ông được Nhà nước và dân gian ghi nhận. Mộ ông sẽ được xây dựng hoành tráng như mộ người anh hùng. Trên mộ ông là những tác phẩm tượng nhà mồ đẹp nhất được dựng để tưởng nhớ ông. Và cũng để tưởng nhớ ông, tôi có một đề nghị là cần giữ lại ngôi nhà bằng gỗ của ông, tương truyền là của vua săn voi Khun Ju Nốp, cậu ruột của ông dựng cách nay 130 năm.

Ngôi nhà ấy sẽ là di tích có giá trị về lịch sử văn hóa Buôn Đôn gắn với nghề săn bắt voi rừng, là di tích về kiến trúc nghệ thuật nhà gỗ, lợp ván gỗ. Nó sẽ là bằng chứng của đại ngàn và là "Di tích của một thời tàn".

Bây giờ thì ông đã về lại với đất Yok Đôn bỏ lại những mùa săn voi xưa cũ huyền thoại, bỏ lại những người đàn bà mơ ước có ông, sẵn sàng bắt ông về làm chồng, bỏ lại đại ngàn hùng vĩ bên dòng Serepôk mát lành... Vĩnh biệt Ma Kông, cho tôi  được nhắc lại bài thơ Tiếng tù và ở Buôn Đôn tôi viết trong đêm Buôn Đôn 13 năm trước, tặng ông và để nhớ:

Bên bếp lửa nhà sàn đêm nay/ Ông ngồi đó lưng trần, đóng khố/ Im lìm một gốc cây già/ Bao nhiêu mùa săn voi đi qua đời ông/ Bao nhiêu người đàn bà đi qua đời ông/ Ông không nhớ nổi...

Tân Linh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm