'Dẹp loạn' danh hiệu sao cho... trúng?

16/03/2017 07:09 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 14/3 vừa qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có công văn số 129 gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch với nội dung đề nghị cải chính các thông tin quanh việc "dẹp loạn" danh hiệu di sản.

1. Trước đó, trong công văn  932 ra ngày 10/3, lãnh đạo Bộ VH, TT&DL đã khẳng định: việc một số tổ chức đứng ra vinh danh (hoặc cấp bằng) về Cây di sản, Việt Nam Linh thiêng cổ tự, Nghệ nhân văn hóa dân gian hay Hệ thống đền đạt chuần đền thờ Tam, Tứ phủ... là trái thẩm quyền.

Theo công văn, 3 tổ chức là Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam được yêu cầu chấm dứt tôn vinh, hoặc cấp các loại danh hiệu này.

Tuy nhiên, trong nội dung phản hồi ngày 14/3, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội VN) khẳng định: việc Bộ VH,TT&DL đưa tên tổ chức này vào công văn trên là không chính xác. Bởi, các thành viên của Liên hiệp Hội VN là các Hội có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động theo điều lệ Hội, chịu trách nhiệm trước thành viên và pháp luật. Bản thân Liên hiệp Hội VN không đứng ra tổ chức các hoạt động mà công văn nêu.


 Cây thị 300 tuổi tại đình Đông Sơn (Yên Thế, Bắc Giang)  vừa được VACNE trao danh hiệu Cây di sản vào đầu tháng 3 vừa qua

Văn bản  phản hồi này nhắc tới 2 tổ chức thuộc Liên hiệp Hội VN là Hội Bảo vệ Thiên và Môi trường Việt Nam; Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc. Về trường hợp thứ nhất, Liên hiệp Hội VN đánh giá "trong những năm qua, Hội Bảo vệ Thiên và Môi trường Việt Nam đã vinh danh gần 2.700 cây cổ thụ. Việc làm này có ý nghĩa thiết thực, góp phần bảo vệ các cây cổ thụ được đánh giá cao".

Về trường hợp thứ hai, Liên hiệp Hội VN chưa từng chỉ đạo Trung tâm tổ chức vinh danh, cấp giấy chứng nhận "Nghệ nhân văn hóa dân gian" và cũng nhận được báo cáo (từ Trung tâm) là chưa hề tổ chức hoạt động này.

Do vậy, công văn phản hồi số 129 đề nghị Bộ VH,TT&DL "kịp thời công khai cải chính thông tin trong nội dung công văn 932 và trên các phương tiện thông tin đại chúng" để tránh hiểu lầm.

2. Thực tế, dù chưa đứng ra tổ chức, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc cũng đã từng bị "mượn danh"trong một vụ lùm xùm vào cuối năm 2015.

Ở sự kiện đó, nhiều nghệ nhân hoặc doanh nghiệp bất ngờ nhận được lời mời dự lễ vinh danh "Nghệ nhân văn hóa dân gian", thậm chí được trao bằng chứng nhận cho danh hiệu này nếu... đóng kinh phí từ 30 triệu đồng đến một tỷ đồng. Trên giấy mời có nhắc tới việc Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc sẽ là một trong các tổ chức đứng ra trao chứng nhận.

Khi sự việc vỡlở và bị dừng lại, Trung tâm được xác định là đơn vị chỉ nhận lời bảo trợ cho chương trình (do một công ty truyền thông tổ chức) mà không biết tới chuyện tiền nong.

Có nghĩa, câu chuyện mượn các "danh hiệu" tự phát để kiếm tiền là điều có thật. Và thực tế, trước khi có văn bản "dẹp loạn" danh hiệu, Bộ VH,TT&DL cũng từng nhận phản ánh của các địa phương về việc một số hiệp hội tùy tiện về đây... thu tiền và trao các bằng chứng nhận kiểu này.

3. Thế nhưng, bên cạnh sự tích cực của văn bản, nhiều ý kiến cũng tỏ ra băn khoăn về việc hiệu ứng mà nó sẽ mang lại.

Đơn cử, Hội Bảo vệ Thiên và Môi trường Việt Nam (VACNE)  tỏ ra rất bất ngờ trước việc có tên trong văn bản của Bộ VH,TT&DL. “Anh em rất sốc, thậm chí rất bất bình" - GS Đặng Huy Huỳnh (Phó Chủ tịch VACNE) chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN). "Chúng tôi chỉ biết động viên mọi người hết sức bình tĩnh để chờ làm rõ câu chuyện".

Với gần 600 Nghệ nhân Dân gian được thu phí, Hội Văn nghệ dân gian không hề thu tiền. Ngược lại, Hội còn... tặng cho các cụ nghệ nhân từ 600 ngàn đồng – 1,2 triệu đồng trong mỗi lần vinh danh (tùy theo số tiền kêu gọi từ nguồn xã hội hóa).

Thẳng thắn, GS Huỳnh cho biết: Danh hiệu Cây di sản là sáng kiến của VACNE, được lập ra với mục đích kêu gọi cộng đồng cùng bảo vệ những cây cổ thụ hoặc các loại cây quý, hiếm trong đời sống hàng ngày. Việc thẩm định giá trị và vấn các giải pháp bảo tồn chuyên môn được VACNE thực hiện một cách tự nguyện và chưa bao giờ thu phí.

"Chúng tôi chưa lấy của ai một đồng và đều hoạt động bằng kinh phí tự nguyện" - GS Huỳnh nói thêm - "Lẽ ra, ngành quản lý nên phân biệt rõ những trường hợp tích cực và tiêu cực trong vấn đề này".

Tương tự, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cũng là một trường hợp đáng chú ý khi trong 17 năm qua, tổ chức này đã trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho gần 600 cá nhân. Hiện, nhiều nghệ nhân được vinh danh đã đề nghị Hội có ý kiến với Bộ VH,TT&DL, để giúp dư luận không hiểu lầm về danh hiệu họ từng nhận được.

"Chúng tôi đã nhiều lần từ chối những đơn vị tổ chức sự kiện, công ty truyền thông tìm đến và đề nghị Hội trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho mục đích kinh doanh" - TS Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội, cho biết - " Việc ngành quản lý chấn chỉnh những trường hợp này  điều cần thiết, nhưng cũng cần được bàn thảo kĩ để tránh tình trạng lẫn lộn vàng thau...".

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm