Việt Nam đã làm gì có "văn hóa đọc"

27/02/2013 10:26 GMT+7

Tựa như khoác lên mình chiếc áo quá khổ, cụm từ "văn hóa đọc" khiến người trẻ cảm thấy xa cách và không hấp dẫn. Để đọc sách trở thành một nhu cầu, họ cần một định nghĩa gần gũi hơn.

Có mặt tại buổi giao lưu với đề tài "Quyển sách thay đổi cuộc đời", tổ chức vào thượng tuần tháng 2 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Hoạt, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Văn hóa Phương Nam, đã có nhận định khiến nhiều người giật mình. Nhân vật có thâm niên trong ngành xuất bản của Việt Nam này cho biết một thực tế: Sách nghiêm túc ngày càng ít người đọc.

Là đại diện cho một đơn vị phát hành sách hàng đầu Việt Nam, thực tế phát hành cho phép ông nhận định như thế. Và đây đúng là một thực tế đáng buồn. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì?


Thị trường sách Việt nam khá phong phú về thể loại
Nhu cầu tự nhiên

Theo blogger Dâu Tây (Joe), một người nước ngoài khá gắn bó với Việt Nam, thị trường sách tại Việt Nam khá nhỏ và việc đọc như một thói quen để có thể trở thành nét văn hóa là chưa có. Joe nhận thấy, mỗi đầu sách xuất bản tại Việt Nam tiêu thụ được tầm 20.000 cuốn đã là niềm sung sướng đối với người làm sách, nhưng ở Anh, sách được xem là bán chạy luôn cán mức vài triệu bản.

"Đơn cử như ở tỉnh Nghệ An, dân số hơn 2,940 triệu người, nhưng số lượng sách tiêu thụ chỉ khoảng 100 bản/quyển. Điều này cho thấy mức độ tiếp cận sách của người Việt là không cao", Joe nhận định.

Đồng quan điểm, nhạc sĩ Quốc Bảo cũng cho rằng thị trường sách Việt Nam kém hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu bảo hiện nay người trẻ Việt Nam không màng đến việc đọc sách thì cũng không chính xác. Việc đọc vẫn đang tiếp diễn và người Việt vẫn đang đọc, đọc trên bản in, trên những ấn bản điện tử...

Điều cần lưu ý là thời gian vừa qua, việc các đơn vị trong ngành xuất bản kêu gọi phát triển văn hóa đọc và đưa cụm từ này lên truyền thông dường như không mang lại hiệu quả và có phần phản tác dụng. Theo nhạc sĩ, việc đọc đơn giản phải diễn ra theo đúng nghĩa của nó: Đọc vì thích đọc, là nhu cầu tự nhiên như sự hít thở không khí...

Bản thân là người yêu sách nhưng anh đọc không phải để tìm kiếm điều gì trong sách mà đối với anh, việc đọc đã là một nhu cầu. "Tôi xem việc đọc là thâm nhập vào tác phẩm và hiểu được tác giả, đồng cảm với nội tâm của những người có thể chưa từng quen biết. Thế nên, theo tôi, người làm sách đang thực hiện sứ mệnh mang cảm xúc đến với người khác", anh chia sẻ.

Không chỉ nhạc sĩ Quốc Bảo tỏ ra "nhạy cảm" với khái niệm này, diễn giả Trần Đăng Khoa cũng cho biết, anh rất thường đọc sách nhưng nghe đến "văn hóa đọc" là thấy cụm từ này có vẻ "cao siêu" làm sao.

Là đại diện cho những người trẻ, anh cho rằng, để khuyến khích sự đam mê đọc sách thì nên hạn chế dùng cụm từ này. Thay vào đó, cần cho mọi người biết được tác dụng tốt của việc đọc và chỉ nên đọc những cuốn sách có nội dung tốt.

"Đọc sách nhiều có thể giảm 35% các vấn đề về não, giảm căng thẳng. Một cuốn sách hay có thể giúp người ta sống tốt hơn. Theo thống kê, có đến 2/3 số người có thu nhập cao thường xuyên đọc sách. Vậy thì việc đọc mang lại giá trị cho độc giả hơn là người làm sách", anh khẳng định.

Vẫn thiếu định hướng

Dạo một vòng các nhà sách lớn, không khó để nhận ra sự phong phú về mặt thể loại của các đầu sách xuất bản tại Việt Nam. Nhưng đáng chú ý là sự xuất hiện ngày một nhiều các tác phẩm diễm tình hiện đại của Trung Quốc. Chủ yếu các tác giả của thể loại này đều xuất thân từ văn học mạng nên văn phong cũng như cách khai thác đề tài của họ khá "nóng".

Và giới trẻ Việt Nam đang nồng nhiệt đón nhận thể loại này. Tất nhiên, mỗi thể loại sách đều có giá trị riêng, không đơn thuần là giải trí, nhưng lựa chọn được cuốn sách tốt trong một rừng sách như hiện nay không còn là việc dễ dàng.

Theo diễn giả Trần Đăng Khoa, ngày trước, sách xuất bản ít nhưng bù lại có những tác phẩm có giá trị rất lớn đối với người đọc. Điển hình như Thép đã tôi thế đấy đã làm thay đổi cả một thế hệ.

Trong bối cảnh trăm hoa đua nở như hiện nay, sách xuất hiện đúng thời điểm với người đọc, tác động đến suy nghĩ của họ trong giai đoạn đó chính là cuốn sách thay đổi cuộc đời. Anh kể, những ngày ở Singapore, mới ra trường, đi học có học bổng nhưng vẫn phải mượn nợ.

Tình cờ, Khoa được người bạn tặng cuốn sách cũ, đã được đọc đến nhàu nhĩ và ghi chú lại rất kỹ. Nội dung tập sách không quá xuất sắc nhưng đã giúp Khoa nhận ra một giá trị: Khi trẻ phải để cho bản thân biết ước mơ. Mơ để phá những xiềng xích trong lòng mình.

"Sau khi đọc quyển sách ấy, tôi quyết tâm phải làm cho bản thân mạnh mẽ hơn", Khoa kể. Sau 5 năm nhìn lại, Khoa thấy cuộc đời mình khác hẳn. Anh không còn mơ chuyện tăng lương hay trả hết nợ mà có những ước mơ khác, lớn lao hơn, đó là về Việt Nam lập công ty và phát triển sự nghiệp.

Tương tự, với nhạc sĩ Quốc Bảo, năm 12 tuổi, anh vô tìm tìm được một cuốn sách cũ của cậu. Đó là một tập sách mỏng, đọc hết chỉ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ nhưng từ đó đến nay anh đã đọc đi đọc lại tập sách này hơn 60 lần, bởi nó đã trở thành cẩm nang sống của anh. Anh chia sẻ: "Tập sách nuôi lửa nghệ thuật và truyền cảm hứng cho tôi suốt ngần ấy năm".

Không kể tên hai cuốn sách làm thay đổi cuộc đời của hai nhân vật kể trên, bởi có thể chúng có tác dụng với người này nhưng lại không có tác dụng với người khác. Điều quan trọng là cả hai nhân vật trên đều không chủ đích tìm kiếm giá trị từ cuốn sách mà họ đã đọc suốt cả cuộc đời như là một thói quen không thể bỏ được.

"Chúng ta không thể ôm hết giá trị nhân văn của nhân loại. Do đó, đọc ít hay nhiều không quan trọng, mà chỉ cần cảm thấy hạnh phúc khi đọc là được. Sách không phải là của người đọc nó, mà là của người cần nó”, nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ.

Theo Doanh nhân Sài Gòn


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm