Hội Nhạc sĩ tiếp tục đổi mới, sáng tạo để định hình một dòng âm nhạc tích cực và tính thẩm mỹ cao
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 7/8, tại Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025) đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham dự của 390 hội viên đến từ các chi hội trên toàn quốc.
Đến dự và phát biểu tại Đại hội, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương hoan nghênh, ghi nhận những thành tựu Hội nhạc sỹ Việt Nam cùng toàn thể những người làm công tác âm nhạc cả nước đạt được trong nhiệm kỳ qua trên tất cả các lĩnh vực, từ hoạt động sáng tác, lý luận phê bình, biểu diễn, đào tạo và hoạt động hợp tác quốc tế về âm nhạc.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Thời nào cũng vậy, âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, góp phần tạo ra cốt cách, bản sắc, phẩm giá con người Việt Nam. Âm nhạc góp phần đưa hình ảnh, con người Việt Nam ra thế giới; là công cụ tinh thần hữu hiệu, tạo ra sự kết nối vượt mọi biên giới, lãnh thổ, kêu gọi sự sẻ chia, đoàn kết, cổ vũ sức mạnh để vượt qua những lúc gian nan, nghịch cảnh như đại dịch COVID-19.
Hội nhạc sĩ, những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc cần nhận thấy vai trò, trọng trách trong việc tiếp nối lịch sử, tiếp bước các thế hệ, đưa hoạt động âm nhạc giàu bản sắc dân tộc đi liền với nhịp bước của thời đại, gắn bó với nhân dân, tham gia vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước bền vững. Để làm được điều đó, người làm âm nhạc cần nhận thức rõ những vấn đề công chúng quan tâm, những mong muốn, kỳ vọng của nhân dân; nhìn rõ những hạn chế, bất cập trong hoạt động âm nhạc hiện nay để có hướng đi tháo gỡ, mở lối, đưa âm nhạc phát triển đúng hướng.
Đồng chí Võ Văn Thưởng mong muốn, nhiệm kỳ tới, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh đó, hội cần chú trọng phát triển đa dạng các loại hình, thể loại âm nhạc đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu đa dạng của công chúng; gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống trong bối cảnh cơ chế thị trường, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư... ; tạo sự cân đối trong các thể loại âm nhạc, hạn chế sự lệch lạc, sa đà theo các trào lưu, xu hướng hời hợt, thoáng qua, thiếu bền lâu trong lòng công chúng.
Hội cũng cần từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động âm nhạc, nâng cao vị thế của nền âm nhạc Việt Nam trong các lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận, phê bình, đào tạo; bồi dưỡng đội ngũ lý luận phê bình tài năng; đẩy mạnh công tác xuất bản, quảng bá các tác phẩm có nhiều giá trị đóng góp cho nền văn hóa nước nhà. Hội góp phần làm đa dạng, sâu sắc thêm các hình thức văn hóa đối ngoại, thông qua con đường âm nhạc nâng cao hình ảnh, sức hấp dẫn của con người và đất nước Việt Nam; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam toàn diện cả về số lượng, chất lượng...
Đại hội đã đề ra trọng tâm hoạt động nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó, chú trọng đến việc đẩy mạnh sáng tác, quảng bá về đề tài chiến tranh cách mạng, lịch sử dân tộc, công cuộc đổi mới của đất nước; từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn học nghệ thuật Việt Nam; đổi mới phương thức hoạt động của Hội nhằm tập hợp, động viên, tạo mọi điều kiện để các nghệ sỹ hoạt động sáng tạo hiệu quả, tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về nội dung, nghệ thuật.
Đồng thời, Hội Nhạc sĩ Việt Nam chú trọng xây dựng đội ngũ nhạc sĩ trẻ để kế tục con đường âm nhạc dân tộc; đẩy mạnh việc giáo dục nhằm nâng cao trình độ thẩm mỹ âm nhạc cho công chúng; nâng cao hoạt động chuyên luận, đầu tư các công trình nghiên cứu và giáo trình âm nhạc phục vụ cho công tác lý luận, đào tạo, đặc biệt là mảng nghiên cứu âm nhạc cổ truyền, tạo điều kiện xuất bản, đưa tác phẩm đến với công chúng....
Nhiệm kỳ 2015-2020, hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã bám sát mọi mặt của đời sống xã hội, luôn phối hợp, tham gia hoạt động âm nhạc mang tính chuyên nghiệp, phát huy, đề cao âm nhạc dân tộc, truyền thống. Hội đã phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương tổ chức nhiều cuộc vận động sáng tác, thẩm định tác phẩm về đề tài "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước (1930 - 1975); sáng tác chuyên đề về các ngành nghề, địa phương, biên giới, biển đảo và bộ đội biên phòng, xây dựng nông thôn mới...; tổ chức nhiều hoạt động biểu diễn, phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều chương trình hòa nhạc, nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn…
Đại hội đã bầu 21 Ủy viên Ban Chấp hành Nhạc sĩ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025. Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân tái đắc cử chức Chủ tịch Hội.
Phương Lan/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất