Hội làng và chi phí tâm linh của người Việt

15/02/2016 06:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam có bao nhiêu lễ hội, khoảng một vạn hay hơn? Có lẽ là hơn. Ta cứ tính thế này, trung bình mỗi cái làng của người Việt, ít nhất là ở châu thổ sông Hồng, luôn có một lễ hội, thường là vào đầu năm. Nôm na gọi là hội làng.

Hội làng có thể gắn với một danh lam cổ tích nào đó trong cái làng ấy, ví như đình, đền chùa, đôi khi hội làng cũng tổ chức ở một nơi công cộng như sân nhà văn hoá, sân vận động, bãi đất trống... Hội làng có thể vô danh hoặc được nâng lên tầm quốc gia, thậm chí quốc tế tùy theo cái di sản văn hóa phi vật thể mà hội làng chứa đựng được tôn vinh ở cấp nào. Nó có thể thu hút du khách thập phương, hoặc đơn thuần chỉ thu hút dân làng ở nơi đó.

Nhìn con số hàng ngàn lễ hội từ Bắc chí Nam, nhìn cảnh trống giong, cờ mở loè loẹt xanh đỏ, khắp các làng quê, ai cũng có cảm giác là Việt Nam hơi bị bội thực hội hè, đình đám. Hơi bị lãng phí rước xách, chưa kể hội làng nào cũng na ná nhau...

Nhưng nếu coi chi phí tổ chức lễ hội là "chi phí" tâm linh mà cộng đồng nào cũng phải thực hiện, thì chưa chắc đã phải là một sự tốn kém.


Lễ rước kiệu trong hội làng

1. Mời các bạn đến dự hội làng nơi tôi ngụ cư hơn chục năm nay, một cái làng vô danh ở ngoại thành, bên bờ sông Hồng. Tôi đã thử lục trong sử sách nhưng tuyệt nhiên không có dòng ghi chép nào về nó. Điều đó cũng có nghĩa là chẳng bao giờ nó được xếp hạng nọ kia. Hội làng cũng không có một màn hoàng tráng hoặc gây sốc nào như cướp hoa tre, cướp phết, chém lợn, đập đầu trâu... để mà mô tả thành phóng sự.

Hội làng có màn rước nước từ giữa sông Hồng, nhưng thể thức cũng tựa như trăm ngàn cái làng khác bên bờ sông, không có gì khác biệt. Đã vậy nước sông Hồng chảy qua làng lại vừa tiếp nhận cái cống thải của thành phố, nên màu nước và mùi cũng không được thi vị lắm.

Thế nhưng, tôi muốn bạn không chỉ nhìn hội làng ấy như một du khách thích cái lạ. Tôi muốn bạn hoà vào hội làng như một người dân của làng

Tôi từng tức phát điên khi các thầy cô giáo yêu quý trong cái làng đó điềm nhiên cho tất cả học sinh nghỉ học, vì "ngày mai hội làng ta". Điều đó đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh làm nhà nước trong đó có tôi phải loay hoay khốn khổ để trông con.

Các hoạt động bình thường trong làng gần như tê liệt. Chợ làng mổ liền 4 con bò nhưng chỉ đến 11h trưa là hết chợ.

Hàng rong, dịch vụ trò chơi trẻ em, các trò vui chơi có thưởng... kéo về ùn ùn, trải dài 500m trên lối vào khu đình-chùa. Ô tô đỗ đầy đường. Không phải du khách mà là con cháu các gia đình có gốc gác người làng ở khắp nơi kéo về. Thanh niên đương nhiên vẫn là đông nhất. Đến học sinh còn nghỉ học thì các cậu thanh niên kiểu gì cũng "bái bai" các ông chủ bà chủ mà họ đang làm thuê để về chơi hội làng.

Những việc đó tích cực hay tiêu cực? Tôi không dám nói, chỉ biết, hội làng thu hút tất cả và thoả mãn tất cả những người trong làng. Nhất là các cụ già nông dân chân lấm tay bùn, thoắt cái nhờ hội làng được đội mũ, đi hia như bá quan nhà Nguyễn; ra giữa sân đình hô Đông xướng, Tây xướng bằng cái giọng "nhà quê" của làng mình không lẫn vào đâu được.

2. Hãy tự hỏi rằng về mặt tâm linh, một năm ngôi làng quê Việt này có mấy dịp để được tụ tập, diễn xướng, rước xách tưng bừng như thế? Ít lắm. Chùa làng không có sư nên chỉ có đôi ba bà vãi thay nhau ra nhang đèn rằm, mồng một. Thanh niên và đàn ông thì không màng tới đó. Đình chỉ có một ông từ.

Mở phủ, hầu đồng thì chỉ dành cho một số ít có "căn". Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa của người Việt nhưng không dành cho tất cả. Ngay việc lễ lạt "Tháng 8 giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ" (tức đi lễ Đức Thánh Trần và mẫu Liễu Hạnh) cũng rất hiếm người có điều kiện.

Xã hội càng hiện đại thì nhu cầu tín ngưỡng càng cao. Nếu so sánh chi phí (gồm cả thời gian, lễ vật và chi phí tổ chức) của hội làng với chi phí trong sinh hoạt của các tôn giáo khác, thì có thể thấy rằng hội làng rất không thấm tháp gì. Hội làng lại không chỉ là một sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là lễ hội để vui chơi giải trí, cố kết cộng đồng, dòng họ... Ý nghĩa của hội làng chả khác nào các "sinh hoạt văn hoá cơ sở" mà toàn dân ta đang "đoàn kết thực hiện" theo các khẩu hiệu ở khắp thôn cùng xóm vắng.

Thiết nghĩ, một làng cả năm mới có một lễ hội, do chính họ tổ chức, đạo diễn và hưởng thụ với nhau... thì ta nên trân trọng.

Hãy hoà mình vào hội làng, thay vì đứng từ xa hoặc ngồi trên cao để phê phán nó lai căng, lãng phí.

Ngô Khởi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm