Khi Hoàng Thành Thăng Long 'bày cỗ' trông trăng

16/09/2021 07:00 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Như nhiều người chia sẻ, trong bối cảnh giãn cách về dịch bệnh, Tết Trung thu năm nay có lẽ trở nên đặc biệt hơn vì nó đã trở về đúng nghĩa là ngày tết của gia đình, tết đoàn viên. Và đó cũng là một phần ý tưởng hình thành trưng bày trực tuyến Trung thu sum vầy của Hoàng thành Thăng Long.

Hà Nội trưng bày trực tuyến 'Trung thu sum vầy' tại Hoàng thành Thăng Long

Hà Nội trưng bày trực tuyến 'Trung thu sum vầy' tại Hoàng thành Thăng Long

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, từ ngày 19/9, đơn vị này sẽ tổ chức chương trình trưng bày Trung thu 2021 bằng hình thức trực tuyến với chủ đề "Trung thu sum vầy" tại website: hoangthanhthanglong.vn và trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.

1. Từ 19/9, khi truy cập vào các website: hoangthanhthanglong.vn và http://trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn, và, các em nhỏ cùng những người thân của mình sẽ được thưởng lãm “mâm cỗ” Trung thu mà Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã “chu đáo” chuẩn bị. Cách thể hiện của những mâm cỗ này khá phong phú: từ phỏng dựng mâm cỗ Trung thu truyền thống của người Hà Nội đầu thế kỷ 20 dựa trên các tư liệu tranh vẽ, bút ký của Henri Oger, Nguyễn Tuân, Phan Kế Bính, Vũ Bằng...; đến những mâm cỗ đầy đủ các thức đặc trưng của mùa thu gửi gắm vào đó bao ước vọng tốt lành.

Chú thích ảnh
Mâm cỗ Trung thu truyền thống qua trưng bày trực tuyến “Trung thu sum vầy”

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư sử học Lê Văn Lan, cố vấn của chương trình, cho biết: Theo quan niệm dân gian, Rằm tháng Tám là thời điểm người nông dân vừa kết thúc mùa gặt, ăn mừng mùa màng bội thu và cảm tạ trời đất cho mưa thuận gió hòa. Vì vậy, trong mâm cỗ trông trăng truyền thống mang không khí sum vầy đoàn viên không thể thiếu mâm ngũ quả, xung quanh trang trí vật phẩm con giống cùng bánh trung thu. Ngoài bánh trái cho trẻ nhỏ, người lớn còn có vài món mặn để trông trăng như: giò ốc nhồi lá gừng, hay mâm cốm với nải chuối chín.

Cũng theo Giáo sư Lan, từ “sum vầy” trong chủ đề Trung thu năm nay tại Hoàng thành đặc biệt có ý nghĩa, được BTC sử dụng mang hàm ý “sum vầy để tạo ra hạnh phúc trong gian khó”. Và, việc tổ chức trưng bày thông qua công nghệ hiện đại được ông đánh giá là “hợp tình, hợp lý” trong vào thời cả nước cùng đoàn kết trong nhiệm vụ phòng dịch, chống dịch.

Chú thích ảnh
Giỏ thiên nga bằng bông – món đồ chơi Trung thu từ thời bao cấp

Đặc biệt, trong mâm cỗ đoàn viên đang được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long, còn có những hình ảnh đặc sắc, thể hiện lời dạy của người xưa qua các điển tích cũ, như hình ảnh Lã Vọng câu cá.

Giáo sư Lê Văn Lan cho biết, Lã Vọng là nhân vật có thật trong lịch sử, gắn với truyện tích nhân danh những người hiền tài nhưng chưa được trọng dụng, đang chờ đợi thời cơ để xuất thế xuất lộ mà cống hiến cho đời. Và việc câu cá của nhân vật này không chỉ có tính “chờ thời” mà còn gắn với câu chuyện rèn giũa nghị lực và sự kiên nhẫn. Do vậy, trên mâm cỗ Trung thu, hình tượng và triết lý “kiên nhẫn” trong lịch sử vẫn được thể hiện khéo léo qua tạo hình độc đáo: con gà luộc được uốn mềm mại thành hình tượng người đội nón ngồi câu cá.

“Trong tết Trung thu ở một hoàn cảnh đặc biệt như thế này, chúng ta đang chờ đợi một cách tích cực cơ hội để vượt lên và chiến thắng đại dịch Covid-19. Hình tượng Lã Vọng câu cá đặt giữa mâm cỗ trông trăng sẽ rất có ý nghĩa, khi sự sâu sắc, thâm thúy trong điển tích xưa lại trở nên phù hợp trong bối cảnh hiện nay” - Giáo sư Lê Văn Lan nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Ông Lã Vọng câu cá làm từ gà luộc

2. Cũng gắn với những ký ức về Trung thu xưa, các em nhỏ có thể tiếp cận đa dạng những loại đồ chơi được phục hồi theo lối cổ dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân ở các phố cổ và làng nghề ven Thăng Long.

Nổi bật trong cuộc trưng bày online là món đồ chơi Trung thu mang nét tinh tế của người Hà Nội thời bao cấp - thiên nga bằng bông. Gia đình bà Quách Thị Bắc (Hàng Lược, Hà Nội) là gia đình nghệ nhân cuối cùng còn giữ nghề làm thiên nga bông đến bây giờ.

Bà Bắc chia sẻ, bản thân bà cũng không biết nghề này có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, cách đây khoảng 60 - 70 năm, trên phố Hàng Gai bày bán rất nhiều đồ chơi là các con giống bằng bông, từ con gà, con vịt, chim chóc, rồi thiên nga… Khi bước chân về làm dâu cách đây 30 năm, Bà Bắc đã được học nghề gia truyền này của gia đình nhà chồng.

Theo bà, mấy năm gần đây, thiên nga bông bán lẻ không còn được nhiều như xưa. Khách mua hàng chủ yếu là các phường, các quận ở Hà Nội, đặt để tổ chức Trung Thu cho thiếu nhi.

Hy vọng rằng, rằm Tháng Tám năm nay là sẽ kỷ niệm đáng nhớ với các em nhỏ, khi nhiều em phải giãn cách cùng bố mẹ tại nhà, song vẫn cảm nhận được phần nào không khí gắn bó, yêu thương trong ngày Tết đoàn viên…

Ngân Lượng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm