11/03/2020 13:30 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Chuyên mục “Đối thoại cùng Thể thao&Văn hóa” tuần này sẽ cùng chuyên gia Đoàn Minh Xương trò chuyện về những thuận lợi cũng như khó khăn của đội tuyển Việt Nam gặp phải khi vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á tạm hoãn để chuyển sang thi đấu vào thời gian khác.
“Cách đây không lâu, cá nhân tôi đã từng phát biểu rằng bóng đá Việt Nam nên chuẩn bị tâm thế để có thể xử lý ổn thỏa mọi việc trong thời gian sắp tới khi khả năng hoãn vòng loại World Cup là rất cao. Đến thời điểm này thì FIFA đã có quyết định chính thức về vấn đề này. Theo đó, các trận đấu của đội tuyển Việt Nam trong cuối tháng 3, đầu tháng 6 sẽ được tạm hoãn và dời vào trung tuần tháng 10, 11 năm nay.
Nhìn vào đây, chúng ta sẽ thấy vừa có cả thuận lợi lẫn khó khăn, có cả chuyện được và chưa được để bóng đá nước nhà tính toán, căn chỉnh và xử lý cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng VFF, ông Park và các bộ phận liên quan sẽ có những kế hoạch để tận dụng tối đa những khía cạnh thuận lợi đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất khó khăn đó”, chuyên gia Đoàn Minh Xương mở đầu câu chuyện.
“Nếu như trận đấu gặp Malaysia vẫn phải đá vào ngày 31/3 như lịch cũ, tôi nghĩ sẽ vô cùng bối rối cho chúng ta trên nhiều yếu tố. Đấy là từ con người, phong độ và cả những cập rập trong công tác tập trung, tập luyện, di chuyển, thi đấu.
Nếu như thế, V-League 2020 chỉ mới diễn ra có 3 vòng đấu. Quả là quá ít cho các cầu thủ làm nóng hay vào phom. Vì thế, cũng chưa đủ cho ông Park nhìn nhận, kiểm nghiệm lại chính xác phong độ của học trò. Như thế, hẳn nhiên bước chạy đà chưa phải ở mức hoàn hảo để có được những tiền đề cơ bản nhất cho trận đấu với Malaysia.
Vậy nên, các giải đấu trong nước sắp tới cùng thời gian rộng dài như thế, đủ để ông Park thẩm định các học trò cũ lâu nay, đồng thời có thêm cơ hội kiểm nghiệm những người đã được ghi vào sổ tay lâu nay chưa được sử dụng hoặc phát hiện ra những những nhân tố mới hơn. Chúng ta thuận lợi về công tác chuẩn bị nằm vào chỗ đó”.
“Thuận lợi tiếp theo rất dễ nhận thấy khi lịch thi đấu lùi lại chừng 7 tháng nữa sẽ vô cùng quý giá để đội tuyển Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng nhân sự hiện tại. 7 tháng được coi như quãng thời gian vừa đủ để những Trần Đình Trọng, Phan Văn Đức, Phạm Xuân Mạnh, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Quang Hải, Hà Đức Chinh hay cả Lương Xuân Trường bình phục hoàn toàn chấn thương, trở lại trạng thái tốt nhất.
Lúc đó, khi đã được thi đấu nhiều ở V-League cũng đủ cho họ lấy lại thể trạng, cảm giác thi đấu hay phong độ của mình. Chính quãng thời gian 7 tháng gián đoạn này cũng đủ cho việc Đoàn Văn Hậu hay Đặng Văn Lâm có thời gian xử lý, vượt qua thời điểm khó khăn gặp phải ở CLB nước ngoài”.
“Có nghĩa rằng từ đây đến tháng 10 năm nay, khi không có các trận đấu của ĐTQG, rõ ràng V-League có thể căn chỉnh, sắp xếp lịch thi đấu cho thật hợp lý để giải đấu trong nước hoàn tất công việc của mình. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, rất có thể đến tháng 10, các cầu thủ sẽ toàn tâm toàn ý và không vướng bận chuyện ở CLB, ở các giải đấu trong nước để tập trung lên tuyển”.
“Đương nhiên, dễ mình thì cũng dễ ta. Chúng ta có thời gian nghỉ ngơi, phục hồi chấn thương các trụ cột là điều hẳn rồi. Với các đối thủ cũng sẽ thuận lợi như thế về chuyện họ có thời gian để hòa nhập các cầu thủ nhập tịch (Malaysia, UAE) hay ổn định tổ chức (Indonesia).
Thời gian như thế sẽ giúp cho 7 cầu thủ đã, đang và sẽ được Malaysia nhập tịch hòa nhập vào lối chơi của họ. Trong khi đó, đội tuyển Indonesia hứa hẹn nhiều biến chuyển dưới sự dẫn dắt của HLV Shin Tae Yong. Ngay cả UAE cũng có đủ thời gian cho HLV vừa lên thay Ivan Jovanovic bắt nhịp và tạo ra những nét mới ở đội tuyển nước này”, chuyên gia Đoàn Minh Xương phân tích.
“Vì sao tôi đề cập đến câu chuyện tâm thế đón nhận và xử lý của chúng ta khi vòng loại World Cup 2022 phải tạm hoãn. Đơn giản, khi câu chuyện diễn ra như thế, sẽ có cả thuận lợi cùng khó khăn hiện hữu. Thuận lợi như tôi đã chia sẻ ở trên, còn khó khăn cũng sẽ nhiều. Vấn đề ở đây, chúng ta làm thế nào để hạn chế để khó khăn đó không ảnh hưởng quá lớn đến ĐTQG. Đầu tiên, dễ nhận thấy nhất, mọi kế hoạch chúng ta chuẩn bị sẽ đảo lộn.
Trước đây, chúng ta đã chuẩn bị các phương án về cả tập trung, đá giao hữu hay thi đấu chính thức đều dựa vào hệ thống được thống nhất của AFC hay FIFA. Cụ thể, những ngày theo lịch “FIFA Day” được xem là xương sống của hệ thống bóng đá toàn thế giới. Các châu lục, các Liên đoàn thành viên, các hệ thống giải quốc tế, quốc gia và giải trẻ đều sẽ căn cứ theo “FIFA Day” để tổ chức chuỗi sự kiện của mình”.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng bây giờ kế hoạch dựa theo chuẩn “FIFA Day” vào tháng 3 và tháng 6/2020 đã bị phá vỡ.
Ông Xương nói: “Điều đó đồng nghĩa với các chiến lược mà VFF và ông Park đã vạch ra cho bóng đá Việt Nam năm 2020 sẽ ít nhiều xáo trộn và không còn phù hợp nữa.
Ở đó, bao gồm cả hệ thống lịch thi đấu các giải đấu trong nước, AFC Cup cho các CLB của mình, thậm chí lịch của các giải trẻ quốc nội đều phải thay đổi. Vốn dĩ các giải đấu như thế này cũng đã phải căn chỉnh vì tình hình dịch bệnh hiện nay.
Vì thế vào lúc này các bên liên quan sẽ phải ngồi lại, tìm ra phương án, mất rất nhiều thời gian, công sức để rà soát, xử lý và đưa ra những kịch bản khác nhau cho thời gian sắp tới. Thật sự phức tạp và vô cùng nan giải, chứ không hề đơn giản”.
“Việc không phải đá vòng loại World Cup trong tháng 3 và tháng 6 sẽ khiến đội tuyển Việt Nam trải qua thời gian dài liên tiếp không có trận đấu chính thức nào. Lần gần nhất chúng ta ra sân ở cấp độ ĐTQG là trước Thái Lan hồi tháng 11 năm ngoái.
Rõ ràng, ông Park cùng các cộng sự sẽ phải đau đầu tính toán để duy trì thể lực, điểm rơi phong độ cho cầu thủ suốt hành trình dài hơi và căng thẳng này. Bên cạnh đó, việc phải thi đấu với lịch dày đặc vào cuối năm (cả vòng loại World Cup 2022 hay AFF Cup 2020) cũng đặt ra bài toán khó với ông Park và đội tuyển Việt Nam”.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, rất có thể trong thời gian từ nay cho đến lúc vòng loại World Cup tái diễn, ông Park sẽ thực hiện các đợt tập trung đội tuyển ngắn ngày theo kiểu ‘cuốn chiếu”.
“Chúng ta thấy kiểu tập trung này đã được thực hiện trong năm 2019 với đội tuyển U22 chuẩn bị cho SEA Games 30. Chính kiểu tập trung này đã đem lại hiệu quả để môi trường đội tuyển khỏi bị gián đoạn quá nhiều, đồng thời cũng để ghép nối đội hình và hòa nhập giữa các nhân tố cũ, mới trong lòng đội tuyển”.
“Nói tóm lại, tình thế sắp tới như thế buộc chúng ta phải chấp nhận cũng như đón nhận, không thể khác được. Nói một cách lạc quan nhất, đó là chúng ta sẽ giải quyết thật cụ thể từng câu chuyện, từng vấn đề để tận dụng tối đa thuận lợi mang lại. Đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất những yếu tố khó khăn chi phối đến ĐTQG trong thời gian sắp tới”, chuyên gia Đoàn Minh Xương chốt lại câu chuyện cùng Thể thao&Văn hóa.
Trần Tuấn (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất