Chuyên gia quốc tế 'hiến kế' chống ngập cho TP HCM

29/09/2015 14:40 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 29/9, nhóm chuyên gia quốc tế đến từ một số nước như: Nhật Bản, Malaysia, Đức... đã chia sẻ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về một số giải pháp chống ngập trên địa bàn thành phố như giải pháp trị thủy kết hợp, công nghệ phòng chống lũ lụt, mô hình sống chung với nước hay phương án chống ngập lụt thông minh.

Nhóm chuyên gia cho rằng, 2 quy hoạch về chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm quy hoạch 1547 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập, quy hoạch 752 do JICA - Nhật Bản lập, đang tồn tại nhiều điểm yếu.

Cụ thể, quy hoạch 752 (lập năm 2002) chưa đề cập đến biến đổi khí hậu, dự báo dân số thấp hơn thực tế còn quy hoạch 1547 (lập năm 2008) yếu trong công tác dự báo nên chưa lường hết mực nước thực tế (cao hơn mực nước thiết kế).

Từ đó, nhóm chuyên gia khuyến nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần có các giải pháp tăng lưu lượng thoát nước thông qua tăng tiết diện của hệ thống thoát nước, tính toán lại mực nước thiết kế; mở rộng, nâng cấp hệ thống thoát nước bẩn trong toàn thành phố; quy hoạch các khu vực thoát nước, lưu trữ nước bằng hồ, hầm, ống tiêu, trữ tạm thời. Ngoài ra cũng cần tính các công trình lâu dài với tầm nhìn đến năm 2050.


Thành phố Hồ Chí Minh ngập nặng do mưa lớn kéo dài. Ảnh: TTXVN

Theo chuyên gia đến từ Đức, với quan điểm sống chung với nước nên nước Đức nói riêng và nhiều nước trong khu vực Châu Âu nói chung đã đầu tư hơn 5 tỷ USD để xây dựng không gian cho nước, để nguồn nước trở về với tự nhiên.

Cùng với đó, người dân được trang bị hệ thống thông tin để sống cơ động khi nước lên và chủ động trở lại cuộc sống bình thường khi nước xuống. Mặt khác, tại thành phố cảng, quy hoạch đường dành cho người đi bộ, đường cho xe đạp phải cao hơn mặt nước biển từ 4 - 5,5m, còn các công trình kiến trúc và đường phố cao hơn từ 7,5 - 8m.

Trong khi đó, chuyên gia Nhật Bản lại tập trung vào giải pháp trữ nước đô thị, chia cống rãnh, bể điều tiết, cống ngầm trong thành phố (đường kính 12,5m, dài 4,5km). Tương tự, Malaysia cũng có xây đường hầm thoát nước mưa gồm 3 phần, trong đó 2 phần trên là đường, phần ở dưới là đường hầm thoát nước mưa. Khi lũ sắp đến, 2 tuyến trên sẽ được đóng lại để sơ tán giao thông, sau đó toàn bộ 3 phần sẽ được mở để sẵn sàng chứa nước lũ.

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải cho biết, ngập nước đang là thách thức mà thành phố phải đối mặt, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, chất lượng cuộc sống, gây bức xúc trong nhân dân. Đánh giá cao các giải pháp mà nhóm chuyên gia nước ngoài tham vấn, Bí thư Thành ủy đề nghị UBND thành phố cầu thị lắng nghe để rà soát lại đề án chống ngập; xử lý cục bộ và cấp bách các điểm ngập trên địa bàn.

Trần Xuân Tình - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm