27/02/2011 14:31 GMT+7 | Văn hoá
Ông Hòa cho biết:
- Tôi đã xem kỹ các tác phẩm của anh Dũng (Trần Công Dũng, tác giả của serie tranh về xe đạp) và anh Khởi (họa sĩ Nguyễn Đức Khởi, người vừa đoạt HCĐ với bức Dưới mưa). Trong nghề của chúng tôi, để so sánh 2 bức tranh thì không thể chỉ xem bằng cảm giác mà còn phải dựa vào hàng loạt quy chuẩn nghề nghiệp như bố cục, tạo hình, mảng miếng, đường nét, màu sắc, chi tiết... Theo cách nhìn ấy, ví dụ là có ác ý với Khởi đi nữa, tôi cũng không thể kết luận rằng cậu ấy “đạo tranh” của Dũng. Ở mức tối đa, chỉ nên đưa ra một giả thiết rằng Khởi chịu ảnh hưởng từ góc nhìn của người đi trước là Trần Công Dũng mà thôi.
- Xe đạp là vật dụng quen thuộc với người Việt Nam từ thời Pháp thuộc tới nay. Thế nhưng, biến xe đạp thành nhân vật chính để đặc tả “tới nơi tới chốn” thì trước Dũng chưa ai làm cả. Là người cũng sáng tác tranh khắc gỗ, tôi cho rằng cách nhìn của Dũng là một phát kiến tuyệt hay, mang đậm dấu ấn cá nhân.
Sau Dũng, Khởi là người thứ 2 chọn đối tượng chính để vẽ là xe đạp, đúng hơn là một quần thể xe đạp cộng lại với góc nhìn từ phía bánh sau (không phải là từ phía trước hay nhìn ngang xe). Nói chung, anh Dũng có hướng nhìn đặc sắc chưa ai làm, anh Khởi vẽ sau nên ta cũng có thể suy diễn là Khởi từng bị hấp dẫn và chịu ảnh hưởng từ tranh của Dũng.
Bức Lấp ló (trên) của Trần Công Dũng và bức Dưới mưa của Nguyễn Đức Khởi
* Vậy đâu là những điểm khác nhau giữa bức Dưới mưa của Khởi và tranh của Trần Công Dũng?
- Sáng tác của Dũng thuộc chuyên ngành đồ họa. Nhược điểm của loại hình này là việc bắt tác giả phải bỏ không gian thật để đi vào đặc tả và cách điệu, chứ không phải là tả thực, tả tinh vi, tả “tới nơi tới chốn”.
Ngược lại, dù không thật thích bức Dưới mưa, tôi vẫn phải công tâm cho rằng anh Khởi cũng có những bước đi khác, kèm theo là một số sáng tạo chắc chắn là của riêng mình. Khởi vẽ tranh sơn dầu nên tác phẩm buộc lòng không thể cô đọng được mà phải phong phú, có xa - gần, nhòe - nét, mạnh - yếu, có độ “vờn” cách điệu... Chưa kể Khởi còn tả mặt đất có bóng nước một chút, tả đám người đằng xa cũng khá tinh tế.
* Nếu cần xác định, ông có thể phác ra ranh giới giữa 2 khái niệm “đạo tranh” và “chịu ảnh hưởng” không?
- Nôm na, một bức tranh có thể coi là “đạo” nếu giống bức tranh khác tới 60% các tiêu chí về bố cục, tạo hình, mảng miếng chi tiết... như tôi đã nói. Xin lấy ví dụ về trường hợp 2 bức tranh cổ động của Nguyễn Tấn Khởi (Việt Nam) và của Rewais Hanna (Mỹ) mà dư luận từng nêu (Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa chính cũng là một trong những người đầu tiên vừa phát hiện và lên tiếng về trường hợp họa sĩ Nguyễn Tấn Khởi giành giải A tại cuộc thi “Phòng chống HIV/AIDS cho thanh niên” bằng một bức tranh “ăn cắp ý tưởng” một bức tranh cổ động tại Mỹ - PV). Hai bức cổ động giống hệt nhau về chi tiết hình người đang đưa tay cao lên và hình tròn. Trong hội họa, nói nôm na thì hình tròn là biểu trưng của sự viên mãn, trọn vẹn. Bức tranh Việt Nam lặp lại “hạt nhân cốt lõi” là chi tiết và ý tưởng về con người đang vươn tới sự viên mãn như một cứu cánh cho mình, vậy nên có thay đổi vài chi tiết phụ thì cũng không thể thoát cái kết luận là đạo tranh.
Theo ông Hòa, những trường hợp như 2 bức tranh của Nguyễn Tấn Khởi (bên trái) và Rewais Hanna (Mỹ) mới có thể quy là đạo tranh.
* Câu hỏi cuối cùng: giới mỹ thuật thường đánh giá thế nào về việc một tác giả “chịu ảnh hưởng” của người khác như ông nói?
- Cá nhân tôi năm 2005 có tham gia một đợt thanh tra tại các gallery toàn quốc. Trong một gallery tại phía Nam có bức tranh khá giống với một tác phẩm mà cha tôi từng vẽ. Rất bực bội và khó chịu nhưng khi xem thật kỹ, tôi cũng chỉ có thể kết luận rằng đó là chuyện “chịu ảnh hưởng” chứ không phải đạo tranh. Nói rộng hơn, là người nhiều năm giảng dạy về lịch sử mỹ thuật, tôi biết chuyện “chịu ảnh hưởng” là điều khá phổ biến trong lịch sử thế giới.
Nhìn chung, mỗi người có một quan điểm riêng về điều này. Nếu tôi có những sáng tạo đặc biệt, được đánh giá cao như anh Dũng thì có lẽ cũng chẳng vui vẻ gì khi có người đi theo hướng của mình. Nhưng khi ấy, hãy nghĩ tới việc bình tĩnh và công tâm để đánh giá xem tác phẩm kia có khác gì mình về tinh thần, ý tưởng hay cách miêu tả không, chứ chưa nên kết luận ngay.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
“Theo tôi thì không nên quá nghiêm trọng việc này, bởi vì không phải là sự “copy” chủ động. Tuy nhiên, cũng rất cần đưa sự việc này ra bàn luận công khai trong dư luận xã hội...”. Đó là ý kiến của nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Trung (Viện Mỹ thuật)
Kỳ sau: Các chuyên gia nói gì?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất