18/07/2017 19:10 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Vĩnh Phối là một họa sĩ có cá tính sáng tạo, và là một giảng viên mỹ thuật đức cao vọng trọng tại Huế. Ông sinh ngày 3/8/1937 (căn cước ghi 1938), đã tạ thế lúc 9h00 sáng ngày 17/7/2017, thọ 81 tuổi.
Tang lễ quàn tại tư gia ở nhà số 12 Bạch Đằng, Phú Cát, thành phố Huế. Lễ viếng từ sáng 18/7, lễ di quan vào lúc 6h20 ngày 22/7/2017.
Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó giáo sư - Nhà giáo ưu tú, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường đại học Nghệ thuật Huế.
1. Ngày trước, đa phần những ngôi nhà ở phố đều có giếng trời, nhìn ngôi nhà là biết phong cách của gia chủ, luôn hướng đến và gần gũi thiên nhiên. Ngôi nhà họa sĩ Vĩnh Phối trên đường Bạch Đằng, phía trước sông Đông Ba - một nhánh sông đào thời triều Nguyễn.
Họa sĩ Vĩnh Phối thuộc dòng đế hệ, phòng Trấn Định Quận công. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1958, tu nghiệp ở Học viện Mỹ thuật Roma, Italia từ năm 1959 đến năm 1966. Ông tốt nghiệp hội họa và điêu khắc, cùng chứng chỉ nghiên cứu mỹ thuật của khoa Văn tại Học viện Mỹ thuật Roma. Ông cũng là người sáng lập và Tổng thư ký Hội Nghệ sĩ châu Á ở Roma.
Từ năm 1967 đến 1975 ông làm Giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Năm 1973, ông được hưởng học bổng UNESCO nghiên cứu mỹ thuật Đông phương qua các nước Nhật, Hàn Quốc, Ấn độ, Tích Lan, Thái Lan.
Sau 1975, ông được phong Phó giáo sư về mỹ thuật, Nhà giáo ưu tú và giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế cho đến ngày nghỉ hưu (1999). Ông vừa là người thầy, vừa là một họa sĩ thực thụ trong thế giới sáng tạo của mình.
Họa sĩ Vĩnh Phối đã có những triển lãm cá nhân ở nước ngoài: Năm 1961, triển lãm Nhà Sinh viên quốc tế Roma. Năm 1962 triển lãm Gallerie Marguta, Roma. Năm 1963, triển lãm Gallerie Trinita Dei Monti, Roma. Năm 1965, triển lãm Gallerie Approdo Romano, Roma. Năm 1973, triển lãm Salon Auto Garden Mitsubishi, Tokyo. Ngoài những triển lãm chung trong nước, họa sĩ Vĩnh Phối có nhiều triển lãm nhóm ở các nước Ý, Brazil, Pháp, Thụy Sĩ, Thái Lan,…
Đầu thập niên 1960, ông đã có những giải thưởng quốc tế: Năm 1960, giải Targa d’Agent. Triển lãm mùa xuân Genova, Italia. Năm 1961, Huy chương Bạc triển lãm sinh viên mỹ thuật quốc tế Rome de journale del Italia bảo trợ. Năm 1962, giải nhì tác phẩm được sưu tập ở Việt Nam và nước ngoài (Ý, Pháp, Nhật, Đức, Áo, Thụy sĩ….). Cuộc thi quốc tế mỹ thuật đương đại Bracciano, Roma. Năm 1962, Huy chương Bạc triển lãm quốc tế mỹ thuật đương đại Viterbo, Italia. Ông đoạt giải thưởng triển lãm toàn quốc các năm 1980, 1995, có tác phẩm được lưu trữ ở các bảo tàng mỹ thuật tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và bảo tàng nước ngoài.
2.Tranh của ông như những vòng xoáy cuộn vào nhau, tiếp nối tương tục, không gián đoạn, không rời rạc, ngoài khoảng trống vô biên là những biến động của thế gian, của từng cá thể, của xã hội. Như làn sóng tâm vi tế mà mãnh liệt, như ba đào của đại dương trùng trùng duyên khởi.
Mà tâm điểm của cơn biến động đó khiến người xem tranh ông bị hút vào tâm chấn của sự khởi nguyên, ở đó chưa định hình một hình thể, chưa diễn đạt một ý niệm nào, cõi đó cứ như thật tánh của cái thấy chưa qua bất kỳ lớp phiên dịch nào của nhận thức, của ngôn ngữ, của luân lý,… có thể mượn một từ, dù hơi cường điệu nhưng không thể nào khác hơn: hỗn nguyên.
Phải chăng hỗn nguyên cũng chính là tánh không, nơi vùng năng lượng cứ khoái hoạt để sản sinh ra vật chất, để ánh sáng được bùng phát chói lòa, để những đám mây tự tánh rơi xuống mặt toan vô vàn hạt nước vỡ ra nguồn mạch của sông ngòi, của suối khe, của thác ghềnh tuôn chảy xô về phía khơi xa.
Từ đất nâu, những vòng cung vàng hư ảo quay cuồng theo tiết điệu của cơn rung cảm, tôi hình dung những đường bay lóe lên như lưỡi kiếm của tráng sĩ lấp loáng giữa đêm trăng cô liêu.
Những lúc màn đêm buông xuống, thỉnh thoảng đối ẩm cùng ông dưới dốc cầu Gia Hội, nhìn nét mặt vị thầy lừng danh một thời như hóa nhi, tôi không hiểu ông đạt đạo đến đâu, chỉ biết rằng ông cười nói như trẻ nhỏ. Và những lúc hứng khởi, ông kéo tôi vô nhà chỉ tranh rồi nói huyên thuyên về một thế giới xa xăm. Bất giác, trên những nền toan tù mù đó, phát lên thứ ánh sáng lung linh như những ngôi sao lấp lánh thay cho bầu trời đêm ba mươi.
Cách ông nhìn sự vật, chiêm ngắm cuộc sống, nhìn cái đẹp và cả sự khắc nghiệt cùng khoảng tối xã hội và đưa vào nền toan trắng rất khác lạ. Cũng chừng ấy màu sắc, cùng những đường bay mạnh và sắc, rồi những vòng cung,… ông đã tạo ra những khúc biến tấu khiến người xem ngỡ ngàng như bước vào khu rừng của âm thanh và ánh sáng.
Nơi đó là giai điệu rung ngân của “Không gian vũ trụ” với những áng rêu màu lục già, là ánh nến lung linh của “lễ hội hoa đăng” trong sắc đỏ thắm, là mùa xanh trong những khu vườn của xứ sở thần kinh, là “trừu tượng tâm linh”, là “sức sống mới” của những ban mai vàng nắng,… Sức sống mới là tác phẩm mà họa sĩ Vĩnh Phối đã hiến tặng cho bảo tàng mỹ thuật trong tương lai ở Huế.
Ngoài loạt tranh trừu tượng như một dòng chảy xuyên suốt, ông còn vẽ tĩnh vật, vẽ tranh bán khỏa thân, vẽ phong cảnh Huế, vẽ sông Hương và những tác phẩm đậm dấu ấn minh triết phương Đông như Thiên địa nhân, Con rồng cháu tiên, Rồng thiêng, Ngọ Môn Huế, Cổng phủ thờ Phong Quốc Công,… cùng những bức tranh với biểu tượng văn hóa Việt Nam nói riêng và Đông phương nói chung, trong đó có cổng tam quan, trống đồng, hà đồ lạc thư, thái cực, biểu tượng âm dương dịch lý…
Loạt tranh đáng chú ý của Vĩnh Phối về chủ đề tôn giáo, khiến người xem phải chau mày như: Hỏa diệm hóa hồng liên, Nhập pháp giới, Tam bảo, Bể khổ, Chuyển động tâm thức…
3. Trong một lần triển lãm tranh với đề tài về Phật giáo ở Liễu Quán, Huế của nhiều tác giả. Tôi nhìn tranh họa sĩ Vĩnh Phối, rồi nói bên tai họa sĩ, thầy đã nhìn thấy tục đế của Phật giáo bây giờ rồi, thầy nhìn tôi rồi nói “chỉ có mi mới hiểu” và cười rất ngây ngô.
Hôm đó, tranh của họa sĩ Vĩnh Phối vẽ lục đạo, vẽ sự nghiêng ngã, vẽ những bấp bênh của thuyền âm và cả một khoảng trống sâu hút vào lòng đất. Tôi xem loạt tranh đó mà cõi lòng buồn vô hạn, càng buồn càng nể phục ý tưởng và cảm nhận của người họa sĩ tên tuổi này.
Ngoài vẽ tranh, ông còn điêu khắc, trong đó có bức tượng đồng người tình trăm năm Thạch Huệ yêu mến của ông, bức tượng chân dung một người đàn ông và tác phẩm Hòn ngọc viễn đông điêu khắc đá tổng hợp, đá ngọc, pháp lam…
Ông có dáng người cao, mảnh khảnh, da trắng, đôi mắt mông lung, nhìn như không nhìn, thích vui đùa, khi cao hứng có thể nhảy múa hồn nhiên như trẻ thơ. Thích uống bia, và để lại nhiều giai thoại vui trong giới lưu linh.
Nghệ thuật hội họa của họa sư Vĩnh Phối đã được so sánh với trường hợp thi ca của đại thi hào Rabindranath Tagore của Ấn Độ, nhưng với riêng tôi khi đứng trước tác phẩm của Vĩnh Phối, như bước vào một khoảng trống sâu hút, mà những sắc màu uyên nguyên và đường nét đang tương tác cùng nhau để chuyển động “hóa thân” liên tục, tạo ra một cõi hỗn nguyên như một bí mật nhỏ trong vũ trụ vĩ đại này.
Huế, 10/2016-7/2017
Lê Huỳnh Lâm
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất