Họa sĩ Phương Quốc Trí: Từ ngủ vỉa hè tới chủ phòng tranh đương đại

13/03/2012 14:15 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Nếu muốn tìm danh sách 10 họa sĩ trẻ (7X, 8X) có tranh bán chạy nhất hiện nay của Việt Nam thì chắc chắn không thể thiếu Phương Quốc Trí (sinh 1976). Bằng con đường tự học, Phương Quốc Trí lò mò vào đời với đủ thứ nghề, để đến một ngày, anh quyết định theo nghiệp hội họa và nay là chủ phòng tranh đương đại.

Vào lúc 17h30 ngày 10/3 tại phòng tranh của mình - Cactus Comtemporary Art (17/12 Nguyễn Huy Tưởng, Q. Bình Thạnh, TP.HCM) - Phương Quốc Trí đã khai mạc triển lãm cá nhân Đời ốc, giới thiệu một hướng mới của anh.

13 tuổi vất vả mưu sinh

Phương Quốc Trí sinh ra tại Phan Rang, 12 tuổi đã cùng gia đình vào Sài Gòn lập nghiệp, nhưng do quá nghèo, phải vạ vật ngủ vỉa hè, ở nhà hoang trong một thời gian dài. Bị giới giang hồ và đồng tính quấy rầy khá nhiều lần. Trí kể, 13 tuổi đã theo học nghề bảng hiệu quảng cáo, vẽ từ tiệm cơm, rạp chiếu phim cho đến nhà thờ, bệnh viện; 15 tuổi đã cỡi xe đạp “đánh show” khắp Sài Gòn. Mỗi ngày lúc đó Trí kiếm được 5.000 đồng, đủ trang trải cho hai bữa cơm đạm bạc của gia đình, gồm 7-8 miệng ăn.

“Tôi nghỉ học sớm để lo chuyện kiếm cơm và sinh sống, nhưng được cái biết học lóm nên cũng dễ thích nghi, làm ở đâu cũng được người ta quý, được giao nhiều việc. Lúc mới vào đời, do quá cực, nên nhìn cái gì cũng bi quan, lúc nào cũng cau có, quạu quọ, chỉ mong có dịp thay đổi hoàn cảnh sống”, Phương Quốc Trí kể. 

Khi còn ở vỉa hè, những buổi tối về sớm, Trí thường tranh thủ những cột đèn có ánh sáng để tập vẽ hình họa, quen ai cũng nhờ ngồi mẫu để tập vẽ chân dung. Những lúc đến các xưởng chép tranh là “liếc ngang nhìn dọc” để học lóm, vì không có điều kiện đi học trực tiếp, nên bạn bè và sách vở là người thầy đi qua năm tháng.

Làm nhiều nghề để bám trụ tại Sài Gòn, mãi đến khi lấy vợ và sinh con thì Phương Quốc Trí mới đủ điều kiện để đi học bổ túc văn hóa. Sau khi lấy bằng cấp 3, anh định thi vào ĐH Mỹ thuật TP.HCM, nhưng vài bạn bè khuyên việc học cũng có nhiều cách, nhà trường chưa chắc phù hợp với tất cả mọi người. Thế là Trí lại tiếp tục con đường tự học và tự luyện tập theo điều kiện của bản thân.

Khoảng năm 29 tuổi, khi còn ở nhà trọ, Trí vẽ bức đầu tiên mà người mẫu là đứa em gái. Vẽ chỉ với ý định để chia sẻ, không ngờ khi đem ra khoe với mấy người làm phòng tranh thì lại bán được với giá 450USD, tác giả thu về 50%. Sau bức tranh này, Trí lại vẽ một chân dung tự họa khổ nhỏ, trên giấy, bằng cách ngồi nhìn vào kiếng và “đồ theo nó”, bức này cũng bán được 150USD. Hai lần giao dịch bất đắc dĩ và tình cờ đã thúc giục Trí dành nhiều thời gian hơn cho việc vẽ tranh, mà trước đó, vì mưu sinh mà không dám phiêu lưu. Từ đó đến nay, khoảng 8 năm, bằng việc vẽ và bán tranh, Phương Quốc Trí đã thay đổi dần đời sống của mình, từ nhà trọ chuyển sang nhà riêng, có xưởng vẽ riêng và bây giờ là mở phòng tranh riêng để kinh doanh nghệ thuật. Tham vọng của anh là bắt nhịp cầu để kết nối mỹ thuật đương đại Việt Nam với khách hàng và các tổ chức nghệ thuật ở nước ngoài

Đời Trí như đời ốc

Phương Quốc Trí kể rằng sở dĩ anh làm triển lãm sắp đặt Đời ốc lần này là vì một lần chán chường, ngồi nhìn còn ốc ma (ốc sên cỡ lớn) lê tấm thân nặng nề mà cảm thấy đồng điệu. Anh chợt thấy rằng đời mình cũng như đời ốc, chầm chậm và nặng nề lê bước qua các con phố, sống đâu biết đấy, nhưng được cái nhẫn nại. Nay phải làm một triển lãm để kỷ niệm lại ngày tháng cũ, những ký ức chẳng thể nào quên.


Sắp đặt tác phẩm Đời ốc

Khi được hỏi tại sao lại chọn những công việc liên quan đến “vẽ vời” để lập nghiệp, Phương Quốc Trí cho biết đó là do cảm hứng từ bố. Lúc 7-8 tuổi, khi còn ở quê, đáng lẽ chạy nhảy ra đồng theo đàn bò trong xóm thì Trí lại ở nhà bắt chước cha (Phương Trí Tôn) vẽ hình người. Đây là số vốn rất nhỏ, nếu ở quê luôn thì chắc Trí khó thành họa sĩ, nhưng khi vào Sài Gòn, chẳng biết làm gì, tự nhiên nghĩ đến cây cọ nên cầm nó lên để đi xin việc.

Tại triển lãm Đời ốc có một sắp đặt gồm giỏ ốc đỏ, khoảng 200 con ốc ma, vài con bò ra ngoài... Có thể xem đây là một trong những ẩn dụ về cái nghiệp mà Trí đang theo đuổi. “Tôi nghiệm ra một điều rằng, dù ở địa vị nào, người ta cũng phải vác trên vai mình một trọng trách nặng nề. Cái “vỏ” ấy vừa là vật bảo vệ, vừa là bản sắc, vừa là định mệnh của mỗi người”, Phương Quốc Trí tâm sự.

Khi tôi hỏi có khi nào Trí tự cắt nghĩa lý do tại sao mình bán tranh chạy như tôm tươi không? Trí cho rằng mình chỉ nhờ may mắn. “Trong thiên hạ, người giỏi hơn mình nhiều vô kể, nhưng có một sự thật là may mắn lại không chia đều cho tất cả, nên mới có người thành công, người thất bại. Tôi thì chưa nghĩ mình thành công, nhưng do tự lập và lăn lộn từ nhỏ, khi cơ hội đến là tôi nắm lấy ngay, không chần chừ”, Trí khẳng định.

Hiện tại, ngoài thời gian dành cho vẽ tranh và làm các dự án nghệ thuật, Phương Quốc Trí cũng mất khá nhiều thời giờ cho việc điều hành phòng tranh Cactus, nơi có tham vọng sưu tập và giới thiệu nhiều tác phẩm mỹ thuật đương đại Việt Nam ra thế giới.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm