09/10/2021 12:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Kỷ niệm thời ấu thơ luôn in đậm trong ký ức của nữ hoạ sĩ Văn Dương Thành và theo suốt hành trình hội họa của chị. Nhân kỷ niệm 67 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2021), cùng nhìn lại những tác phẩm đầy chất Hà Nội của chị.
Từ Thăng Long đến Hà Nội, pho sử được chép trên những mảng tường, mái ngói rêu phong của thủ đô - đặc biệt được diễn tả trong 200 bức tranh của Văn Dương Thành, kết quả của 40 năm cầm bút vẽ về phố cổ Hà Nội.
Nữ hoạ sĩ kể: Khi mới ba tuổi, chị lẫm chẫm nắm chặt tay cha bước đi trên cầu Thê Húc lát gỗ, nhìn xuống giữa những thanh gỗ là mặt hồ xanh biếc với gợn nước long lanh. Chị sợ lọt chân xuống khe gỗ nên níu lại đòi cha bế. Cha dẫn chị vào thăm viếng đền Ngọc Sơn - nơi đến thăm của tất cả du khách mỗi khi đến với Hà Nội. Kỷ niệm thời ấu thơ luôn in đậm trong ký ức của chị và theo suốt hành trình hội họa.
Bức tranh “Hoa bên hồ Hoàn Kiếm” với phong cách Ấn Tượng (Impressionism) ghi lại khoảnh khắc nắng vàng rực rỡ tỏa trên nét mái cong giản dị nhưng rất tinh xảo, cỏ cây hoa lá vươn lên từ những gốc cây cổ thụ rủ bóng mát xuống mặt nước hồ quanh năm xanh biếc.
“Hà Nội những năm 1920” là bức tranh sơn mài có nhiều mảng màu hơi trừu tượng, nhìn kĩ sẽ thấy những chi tiết mái ngói mũi hài hoặc ngói âm dương phủ rêu và nhiều căn nhà lúp xúp rất duyên dáng dựa bên nhau. Những tán lá cây bàng già, cây xà cừ cổ thụ trăm năm tuổi bên những chồi non mới xanh biếc, tất cả dưới ánh sáng vàng rực rỡ.
Với bút pháp biểu hiện và trừu tượng có gợi hình; màu sắc đối chọi mạnh mẽ và lộng lẫy cho đến rất nhẹ nhàng, êm ái được chị ghi lại từ những cầu thang lộ thiên nhỏ hẹp chạy giữa những bể nước, ống máng nước mưa bằng sành nung; cả quần thể đó nhưng kể câu chuyện của bao mảnh đời, của nhiều thế hệ đã sống qua trong những ngôi nhà cũ kỹ này - chính màu thời gian đã làm nên sự quyến rũ và cái đẹp rất độc đáo, rất thương nhớ, hoài niệm của một Hà Nội xưa.
Có rất nhiều làng cổ ở Hà Nội, Đông Ngạc là nơi hoạ sĩ Văn Dương Thành thường lui tới và vẽ hơn 20 bức tranh. Con đường làng sống trâu vẫn còn bên những căn nhà mái thấp, kiến trúc hòa hợp giữa kiểu nhà nông dân và kiến trúc Pháp; vẫn những tam quan, mái cổng vững chắc, nặng nề, tiếp nối nhau với những mái cong thấp trĩu và hành lang giữ mát cho căn nhà. Bể nước mưa, vại, sành, gốc mít vẫn còn lại....
Hà Nội với rất nhiều kỷ niệm của các văn - nghệ sĩ, cả cuộc đời gắn bó với lịch sử quê hương, trải qua hai cuộc chiến tranh, mà tác phẩm của họ vẫn thăng hoa và mãi mãi rung động người xem. Ngôi nhà trên là một tòa kiến trúc Pháp hơn trăm năm - rộng lớn bốn tầng với những mái cong và nhiều ban công nhỏ vươn ra hứng ánh nắng từ những cây hoa sữa cao ngất. Nơi đây đã sống các bậc thầy hội họa như Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, và Mai Văn Hiến, Văn Giáo, Trần Đông Lương…
Chị kể, khi còn là học sinh mỹ thuật 17 tuổi đã được họa sĩ Bùi Xuân Phái dẫn đến thăm, ngắm tranh và uống trà với các bác. Nhìn những tác phẩm họ vẽ về Hà Nội những năm đầu thế kỉ XX và sau này thật là sâu sắc và mang đậm hồn Việt.
Tranh sơn mài “Ngôi nhà Nghệ sĩ 65 Nguyễn Thái Học” này là một địa danh xuất hiện hơn 20 lần trong tranh sơn mài Văn Dương Thành; dưới nắng vàng, dưới ánh trăng xanh, trong mùa xuân, hạ, thu, đông, vừa nhuốm màu thời gian, vừa tưng bừng rực rỡ... Với sự ngưỡng mộ và yêu mến với các bậc thầy, ngôi nhà này trở nên thiêng liêng đối với thế hệ sau.
Khác với Phố Cổ của danh họa Bùi Xuân Phái (1920 - 1988) - người thầy tinh thần của Thành. Phố Cổ của ông trầm mặc, sâu lắng, rất kiệm màu và vắng người, với nét bút nhẹ nhàng và các gam màu ghi chuyển tông rất tinh tế, phần lớn vẽ trên những mảnh bìa nhỏ bằng bàn tay, ngoại trừ một số tranh trên toan. Những tuyệt phẩm này đang được đấu giá và trưng bày ở nhiều bộ sưu tập quốc tế.
Được biết đến là một trong những họa sĩ nữ tài năng của Châu Á, Văn Dương Thành lớn lên ở Hà Nội và học 12 năm tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ 1980 - 1987, bà từng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Văn hóa, Bộ Văn hóa. Từ đó đến nay, bà sáng tác và dạy hội họa tại Thụy Điển và Hà Nội.
Thảo Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất