Trường Sa & vẻ đẹp của lòng quả cảm

07/08/2012 14:26 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tuy đều đã có những tước hiệu Nghệ sĩ xuất sắc của Hội Nhiếp ảnh VN (EVAPA) và Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật thế giới (EFIAP), nhưng cho đến nay, ông chưa hề trình làng một triển lãm cá nhân nào. Phải sau chuyến đi Trường Sa vào tháng 4/2012, Vũ Anh Tuấn mới quyết tâm làm triển lãm cá nhân đầu tay của mình, bằng bộ ảnh tuyệt đẹp chụp phong cảnh và con người Trường Sa (khai mạc sáng mai, 8/8, tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội).

Sinh năm 1961, năm 1990, nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Vũ Anh Tuấn là hội viên trẻ tuổi nhất của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh. Năm 1997, ông về làm việc tại báo Nhân dân. Trước cuộc triển lãm, ông trò chuyện với chúng tôi về động lực đã khiến ông đi đến quyết tâm đó.



Tác giả Vũ Anh Tuấn thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ đã hy sinh ở Trường Sa

Từ những trăn trở với Trường Sa

* Thưa ông, hơn 20 năm tuổi nghề ảnh, tại sao ông chưa bao giờ tổ chức một triển lãm ảnh cá nhân cho mình?

-  Nếu nói đến số lượng tác phẩm của tôi đã có thì không thiếu. Nhưng triển lãm chỉ để “báo cáo thành tích” thì tôi không muốn. Đối với một người sáng tác nhiếp ảnh, để đưa ra một triển lãm cá nhân, có hai vấn đề cần cân nhắc, mà thiếu một trong hai đều hỏng.

Thứ nhất là bản lĩnh nghề nghiệp của anh đến đâu, đã đủ để “ra gió” chưa, khán giả sẽ đón nhận ra sao? Vấn đề thứ hai là kinh phí, để triển lãm, bây giờ tối thiểu cũng phải mất chừng 50 triệu đồng. Nhiều người có tiền, bỏ ra mua vui, nhưng nghề yếu, thì cũng chẳng đâu vào đâu.

* Vậy động cơ nào đã khiến ông quyết tâm làm triển lãm cá nhân đầu tay của mình, bằng bộ ảnh Trường Sa mà không ngại tốn kém?

- Chuyến ra thăm Trường Sa tháng 4 vừa qua, quả thật làm tôi rất xúc động và tốn… rất nhiều ảnh. Tôi chụp khoảng 300 Gb ảnh, phải mua riêng một chiếc máy tính trước chuyến đi để dùng đổ ảnh lưu trữ. Thú thật là sau khi về, tôi chưa nảy ra ý định triển lãm ngay.

Ý tưởng khiến tôi muốn tổ chức triển lãm nảy ra rất bất ngờ. Vào một buổi sáng Chủ nhật, tôi đi tập thể dục trong công viên Thống nhất. Tôi quan sát một buổi sáng bình yên chim hót của Hà Nội, người thủ đô lớn, bé, già, trẻ, vui vẻ tập thể dục, vui đùa. Lòng tôi chợt nhớ lại những chuyến đi của mình trước đây tới những nơi xa xôi, hiểm trở, khó khăn của đất nước và chuyến đi Trường Sa vừa qua.

Cảm xúc dâng về, tôi tự hỏi rằng không biết những con người đang ở giữa trung tâm đất nước, hưởng sự yên bình vô tư lự này, họ có biết được ở những vùng biên cương hải đảo xa xôi, có những đời sống khác của những người con đang canh giữ đất nước, để góp một phần cho sự yên bình ấy không? Thế là tôi quyết định ngay lập tức  phải đưa ra triển lãm bộ ảnh này.

Tôi bàn với anh em trong cơ quan và sau đó được sự ủng hộ nhiệt tình của lãnh đạo cơ quan, tiếp nữa là sự ủng hộ của Bộ Tư lệnh Hải quân và các đồng nghiệp, bạn hữu.


Một tác phẩm trưng bày tại triển lãm

Trường Sa đẹp lộng lẫy   

* Những câu chuyện, ấn tượng nào sâu sắc nhất về Trường Sa mà ông có thể kể lại?

-  Trong chuyến đi, cảm xúc cứ tăng dần và dồn dập. Đến mỗi đảo, thiên nhiên, con người lại được “thiết kế” một cách khác nhau. Nên tôi có quá nhiều câu chuyện lắng đọng mà bây giờ khó có thể kể hết. Nhưng nếu nói đến ấn tượng, thì điều làm tất cả chúng tôi xúc động nhất là sự lạc quan, nhiệt tình của lính trẻ.

Bản thân tôi đã từng đi bộ đội, đóng ở Nha Trang. Nhưng tôi ở giữa đồng đội đông đảo, cuối tuần còn được ra phố chơi. Còn ở đây, có những đảo nhỏ chơ vơ giữa trời nước mênh mông, vài chục chiến sĩ quanh đi quẩn lại, nước biển và sự cô đơn làm se hết cả người. Chúng ta cứ thử hình dung mình ở thành phố, chỉ mất điện một lúc đã không chịu nổi. Còn ở đảo nếu không có nghị lực kinh người thì không chịu nổi những khó khăn ở đó đâu.

* Ai xem qua bộ ảnh của ông (68 bức, lựa chọn từ gần chục nghìn ảnh) đều thấy Trường Sa quá đẹp, đến mức lộng lẫy. Sự khó khăn cũng không thấy ở trên ảnh. Liệu ảnh và điều ông muốn nói có mâu thuẫn nhau không?

- Thú thực là khi về xem lại (không phải tự khen mình), nhưng tôi cũng thấy bộ ảnh Trường Sa này đẹp quá. Phong cảnh ở đó đẹp tuyệt trần, ai đã ra thì đều biết. Nhưng khó khăn thiếu thốn thì vẫn khó khăn thiếu thốn, chẳng mâu thuẫn gì cả, mà mỗi thứ càng tương phản nhau đậm đặc hơn. Thiếu thốn thì đương nhiên, nhưng bù lại, người lính đảo cũng được ở những nơi lộng lẫy sắc màu… như thiên đường vậy. Người xem cũng thấy là biển đảo quê hương đẹp thế, càng cần phải chung tay gìn giữ chứ.

Ngoài cái đẹp của phong cảnh ở đây, tôi vẫn muốn nói với người xem ở góc độ cảm nhận của riêng tôi về Trường Sa. Đó là một Trường Sa lộng lẫy trời mây nước, với những con người ở nơi đầu sóng ngọn gió canh giữ biên cương chân chất, bình dị, không lên gân lên cốt “hung hăng” gì cả. Đó mới là vẻ đẹp thực sự của lòng quả cảm của con người Việt Nam đối diện với những kẻ tham lam và hiếu chiến. Nó đúng bản chất của người Việt ta: “Sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa”, “Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa”…

* Cảm ơn ông!
    Hà Châu Sơn (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm