28/07/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá
Đâu là ranh giới giữa dung tục và nghệ thuật ở những sáng tác mỹ thuật lấy cảm hứng từ thơ Hồ Xuân Hương? Đó là câu hỏi đặt ra sau triển lãm Cõi Hồ Xuân Hương vừa qua.
Về vấn đề này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, người đã có nhiều năm theo đuổi những nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương, cũng như có nhiều sáng tác mỹ thuật lấy cảm hứng từ tác phẩm của bà. Anh cũng là một trong những người đầu tiên lên tiếng về một số hình ảnh thô thiển ở triển lãm Cõi Hồ Xuân Hương.
Mở đầu câu chuyện, họa sĩ Tuấn Sơn cho biết:
- Theo quan điểm của tôi, vẽ là quyền sáng tác của mỗi người. Nhưng, khi nội dung sáng tác lại gán ghép với một thi sĩ được UNESCO tôn vinh như Hồ Xuân Hương, mọi thứ đã bước sang một câu chuyện khác. Đó không còn là vấn đề vẽ cho đẹp, mà phải gắn với sự hiểu biết về một danh nhân văn hóa tầm thế giới.
Thẳng thắn, sự hiểu biết cần có ấy trước hết phụ thuộc vào khả năng chịu đọc của tác giả. Và đọc cũng không đủ - nếu chỉ gói gọn dung lượng trong mấy chục bài thơ mà Bà chúa thơ Nôm để lại. Xa hơn, đó còn là yêu cầu tự học, tự nghiên cứu và bổ sung những kiến thức văn hóa về tư tưởng, quan điểm sáng tác, thậm chí cả về cuộc đời và các mối quan hệ của nhà thơ hay bối cảnh xã hội đương thời.
Tôi chỉ nói một ví dụ đơn giản: Nếu đọc các nghiên cứu, ta sẽ thấy thời Hồ Xuân Hương sống (cuối thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX) là giai đoạn đầy biến động tang thương của dân tộc và cũng là giai đoạn mục ruỗng của nhiều lề thói cũ. Nhưng trong những biến động ấy, rất nhiều thi nhân tài hoa lại xuất hiện, ca ngợi khát vọng yêu thương, tình yêu đôi lứa và truyền cảm hứng đến tận bây giờ. Hiểu điều đó, ta sẽ thấy những bỡn cợt, đùa giỡn trong thơ bà chỉ là bề nổi...
* Với cá nhân anh, quá trình tìm hiểu và sáng tác tranh về thơ Hồ Xuân Hương diễn ra thế nào?
- Từ năm 1998, tôi bắt đầu lấy cảm hứng từ thơ Hồ Xuân Hương để vẽ. Đến giờ, tôi vẫn đi con đường ấy theo cách của mình, với việc tiếp tục tìm hiểu và bổ sung những kiến thức cần thiết, trong đó không thể bỏ qua nguồn tư liệu mà những thế hệ nghiên cứu trước để lại. Thực lòng, với tôi, di sản của Hồ Xuân Hương luôn mang lại một nguồn cảm hứng rất lớn để tự đọc, tự học. Đó là một con đường dài, nhưng lại khiến tôi hạnh phúc trước những gì nhận về.
Vẽ về thơ Hồ Xuân Hương cũng vậy. Vững về nghề chưa đủ, người sáng tác cần hiểu về lịch sử mỹ thuật, hiểu về cách tiếp cận của những người đi trước. Tìm hiểu, ta sẽ biết tại sao nhiều họa sĩ thành công trong đề tài này thường chọn phong cách trừu tượng hoặc lập thể. Đơn giản, thơ của bà nói ít gợi nhiều, người sáng tác càng đi sâu theo hướng hiện thực hóa thì càng dể trở nên thô thiển và trần trụi.
Ai cũng rõ, ranh giới giữa sự thô tục và nghệ thuật vô cùng mỏng manh. Và những ai hiểu về hệ giá trị mà thơ Hồ Xuân Hương mang lại thì sẽ tự biết điều chỉnh, hạn chế những yếu tố tưởng như dâm tục của lớp vỏ ngôn từ.
* Trong lịch sử mỹ thuật, đã có nhiều họa sĩ lấy cảm hứng từ thơ Hồ Xuân Hương để sáng tác. Anh có thể chia sẻ cảm nhận của mình về họ?
- Bằng vốn học thuật từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và khả năng thể hiện ngôn ngữ hội họa ấn tượng, cố họa sĩ Bùi Xuân Phái thường sử dụng bố cục chặt chẽ với những nét đen viền rất mạnh và kĩ thuật đè chồng các mảng màu. Đặc biệt, ông chủ động để sót một số lớp màu đậm nhạt khác nhau rất tinh tế… Ngôn ngữ hội họa của cố họa sĩ này rất gần với ngôn ngữ dân gian trong thơ Hồ Xuân Hương, có sự khỏe khoắn, hồn hậu nhưng lại rất gần gũi thân quen.
Hoặc, cố họa sĩ Lê Lam cũng là một người vẽ tranh minh họa thơ Hồ Xuân Hương khá nhiều. Ông sử dụng những trang phục truyền thống như áo yếm, váy đụp, khăn vấn... một cách rất nhuần nhuyễn, cộng cùng những nét vẽ đặc tả khuôn mặt và đôi bàn tay rất đẹp. Dù có phần bị hạn chế về cảm xúc - điều vốn là đặc trưng của tranh khắc gỗ - nhưng Lê Lam vẫn thể hiện rất tốt cái hồn của thơ Hồ Xuân Hương mà không gợi cảm giác dung tục, kể cả khi vẽ những phần nhạy cảm như bầu ngực và phần bụng dưới của nhân vật.
Rồi, Trương Đình Hào - với đặc trưng của một họa sĩ đến từ xứ Kinh Bắc - cũng sử dụng các mảng và tạo hình rất tốt khi vẽ về thơ Hồ Xuân Hương. Tương tự, họa sĩ gốc Việt Nguyễn Minh Thành là người có nhiều dịp tiếp xúc, lĩnh hội kiến thức về thơ Hồ Xuân Hương qua học giả Hoàng Xuân Hãn và cũng thường xuyên sử dụng ngôn ngữ trừu tượng. Rộng hơn, khi thơ Hồ Xuân Hương được dịch ra nhiều thứ tiếng như Ba Lan, Nga, Anh, Trung Quốc..., các họa sĩ thế giới khi vẽ minh họa cũng thường chọn ngôn ngữ trừu tượng.
Nhìn chung, các tác phẩm hội họa thành công về thơ Hồ Xuân Hương từ trước tới nay đều có một số đặc điểm chính: Lấy cảm hứng từ thơ của bà để sáng tác, chứ ít khi “phổ” hẳn cho một tác phẩm cụ thể nào. Và họa sĩ cũng thường có sự gợi mở, để người xem tiếp tục suy ngẫm và say mê, chứ không bày hết ra theo ngôn ngữ hiện thực (cười).
* Câu chuyện về triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” đã khép lại. Dù vậy, anh có thể nêu quan điểm của mình sau sự cố này?
- Anh em trong nghề chúng tôi vẫn nói với nhau: Vẽ chưa tới thì phải đi học thêm. Còn vẽ được rồi thì phải đi đọc thêm. Vậy thôi.
Từ việc hiểu về chủ đề, bố cục, hình khối, cảm xúc cho đến việc hiểu về thơ ca, con người, tinh thần, tư tưởng của một danh nhân văn hóa luôn là chặng đường dài và đòi hỏi nỗ lực tự thân của mỗi người. Chẳng ai trong chúng ta sinh ra đã đủ hiểu biết. Nhưng, hãy bù đắp cho khoảng trống ấy bằng sự sự cầu thị để tìm hiểu, để tự đọc và học từ những người đi trước.
Và cuối cùng, là một nhà giáo, tôi cũng mong các họa sĩ nên có thêm ý thức khi sáng tác. Vẽ cho cá nhân, cho bạn bè thì không nói. Còn khi trưng bày tác phẩm trước công chúng, chúng ta hãy nghĩ tới tính giáo dục, cũng như việc thể hiện sự tự trọng và hiểu biết của mình.
*Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
Sự cố “Cõi Hồ Xuân Hương” Gồm 25 bức tranh lấy cảm hứng từ thơ Hồ Xuân Hương, triển lãm Cõi Hồ Xuân Hương của hai họa sĩ Nguyễn Nghiêm Nhan và Nguyễn Quốc Thắng diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội từ 21/7. Tuy nhiên, ngày 25/7, Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đã họp và yêu cầu gỡ bỏ một số tranh khỏi triển lãm. Trước đó, một số ý kiến phản ứng cho rằng một số bức tranh tại đây có sự dung tục, phản cảm. |
Cúc Đường (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất